28/04/2021 - 06:21

Những thói quen nên duy trì hậu COVID-19 

Năm qua, chúng ta đã phải thích nghi với một thế giới thay đổi nhanh chóng vì đại dịch COVID-19, dần dần hình thành một số thói quen mới có lợi cho môi trường và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh khác. Khi thế giới từ từ “mở cửa” trở lại, các chuyên gia sức khỏe và môi trường khuyến nghị chúng ta nên duy trì một số thói quen có lợi cho Trái đất và nhân loại, kể cả sau khi đại dịch kết thúc.

Gắn kết với gia đình và thiên nhiên là những thói quen tốt nên duy trì sau đại dịch. Ảnh: dreamstime.com

Gắn kết với gia đình và thiên nhiên là những thói quen tốt nên duy trì sau đại dịch. Ảnh: dreamstime.com

Mua sản phẩm tại địa phương

Theo Cục Quản lý Doanh nghiệp Mỹ, khi thế giới lâm vào bế tắc, nhiều người đã tìm đến các chợ nông sản gần nhà để mua thực phẩm thiết yếu. Thói quen này tốt cho bầu khí quyển, bởi việc mua thịt và nông sản nuôi trồng, chế biến tại địa phương hoặc khu vực lân cận giúp giảm thiểu đáng kể “dấu chân carbon” của mỗi người - tức lượng khí thải carbon mà mỗi cá nhân tạo ra từ các hoạt động thường ngày. Các chuyên gia môi trường cho biết một phần khí thải nhà kính đến từ quá trình vận chuyển thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Đeo khẩu trang khi bị bệnh

Trước đại dịch, mọi người hiếm khi đeo khẩu trang khi bị cảm hoặc cúm, nhưng sau khi dịch bùng phát và chính phủ các nước ban hành hướng dẫn đeo khẩu trang để giảm nguy cơ nhiễm bệnh hoặc lây truyền COVID-19 cho người khác, mọi người đã quen dần với việc này.

Đi lại ít hơn, giảm phát thải khí nhà kính

Cơ quan Bảo vệ Môi trường ước tính một phương tiện chở khách thông thường mỗi năm thải ra khoảng 4,6 tấn CO2. Khi đại dịch làm nhiều văn phòng đóng cửa, mọi người nhanh chóng thích nghi với thói quen làm việc trực tuyến, làm giảm nhu cầu sử dụng các phương tiện giao thông. Đơn cử, thống kê của Cục Quản lý đường bộ liên bang Mỹ cho thấy người dân nước này đi lại ít hơn gần 60 tỉ km trong tháng 6-2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Tương tự, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không giảm đi do hủy chuyến và lệnh hạn chế đi lại để phòng, chống dịch cũng góp phần cải thiện chất lượng không khí toàn cầu. Được biết, ngành hàng không đóng góp 2% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Trước dự báo con số này sẽ gia tăng và tiếp tục đe dọa chất lượng không khí khi nhiều nơi “mở cửa” trở lại, các chuyên gia môi trường khuyến nghị các nhà chức trách và doanh nghiệp có thể tổ chức cuộc họp trực tuyến để hạn chế đi công tác bằng máy bay.

Dành thời gian nhiều hơn cho những người thân yêu

Khi đại dịch bùng phát, nhiều gia đình đã dành thời gian quây quần bên nhau nhiều hơn. Làm việc tại nhà cũng giúp các thành viên có cơ hội thưởng thức các bữa ăn cùng nhau. Ngoài gia tăng thời gian gắn kết và thắt chặt tình thân, việc ăn uống cùng những người thân yêu cũng được chứng minh giúp các thành viên tăng lượng tiêu thụ trái cây và rau củ, rất tốt cho sức khỏe - theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Giáo dục và Hành vi Dinh dưỡng.

Gắn kết với thiên nhiên

Nhiều người trên thế giới đã tạm lánh về các vùng nông thôn khi COVID-19 xâm nhập các thành phố. Trở về với thiên nhiên để hít thở không khí trong lành hoặc trồng cây, trồng rau tại nhà cũng trở thành xu hướng phổ biến.

Hòa mình với thiên nhiên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần - theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports. Cụ thể, trong số những người dành ít nhất 2 giờ/tuần sống với thiên nhiên, chỉ có 1/7 báo cáo sức khỏe kém. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology cho thấy, trẻ em cũng gặt hái được nhiều lợi ích khi thường xuyên dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên. Theo đó, những đứa trẻ gắn kết với thiên nhiên có lòng vị tha và đạt điểm số cao hơn trong thang điểm hạnh phúc.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết