08/10/2014 - 14:39

Những nghiên cứu đột phá giúp điều trị vô sinh trong tương lai

Cuối tuần qua, thế giới đón nhận thông tin đặc biệt, đó là một phụ nữ 36 tuổi người Thụy Điển đã hạ sinh một em bé khỏe mạnh từ tử cung cấy ghép và đã xuất viện về nhà. Thành công này mở ra cơ hội làm mẹ cho những chị em bị khiếm khuyết bẩm sinh hoặc mất tử cung do bệnh tật. Nhưng đây chỉ là sự khởi đầu cho một tương lai không còn lo lắng chuyện vô sinh, bởi nhiều nghiên cứu đột phá về sinh sản có thể trở thành hiện thực trong 20 năm tới…

Sinh em bé từ bột trứng

Phụ nữ trong tương lai có thể lưu trữ trứng ở dạng bột, rồi chỉ cần thêm nước và tinh trùng khi quyết định có con. Nghe có vẻ kỳ quặc so với phương pháp hiện hành là trữ đông trứng trong dung dịch nitrogen, nhưng “bột hóa” trứng để lưu trữ là cách mà các nhà khoa học Israel đang thực hiện. Trong nghiên cứu, các chuyên gia sử dụng trứng bò. Đầu tiên, họ cấp đông trứng thật nhanh, đạt mức âm 200oC trong vòng 1/10 giây, không đủ thời gian để các tinh thể băng hình thành và gây tổn hại cấu trúc tế bào của trứng. Trứng đông lạnh sau đó được giữ 1 ngày ở mức âm 55oC với áp suất thấp để chuyển hóa thành dạng bột và lưu trữ không thời hạn ở nhiệt độ phòng.

Tạo ra trứng và tinh trùng từ tế bào da

Trong tương lai không xa, các anh chị em bị vô sinh có thể dùng tế bào gốc của mình để tạo ra trứng và tinh trùng trong phòng thí nghiệm.

Vincent – em bé đầu tiên trên thế giới chào đời nhờ tử cung cấy ghép.  

Năm ngoái, các nhà khoa học Nhật Bản đã dùng tế bào da chuột để tạo ra tế bào trứng và tinh trùng. Đầu năm nay, các nhà khoa học tại Đại học Stanford (Mỹ) cũng đã thành công khi trích tế bào da từ những người đàn ông không thể tạo ra tinh trùng khỏe mạnh, tái lập trình chúng thành tế bào gốc rồi cấy vào tinh hoàn của chuột, nơi chúng được nuôi dưỡng thành tế bào tinh trùng non. Qui trình này cũng có thể được dùng để tạo ra trứng. “Về lý thuyết, điều đó có nghĩa người phụ nữ không cần chọc hút trứng để chữa hiếm muộn mà chỉ cần trích mẫu da của mình” – chuyên gia sản phụ khoa Mike Bowen cho biết.

Tử cung và buồng trứng nhân tạo

Năm 2003, các nhà khoa học thuộc Đại học Cornell (Mỹ) thử nghiệm nuôi phôi thai chuột và người trong tử cung nhân tạo – kết cấu gồm bộ khung sinh học có cấy sẵn mô tử cung của chuột hoặc người, được duy trì bằng các chất dinh dưỡng và khí ôxy. Bộ phận này được cho có khả năng nuôi dưỡng cũng như cung cấp các dưỡng chất và hoóc-môn cần thiết cho từng giai đoạn phát triển của bào thai. Tuy phôi thai người chỉ tồn tại được vài ngày trong dạ con nhân tạo nhưng phương pháp này được đánh giá là rất có triển vọng.

Trong khi đó, các chuyên gia tại Đại học Brown sử dụng mô buồng trứng hiến tặng để tạo ra cấu trúc giống tổ ong 3D, sau đó cấy trứng người vào. Các thử nghiệm cho thấy buồng trứng nhân tạo có khả năng nuôi trứng từ giai đoạn còn non cho đến khi trưởng thành, giống như buồng trứng thật. Đột phá này mở ra hy vọng bảo toàn khả năng sinh sản ở những chị em từng trải qua điều trị ung thư hoặc mắc hội chứng vách ngăn buồng trứng vốn khó thụ thai.

Lọc rửa tinh trùng

Khoảng 10% nam giới sản xuất kháng thể “chống tinh trùng” khi tinh dịch và máu tiếp xúc với nhau, nguyên nhân có thể là do phẫu thuật (như lấy mẫu sinh thiết hay thắt ống dẫn tinh), sau khi bị nhiễm trùng hoặc chấn thương tinh hoàn. Khi tinh dịch và máu pha lẫn vào nhau, cơ thể có thể nhầm lẫn các tế bào tinh trùng “lạ” như tác nhân gây hại và kích hoạt hệ miễn dịch sản xuất kháng thể làm các tế bào tinh trùng dính vào nhau và vón cục. Số tinh trùng bất động này vì vậy khó mà thụ tinh cho trứng.

Phương pháp lọc rửa tinh trùng chính là đưa tinh dịch vào một dung dịch đặc biệt để tách tinh trùng ra khỏi hỗn dịch hoặc làm cho chúng không còn bị vón cục. Sau khi được “lọc rửa”, tinh trùng bắt đầu bơi tự do trở lại và có thể sử dụng trong điều trị ICSI (tiêm tinh trùng trực tiếp vào noãn để tạo phôi), một kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mới.

Theo dõi phôi thai

Máy theo dõi phôi (embryoscope) là một công nghệ tiên tiến, giúp các chuyên gia sinh sản lựa chọn phôi thai có nhiều khả năng cấy ghép thành công trong tử cung và phát triển thành một em bé.

Sau khi phôi được thụ tinh bằng kỹ thuật IVF, chúng được lưu lại trong phòng thí nghiệm 5 ngày để phát triển trước khi 1 hoặc 2 phôi được chọn lọc để cấy vào tử cung. Máy theo dõi phôi là một lồng ấp đặc biệt mô phỏng các điều kiện sống giống như môi trường bên trong tử cung, cùng với các camera quan sát có chức năng theo dõi phôi xuyên suốt. Những camera này ghi lại 5.000 ảnh để kiểm tra tiến độ phát triển của phôi trong 5 ngày. Phương pháp này đã được chứng minh giúp tăng đến 50% cơ hội đậu thai thành công.

Giáo sư Simon Fishel, Giám đốc điều hành Hệ thống nhà hộ sinh tư nhân CARE, cho biết: “Kinh nghiệm cho thấy các phôi có bất thường về nhiễm sắc thể có tốc độ tăng trưởng và đặc điểm hình dạng đặc biệt. Sử dụng máy theo dõi phôi, chúng ta có thể phân loại những phôi có cơ hội đậu thai cao nhất và thấp nhất mà không cần đụng đến chúng”.

Nhìn thấy em bé trước khi thụ thai

Các bệnh viện phụ sản ở Mỹ sẽ sớm cung cấp cho khách hàng dịch vụ “xem mắt” đứa con tương lai. Theo đó, công nghệ Matchright lấy ADN của hai vợ chồng và tạo ra phôi ảo, nhờ vậy có thể tiết lộ sức khỏe của đứa con tương lai ngay cả trước khi em bé hình thành. Công nghệ mới, dự kiến ra mắt vào tháng 11, sẽ giúp sàng lọc các bệnh di truyền ở đứa trẻ tương lai bằng cách kết hợp thử ADN của người hiến tặng tinh trùng với ADN của người mẹ. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng có thể được dùng để đoán màu tóc, chiều cao, màu da và những đặc điểm khác của em bé có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền.

THANH TRÚC (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết