11/09/2018 - 21:29

Mỹ dọa “trừng phạt” ICC 

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) mới đây trở thành “nạn nhân” tiếp theo của Mỹ sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton dọa sẽ trừng phạt các thẩm phán cơ quan này nếu họ tiến hành truy tố, buộc tội bất kỳ công dân Mỹ nào phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan.

Trụ sở ICC tại Hà Lan. Ảnh: AFP

Tuyên bố được đưa ra nhân ngày Mỹ tưởng niệm 17 năm vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Sự kiện này khơi mào cho chiến dịch của Washington tại Afghanistan, nơi được cho là cái nôi của chủ nghĩa khủng bố thế giới. Năm ngoái, công tố viên ICC đã yêu cầu tiến hành điều tra đầy đủ về các cáo buộc tội ác chiến tranh ở quốc gia Nam Á, trong đó gồm lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan, phiến quân Taliban, Haqqani cùng hoạt động tra tấn và trại giam bí mật của giới chức quân sự, tình báo Mỹ từ năm 2003.

Phát biểu tại Hiệp hội Liên bang về Luật và Nghiên cứu Chính sách Công (Federalist Society), John Bolton nói rằng không quốc gia thành viên ICC nào kể cả Afghanistan đưa ra đề nghị điều tra như trên. Qua đây, ông bác bỏ tính hợp pháp và thẩm quyền của ICC; đồng thời khẳng định bất kỳ cuộc điều tra nào nhằm vào lực lượng Mỹ đều “vô căn cứ và không công bằng”. Sự tồn tại của ICC, theo ông, là “mối đe dọa” đối với chủ quyền và an ninh quốc gia Mỹ, Israel cùng các đồng minh khác.

Một mặt, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Washington duy trì quan điểm “không hợp tác, không hỗ trợ, không tham gia” ICC. Trường hợp tòa án tại Hà Lan tiến hành điều tra chống lại quân nhân Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ công dân cũng như đồng minh trước hành động “truy tố bất công” từ tòa án “bất hợp pháp”. Cụ thể, Washington có thể xem xét lệnh cấm nhập cảnh, đóng băng tài chính thậm chí truy tố hình sự đối với các thẩm phán, công tố viên ICC trên đất Mỹ. Hành động tương tự sẽ áp dụng với bất kỳ tổ chức, quốc gia nào hỗ trợ tiến trình điều tra của ICC. Đặc biệt, Washington còn cân nhắc đàm phán thỏa thuận ràng buộc song phương nhằm ngăn các nước kiện công dân Mỹ ra ICC cũng như thúc đẩy Hội đồng Bảo an LHQ “hạn chế” quyền hạn của cơ quan này.

Mặt khác, ông Bolton trong bài phát biểu còn đề cập trường hợp Palestine tìm cách đưa Israel ra trước ICC với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Dải Gaza và Bờ Tây – động thái Tel Aviv bác bỏ vì cho rằng mang mục đích chính trị. Hôm 10-9, ông Bolton xác nhận hành động của Palestine là một trong những lý do khiến Mỹ đóng cửa Văn phòng đại diện ngoại giao Palestine tại Thủ đô Washington. Cuối tuần rồi, Mỹ đã cắt khoản viện trợ y tế 25 triệu USD cho người Palestine ở Đông Jerusalem. Washington hồi tháng 8 cũng đã ngừng viện trợ cho cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA). “Mỹ sẽ không cho phép ICC hay bất kỳ tổ chức nào khác hạn chế quyền tự vệ của Israel” - ông Bolton tuyên bố.

Trước cảnh báo của Mỹ, ICC khẳng định cơ quan này là “tổ chức tư pháp, hoạt động nghiêm túc dựa trên khuôn khổ pháp lý của Quy chế Rome với cam kết độc lập và công bằng”. ICC thành lập vào năm 2002 để truy tố tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược ở những khu vực mà nghi phạm có thể không đối mặt với công lý. Hiện có 123 quốc gia thành viên thừa nhận thẩm quyền của ICC và Mỹ là một trong số hàng chục quốc gia khác không phê chuẩn Quy chế Rome. 

MAI QUYÊN (Theo BBC, CNN)

Chia sẻ bài viết