23/11/2011 - 14:51

Mỹ Khánh - xã đầu tiên đạt tiêu chí cung cấp dịch vụ công

Xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ vừa làm lễ ra mắt “Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” - gọi tắt là mô hình “một cửa hiện đại”. Với việc chính thức đưa vào hoạt động mô hình này, Mỹ Khánh trở thành xã đầu tiên trong 36 xã của thành phố đạt tiêu chí số 20 - Tiêu chí Cung cấp dịch vụ công (tiêu chí quy định riêng của TP Cần Thơ trong Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới (NTM)) trong tiến trình xây dựng NTM.

* Đưa CNTT vào quản lý

Mỹ Khánh là xã đầu tiên của TP Cần Thơ đạt tiêu chí số 20 - Cung cấp dịch vụ công theo Bộ tiêu chí
TP Cần Thơ về NTM. 

Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, cho biết: Thời gian qua, Mỹ Khánh luôn nỗ lực và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, góp phần giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho người dân. Đặc biệt, nhiều năm nay, Mỹ Khánh chưa có tình trạng “sách nhiễu” dân trong giải quyết các thủ tục hành chính nên được người dân đồng tình, ủng hộ cao trong công tác này. Tuy nhiên, việc quản lý hành chính của xã vẫn thiên về mặt “giấy tờ”, tốn rất nhiều thời gian cho việc thống kê, báo cáo cũng như công tác quản lý về mặt nhà nước... Để đạt tiêu chí số 20 theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM, đòi hỏi phải đầu tư trang thiết bị hiện đại thực hiện công tác cải cách hành chính. Bởi tiêu chí này quy định phải đảm bảo ứng dụng CNTT trong quản lý một cửa và phải đạt từ mức độ 02 trở lên.

Theo Phòng Nội vụ huyện Phong Điền, Mỹ Khánh là xã điểm chỉ đạo của TP Cần Thơ trong xây dựng NTM. Đồng thời, trước yêu cầu bức thiết về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, UBND huyện Phong Điền chỉ đạo Mỹ Khánh xây dựng Đề án đầu tư ứng dụng CNTT vào hoạt động tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ngày 7-8-2011, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền phê duyệt Đề án này và giao Phòng Nội vụ huyện làm chủ đầu tư. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phong Điền, cho biết: Đề án trang bị cho Mỹ Khánh hệ thống máy tính đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, hệ thống mạng nội bộ; kết nối với bộ phận một cửa của huyện để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân ngày càng được tốt hơn. Đồng thời, Đề án cũng đào tạo đội ngũ công chức xã am hiểu công việc, hướng dẫn tận tình, góp phần thực hiện thành công về cải cách hành chính. Mục tiêu chung hướng đến của đề án là tạo công bằng, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, giúp cho tổ chức và cá nhân đến giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước không phải đi lại nhiều lần. Ngoài ra, Đề án còn tạo điều kiện cho lãnh đạo quản lý và điều hành, theo dõi toàn bộ hoạt động của từng công chức tại bộ phận “một cửa” qua hệ thống phần mềm lưu trữ hồ sơ, giúp cho người dân dần dần tiếp cận với CNTT, tiến tới tra cứu hồ sơ trên mạng...

Để có sự thống nhất chung về Đề án, Phòng Nội vụ huyện phối hợp với Phòng Cải cách Hành chính (Sở Nội vụ TP Cần Thơ) và xã Mỹ Khánh tiến hành chọn địa điểm, đơn vị tư vấn - thiết kế, đơn vị cung cấp lắp đặt thiết bị và cung cấp phần mềm... Sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện, ngày 30-10, mô hình “một cửa hiện đại” xã Mỹ Khánh bắt đầu vận hành thử nghiệm. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 455 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện. Ngày 15-11 vừa qua, mô hình ra mắt và đi vào vận hành chính thức.

* Để mô hình này càng hiệu quả

Bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” - mô hình “một cửa hiện đại” tại UBND xã Mỹ Khánh có diện tích 60,8m2, sức chứa trên 48 người với 6 quầy giao dịch ở các lĩnh vực: địa chính, xây dựng, chính sách - xã hội, tư pháp - hộ tịch, thuế và văn phòng. Mỗi cán bộ công chức ở mỗi quầy giao dịch đều có thể vận hành phần mềm quản lý thông tin hoạt động nội bộ “tiếp nhận và trả kết quả” và phần mềm này được kết nối với bộ phận một cửa của huyện. Về những tiện ích của phần mềm này, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phong Điền, cho biết: Cán bộ khi tiếp nhận hồ sơ nhập thông tin ban đầu vào, xử lý xong công đoạn nào sẽ nhập tình trạng hồ sơ vào công đoạn đó. Toàn bộ thông tin được tích hợp lưu trữ trên máy tính nên việc thống kê báo cáo công việc của công chức sẽ được thuận lợi hơn. Việc in phiếu, nhận hồ sơ được phần mềm thiết kế sẵn, công chức chỉ nhập thông tin của người nộp hồ sơ và in gởi lại cho người nộp nhanh hơn. Ngoài ra, phần mềm còn giúp cho lãnh đạo kiểm tra việc giải quyết hồ sơ mỗi lĩnh vực tiếp nhận, số lượng hồ sơ trễ hẹn, đúng hẹn... để đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời.

Để mô hình này phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Trung Nghĩa đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ nâng cấp đường truyền để hệ thống mạng internet trên địa bàn huyện Phong Điền được chạy thông suốt nhằm đáp ứng cho việc mở rộng mô hình “một cửa hiện đại” tại tất cả các xã, thị trấn của huyện. Ông Phạm Văn Nhỏ, Trưởng Phòng Cải Cách hành chính (Sở Nội vụ TP Cần Thơ), cho rằng: Thời gian tới, Mỹ Khánh cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong nhân dân để dân hiểu và ngày càng nhiều người dân tiếp cận, hưởng lợi từ mô hình này. Ngoài ra, lãnh đạo xã cũng cần giám sát chặt chẽ hơn tác phong, đạo đức, lề lối làm việc... của cán bộ công chức, để người dân ngày càng tin tưởng vào công cuộc cải cách hành chính của nhà nước.

Với việc chính thức đưa vào hoạt động mô hình “một cửa hiện đại”, Mỹ Khánh đạt được 16/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM và trở thành xã đầu tiên của 36 xã của TP Cần Thơ đạt tiêu chí số 20 về Cung cấp dịch vụ công. Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, cho biết: Thời gian tới, Mỹ Khánh sẽ đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành kiểm tra, giám sát bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đồng thời, xã sẽ thực hiện tốt hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào giải quyết hồ sơ hành chính của công dân nhanh hơn, chính xác hơn, tránh gây phiền hà cho dân. Đồng thời, thường xuyên giáo dục cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa nhằm từng bước nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ đối với nhân dân...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.

DVCTT mức độ 1 phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.

DVCTT mức độ 2 là DVCTT mức độ 1; đồng thời, cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

DVCTT mức độ 3 là DVCTT mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền, gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

DVCTT mức độ 4 là DVCTT mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Ứng dụng CNTT từ mức độ 02 trở lên là ứng dụng CNTT phục vụ cho DVCTT một trong các mức độ 2, 3 hoặc 4.

(Bộ Hướng dẫn thực hiện 20 tiêu chí NTM TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết