27/12/2007 - 09:47

Cải lương năm 2008:

Hòa nhập dòng chảy hiện đại

Năm 2007, cải lương đã có một loạt sự kiện lớn thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và khán giả: giải Trần Hữu Trang, Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc, Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc, Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng… Thành công của những cuộc “biểu dương lực lượng” này đã khẳng định sức sống của một sân khấu truyền thống – nhưng theo một hướng đi mới...

Nghệ sĩ Hải Yến (Văn công Đồng Tháp) với màn trình diễn vũ đạo độc đáo trong trích đoạn “Người cáo” tại vòng chung kết giải Trần Hữu Trang 2007. 

“Cải lương sẽ không còn chỉ trông mong vào sân khấu sàn diễn. Bởi theo tôi, ở khía cạnh nào đó, sắp tới đây sân khấu sàn diễn sẽ tiếp tục bị thu hẹp bởi sự phát triển vượt bậc của các loại hình giải trí hiện đại, trong khi hệ thống rạp hát dành cho sân khấu cải lương đang ngày càng lạc hậu và xuống cấp. Muốn sống được và phát triển, cải lương sẽ chủ động đến từng nhà, thấm sâu vào tâm hồn người mộ điệu thông qua những chương trình có sự tương tác giữa sân khấu sàn diễn với truyền hình, phát thanh, Internet, các hãng sản xuất băng đĩa”- NSƯT Bạch Tuyết đã tâm sự, sau thành công của giải Trần Hữu Trang – được tổ chức liên tục trong ba tháng 7, 8, 9 – 2007 tại Cần Thơ.

Thu hút sự quan tâm của công chúng nhất trong năm qua là ba giải : “Trần Hữu Trang”, “Chuông vàng vọng cổ” và “Bông lúa vàng”. Cả ba giải thưởng này đều thể hiện rõ sự tương tác giữa sân khấu với các phương tiện truyền thông. Giải Trần Hữu Trang và Chuông vàng vọng cổ được tổ chức trong trường quay của các đài truyền hình, được truyền hình trực tiếp liên tục, nên âm thanh - ánh sáng đạt chuẩn, vừa đem đến cho khán giả một không gian nghệ thuật hiện đại, lịch sự và có sự tương tác cao giữa các nghệ sĩ với khán giả. Còn giải Bông lúa vàng thì theo hệ thống đài phát thanh đến với thính giả khắp nơi, ngày qua ngày thấm vào lòng người nghe. Có thể thấy rằng các phương tiện truyền thông có ưu thế nổi bật đã đưa những tài năng của sân khấu đến với từng nhà, từng người. Sau khi các cuộc thi kết thúc, hầu hết các thí sinh đều có lượng công chúng của riêng mình - bước đầu tiên để một nghệ sĩ tỏa sáng. Qua các cuộc thi, nhiều người đã biết đến Hải Yến của Văn công Đồng Tháp – Huy chương vàng Diễn viên Xuất sắc giải Trần Hữu Trang và Nguyễn Ngọc Đợi, Lê Văn Gàn – Chuông vàng và Chuông bạc của cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”. Từ thành quả đạt được ở những cuộc thi, các nghệ sĩ trẻ đang có nhiều cơ hội để tỏa sáng ở các sân khấu lớn; và ngày càng có nhiều “ngôi sao” tỏa sáng thì sân khấu cải lương càng thêm sinh khí.

Thật ra, sự tương tác giữa cải lương và các phương tiện truyền thông đã hình thành từ gần 10 năm trước, khi đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức các chuyên mục định kỳ như “Vầng trăng cổ nhạc”, “Những cánh chim không mỏi”... nhưng chưa thành xu thế. Hiện nay, với sự tương tác của các phương tiện và kỹ thuật truyền thông, sự tương tác đã thành xu thế và đang ngày trở thành hướng phát triển tất yếu của cải lương.

Một sự kiện đang được chú ý là trong đêm 5-1-2008 sắp tới, Đài PTTH Hậu Giang sẽ trực tiếp truyền hình vở cải lương “Miền nhớ” của Tác giả Lê Duy Hạnh, NSƯT Bạch Tuyết đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên trẻ vừa đoạt giải Trần Hữu Trang vừa qua. Có lẽ, đây là vở cải lương đầu tiên được truyền hình trực tiếp ngay đêm công diễn đầu tiên và nằm trong kế hoạch tạo điều kiện để các ngôi sao trẻ tiếp cận với công chúng nhanh nhất. Nói về sự phát triển của cải lương, NSND Huỳnh Nga nhận định: “Nhiều người nói cải lương đang chết. Thế nhưng tại sao lại có hơn bốn mươi nghệ sĩ trẻ tham dự giải Trần Hữu Trang, còn giải Chuông vàng vọng cổ và Bông lúa vàng thì có đến hàng ngàn người dự thi? Cải lương quả thật đang lâm vào khó khăn, nhưng sân khấu đang tự rút ra cho mình những kinh nghiệm mới để tồn tại trong thời đại mới”.

Bài, ảnh: Xuân Viên

Chia sẻ bài viết