26/10/2019 - 11:35

Mỹ tái triển khai thiết bị quân sự tại Syria 

Trong nỗ lực củng cố vị thế đang lung lay ở Trung Đông, Washington có thể điều xe tăng cùng thiết bị quân sự hạng nặng đến miền Đông Syria nhằm bảo vệ các mỏ dầu khỏi nguy cơ rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc những phe phái khác.

Các tay súng được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ bắt đầu kiểm soát thị trấn biên giới Tal Abyad. Ảnh: Reuters

Nói trong điều kiện giấu tên, quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận quyền kiểm soát các mỏ dầu ở Đông Syria là một trong những lợi ích lớn nhất mà Washington cùng đồng minh và đối tác thu được trong cuộc chiến chống IS. Đây là nguồn tài chính quan trọng đối với các tay súng thánh chiến và việc đảm bảo các mỏ dầu an toàn là điều cần thiết để ngăn IS hồi sinh.

Hiện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley vẫn đang cân nhắc các giải pháp trình lên Tổng thống Donald Trump. Fox News dự đoán Lầu Năm Góc có thể điều động hàng trăm binh sĩ và các đơn vị xe tăng hiện diện trước đó ở Trung Đông. Về địa điểm, khu vực được chọn nhiều khả năng là nhà máy Conoco gần thành phố Deir Ezzor của Syria. Đây từng là nơi giao tranh giữa lực lượng đặc nhiệm Mỹ và dân quân được quân đội Syria hậu thuẫn.

CNN dự đoán kế hoạch này sẽ sớm diễn ra và điều đó cho thấy Mỹ có thể không hoàn toàn rút khỏi Syria mà sẽ xem xét thêm nhiều giải pháp để củng cố lực lượng còn ở lại. Trước đó, quyết định của Tổng thống Trump vội vàng rút toàn bộ quân Mỹ đã kích hoạt cơn sóng giận dữ tại quốc hội nước này. Chủ nhân Nhà Trắng đã làm rõ mục đích lui quân là để đưa lính Mỹ về nước, chứ không như cáo buộc là “bán đứng” người Kurd hay dọn đường cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đồng minh từng sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Dù là vậy, giới phê bình cho rằng Washington sau hành động này hoàn toàn đánh mất sức ảnh hưởng đối với cục diện tại Syria và tạo cơ hội để Nga khẳng định vai trò trong khu vực. Nhiều quan chức Mỹ còn lo ngại các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Syria có thể lợi dụng hỗn loạn để tăng cường thế lực.

Nhằm xoa dịu quốc hội, Tổng thống Trump cam kết sẽ bảo vệ các mỏ dầu và khí đốt kể cả khi rút quân. Ông Trump trên Twitter còn nói rằng đã đến lúc người Kurd bắt đầu hướng tới khu vực dầu mỏ. Hôm 24-10, Lầu Năm Góc trong tuyên bố cũng xác nhận khả năng phối hợp với Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo trong kế hoạch sắp tới. Tình hình hiện nay khiến nhiều người nghĩ đến cuộc di cư hàng loạt của người Kurd đến các mỏ dầu trên sa mạc. Với kịch bản này, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power cho rằng Tổng thống Trump đang giúp Thổ Nhĩ Kỳ đẩy nhanh tốc độ triển khai kế hoạch lập “vùng an toàn” chống lại lực lượng người Kurd. Cựu đại sứ nhân đạo của LHQ Jan Egeland quan ngại biến động lớn như vậy tiếp tục kéo dài xung đột ở Syria.

Kế hoạch vô nghĩa?

Một số ý kiến cho rằng ý tưởng “bảo vệ mỏ dầu” giúp Mỹ duy trì mối quan hệ với SDF trong cuộc chiến chống IS, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng điều đó sẽ đi ngược ý định rút quân. Theo đó, chiến lược này đòi hỏi Washington bổ sung nhiều quân hơn con số 1.000 binh sĩ triển khai trước đó để đảm bảo công tác bảo trì và bảo vệ các đơn vị bọc thép giữa sa mạc. Điều này đồng nghĩa khu vực phía Đông Syria có thể được xây dựng như một vùng đất của Mỹ.

Ngược lại, quân Mỹ với vài trăm binh sĩ co cụm tại các mỏ dầu sẽ dễ trở thành mục tiêu trong khu vực mà biên giới được bảo vệ bởi Nga và Syria; còn người Kurd có lẽ không muốn liên quan gì đến Washington khi họ đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Damascus. Theo chuyên gia về Trung Đông Joshua Landis, động thái mới của chính quyền Trump không chỉ vô nghĩa mà còn phơi bày sự hỗn loạn trong chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ.

Ông Trump tiếp tục “tấn công” hai tờ báo hàng đầu ở Mỹ

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Nhà Trắng ngày 24-10 cho biết Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị các cơ quan liên bang không tiếp tục đặt hai tờ báo lớn nhất của Mỹ - tờ The New York Times và The Washington Post.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết việc không gia hạn đặt mua hai tờ báo trên tại tất cả các cơ quan liên bang sẽ giúp giảm khá lớn chi phí, tiết kiệm hàng trăm nghìn USD tiền đóng thuế của người dân.

Trước đó, Tổng thống Trump yêu cầu các nhân viên dưới quyền ngừng đặt The Washington Post và The New York Times bản in sau khi thể hiện thái độ bực tức trước cách đăng trang bìa của hai tờ báo này. Hai tờ báo này đã không còn xuất hiện trong số các bản báo giấy được chuyển đến Nhà Trắng ngày 24-10.

Tổng thống Mỹ liên tục phản đối các báo trên liên quan đến cách đưa tin về hoạt động của chính quyền, đặc biệt là câu chuyện liên quan đến Ukraine với hệ quả là tiến trình luận tội ở hạ viện. Trên tài khoản cá nhân mạng xã hội Twitter và trong các chuyến đi vận động tranh cử, ông Trump từng tuyên bố một sổ tổ hợp báo chí là “đưa tin giả”.

Hai tờ The New York Times và The Washington Post dù không phải là những tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất, nhưng có tầm ảnh hưởng lớn trong nền chính trị quốc gia và đặc biệt là những bài viết về Nhà Trắng.

 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
MỹSyria