28/08/2018 - 22:05

Những nông dân dám nghĩ, dám làm 

Nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp Hội Nông dân (HND) thành phố tập trung  vận động hội viên nông dân (ND) chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời, phối hợp hướng dẫn, tập huấn chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho ND ứng dụng vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều ND trên địa bàn thành phố mạnh dạn chuyển dịch kinh tế, nhạy bén trong việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững, hiệu quả.

Sản xuất lúa giống chất lượng cao

Với cách làm sáng tạo trong sản xuất, nhạy bén trong kinh doanh, ông Trần Thanh Liêm ở khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt đã ứng dụng thành công mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao, thu nhập trên 10 tỉ đồng/năm. Năm 2017, ông Hai Liêm được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Ông Liêm kể, trước đây, 1ha đất của gia đình trồng lúa thương phẩm, thu nhập không cao. Năm 2000, ông mạnh dạn chuyển sang trồng lúa giống và mang lại hiệu kinh tế cao ngoài dự kiến. Công việc làm ăn thuận lợi, ông đã tích cóp mua thêm 5ha đất, nâng tổng diện tích đất của gia đình lên 6ha.

Mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao của ông Trần Thanh Liêm có thu nhập trên 10 tỉ đồng/năm.

Năm 2012, ông Liêm thành lập cơ sở sản xuất lúa giống Hai Liêm và liên kết với ND sản xuất lúa giống trên diện tích khoảng 50ha. Ông Liêm cho biết: Việc trồng lúa giống phức tạp hơn lúa hàng hóa, nhưng nhờ có cán bộ ND, khuyến nông hướng dẫn nên dần dần việc sản xuất đi vào nền nếp. Qua 6 năm hoạt động, cơ sở sản xuất lúa giống Hai Liêm đã đầu trên 1,5 tỉ đồng xây dựng kho chứa hơn 700 tấn, 2 lò sấy, 2 máy tách hạt và thiết bị đóng bao để hoàn thiện quy trình sản xuất lúa giống. Hằng năm, cơ sở bán ra thị trường trên 1.000 tấn lúa giống, doanh thu trên 10 tỉ đồng. Không chỉ SXKDG, ông Liêm còn giúp nhiều ND mua lúa giống trả chậm không tính lãi, hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc...

Nông dân đa nghề

Ông Đoàn Văn Thi ở ấp Trung Hóa, xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai là người tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, kết hợp với kinh doanh. Từ hai bà tay trắng, ông đã xây dựng cơ ngơi vững chắc, với thu nhập khoảng 3 tỉ đồng/năm. Năm 2016, ông Thi vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen vì có thành tích trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Năng động xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả (trồng lúa, nuôi trồng thủy sản) và kinh doanh, ông Đoàn Văn Thi có thu nhập khoảng 3 tỉ đồng/năm.

Ông Thi bộc bạch: "Hồi trước, gia đình tôi cực khổ trăm bề. Vợ chồng tôi phải làm đủ nghề kiếm sống, nuôi con". Nhờ chăm chỉ làm lụng, kinh tế gia đình dần khấm khá. Đến năm 1990, ông Thi tích cóp tiền mua được 15 công đất ruộng. Thời điểm đó, ông Thi chỉ làm 2 vụ lúa/ năm. Những lúc nông nhàn, ông làm thêm nghề mua bán cá.  Công việc làm ăn thuận lợi, ông mua thêm 80 công đất ruộng để mở rộng sản xuất. Ông Thi chia sẻ: "Nhờ dự các lớp tập huấn, tham gia hội thảo đầu bờ do HND tổ chức và tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả nên tôi mạnh dạn ứng dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa. Nhờ đó, giảm được chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật,... lúa lại cho năng suất cao". Năm 2018 hai vụ lúa đông xuân và hè thu của ông Thi đạt năng suất từ 40-60 giạ/công,  thu nhập khoảng 1 tỉ đồng… Ngoài trồng 2 vụ lúa, ông Thi nuôi cá ở vụ thu đông và có thêm thu nhập gần 200 triệu đồng".

Những năm gần đây, ông Thi còn tổ chức thu mua lúa cho ND với giá cao hơn thị trường. Năm 2015, ông Thi thành lập cửa hàng mua bán vật tư nông nghiệp, mỗi năm cửa hàng có doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng, lời trên 400 triệu đồng.

Kiếm tiền tỉ nhờ mít không hạt

Nhờ giống mít không hạt mà ông Trần Minh Mẫn, khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng đã "rinh" nhiều giải trong các cuộc thi Hội thi trái ngon trên cả nước và được Trung ương HND Việt Nam  tặng danh hiệu "ND SXKDG giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016" và "ND Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới". Theo ông Mẫn, năm 2007, ông được giới thiệu giống mít có nguồn gốc từ Myanmar, không hạt, múi và xơ có màu vàng, ngon… Ông nhận thấy đây là giống mít lạ và quyết định nhân giống 120 gốc để trồng. Sau 3 năm chăm sóc, cây bắt đầu cho trái chiếng, năm đó thu hoạch được khoảng 1 tấn mít, bán với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Ông Trần Minh Mẫn thu lãi trên 700 triệu đồng/ năm nhờ bán giống mít không hạt. 

Năm 2010, ông Mẫn đem giống mít này tham gia Hội Thi trái ngon an toàn Nam bộ lần 2 và đạt giải lạ, hiếm, mít không hạt. Sau hội thi, nhiều thương lái đến tận nhà bao tiêu sản phẩm, với giá 25.000-30.000 đồng/kg. Đến năm 2012, ông Mẫn được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền với thương hiệu Mít không hạt Ba Láng. Hiện tại, mỗi năm, ông Mẫn xuất bán ra thị trường trên 60.000 cây mít giống với giá từ 30-40.000 đồng/cây. Với số lượng trên, ông Mẫn thu về trên 1 tỉ đồng, trừ các chi phí ông Mẫn còn lời trên 700 triệu đồng.  Ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, ông Mẫn còn bán sang Campuchia... Hiện tại, vườn mít của ông Mẫn còn trên 70 cây mít đầu dòng và cho sản lượng từ 6 tấn/ năm. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, ông Mẫn quyết định không để trái và dưỡng cây để tiếp tục nhân giống.

Bài, ảnh: KHẮC VIỆT

Chia sẻ bài viết