11/04/2024 - 20:59

Mỹ, Nhật nâng cấp liên minh 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp hôm 10-4 đã công bố một loạt biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác về quân sự, kinh tế cũng như nhiều lĩnh vực khác. Ðây được xem là một phần trong nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng nhằm chống lại hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Biden (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida trong cuộc gặp hôm 10-4. Ảnh: NYT

Theo lời Tổng thống Biden, Mỹ và Nhật Bản sẽ tạo ra cấu trúc quốc phòng mở rộng với Úc, tham gia các cuộc tập trận 3 bên với Anh và tìm cách để Tokyo tham gia một liên minh do Washington lãnh đạo có sự tham dự của Úc và New Zealand. “Chúng tôi sẽ cùng nhau thực hiện những bước quan trọng để tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng. Chúng tôi đang hiện đại hóa các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát. Ðây là lần nâng cấp quan trọng nhất trong liên minh của chúng tôi kể từ khi nó được thành lập. Tôi cũng vui mừng thông báo rằng lần đầu tiên Nhật Bản, Mỹ và Úc sẽ tạo ra một mạng lưới kiến trúc tên lửa phòng không và phòng thủ” - Tổng thống Biden nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Kishida. Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa cũng thông báo rằng Mỹ sẽ đưa một phi hành gia Nhật Bản lên Mặt trăng trong khuôn khổ chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Ông Biden còn ca ngợi mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản, xem đây là “nền tảng của hòa bình, an ninh, thịnh vượng”, đồng thời khẳng định liên minh Washington - Tokyo hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mối đe dọa khu vực nào. Ông Biden nói rằng lời hứa của cố Tổng thống Dwight D. Eisenhower về “mối quan hệ đối tác không thể phá hủy” với Tokyo đã được thực hiện. “Chỉ cách đây vài thế hệ, 2 quốc gia của chúng tôi đã vướng vào một cuộc xung đột tàn khốc. Tuy nhiên, thay vì coi nhau như đối thủ, chúng tôi đã đưa ra một lựa chọn tốt hơn nhiều, đó là trở thành những người bạn thân thiết nhất” - ông Biden nói thêm.

Về phần mình, Thủ tướng Kishida tái khẳng định “sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhật Bản đối với Ukraine” trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động - ưu tiên hàng đầu của ông Biden. Ông Kishida cho hay, hai bên cũng thảo luận những căng thẳng trên trường quốc tế, đồng thời cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. “Những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc là hoàn toàn không thể chấp nhận được, dù ở bất kỳ đâu” - ông Kishida tuyên bố.

Theo hãng tin CNN, hơn 70 thỏa thuận đã được công bố trong khuôn khổ cuộc gặp song phương giữa 2 ông Biden và Kishida. Trong đó bao gồm cam kết thay đổi cơ cấu lực lượng Mỹ tại Nhật Bản để cải thiện cách thức hợp tác giữa lực lượng Nhật Bản và Mỹ; thành lập “hội đồng công nghiệp quân sự” để có thể hỗ trợ cho việc xuất khẩu các thiết bị liên quan đến quốc phòng được sản xuất tại Nhật Bản. Hai bên cũng nhất trí hợp tác trong các lĩnh vực như không gian, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và năng lượng sạch.

Cuộc gặp giữa 2 ông Biden và Kishida diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu, trong khi Nhật Bản có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách an ninh. Sheila Smith, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Ðối ngoại Mỹ, cho rằng Nhật Bản đã có một bước thay đổi trong cách quốc gia Ðông Á này giải quyết các vấn đề toàn cầu. “Tokyo không còn lặng lẽ đứng bên lề quan sát Triều Tiên, Trung Quốc và bây giờ là Nga cố gắng thay đổi hiện trạng. Giới lãnh đạo Nhật Bản đã nhận ra mối nguy hiểm của việc không hành động. Mục đích của họ là đảm bảo không ai có thể làm giảm sức mạnh của Nhật Bản” - bà Smith nói.

Nhận định về chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tới Mỹ, Rahm Emanuel, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, gọi đây là cơ hội để 2 nước “viết chương đầu tiên của kỷ nguyên hợp tác mới”.

Ngày 10-4, Bộ Quốc phòng Anh thông báo nước này có kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung định kỳ với Mỹ và Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bắt đầu từ năm 2025, nhằm tăng cường an ninh khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết ba nước tiến hành các cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm mục đích thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tàu sân bay HMS Prince of Wales của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ được triển khai tới khu vực như một phần của lực lượng phụ trách thực hiện các hoạt động phối hợp và tập trận với các đồng minh, trong đó có chuyến thăm cảng Nhật Bản.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết