Lâu nay khi đề cập đến những trận thủy chiến ở Nam Bộ, ít người biết đến trận Vàm Nao - Cổ Hũ một mất một còn với quân Xiêm năm 1834. Trận ấy, quân ta đã dạy cho giặc bài học đau điếng, khiến chúng phải từ bỏ mộng xâm lăng nước ta.
Về trận đánh quân Xiêm năm Giáp Ngọ (1834) trên khu vực thuộc hai tỉnh An Giang - Đồng Tháp ngày nay, sách "Minh Mệnh chính yếu", thiên "Phấn võ" ghi lại: Người nước Xiêm vào ăn cướp, trước kia ngụy Khôi làm phản, sai người sang Xiêm xin viện binh, ước hẹn là sau khi thành công thì cắt đất đền ơn. Người Xiêm tin, sai tướng là Phi Nhã Chất Tri, Phi Nhã Phật Lăng, đem quân vài vạn người, một bọn noi theo đường bộ xâm lấn Cao Man thẳng tới tỉnh An Giang, một bọn noi theo đường thủy xâm lấn tỉnh Hà Tiên, hai tỉnh ấy đều bị thất thủ, việc tâu lên. Vua Minh Mạng một mặt sai lính dõng trú phòng ngăn chặn đường tiến bộ của quân Xiêm từ Nam Vang, một mặt sai tướng quân ở quân thứ Gia Định là Trần Văn Năng, Tham tán là Trương Minh Giảng đem quân đi ngay tấn đánh, lại phái thêm quân kinh 12 vệ, lính dõng vài ngàn người và dụ rằng:
"Người Xiêm bỏ điều hòa hảo, tìm cách hằn thù, một cuộc hòa đàm khó lòng nói được, nay chúng đã đi sâu vào nội địa, ắt hẳn buông lòng cướp bóc, phải xét xem địa thế, ra chước lạ đặt mưu hay. Hoặc phía trước đương đường đón đánh, lại chọn thêm quân mạnh, chiến thuyền vây bọc phía sau; hoặc lấn vào sông nhỏ, phục sát hai bên bờ, thấy giặc đến xông ra chém giết; hoặc nhân lúc giặc mới lên bờ cướp bóc, sấn đến mà đánh nhầu; hoặc nhân đêm tối, giặc đậu thuyền sơ hở, ngầm đến để lập công; hoặc bày trận đàng hoàng, đem hỏa lực mà quyết thắng; hoặc ẩn nấp nơi rừng rậm, bắn đại bác mà phá tan… Nay thủy chiến hỏa công là kỹ thuật sở trường của quân đội nước ta, người Xiêm cùng quân ta giao chiến, là chúng tự chuốc lấy bại vong. Bọn ngươi phải so tài lượng sức, nên đánh ngay thời đánh; nên giữ gìn thời giữ, đợi khoảng chừng một tuần, quân kinh binh kéo đến, đông như mây họp, thì chước vạn toàn tất thắng, nắm vững về ta, người Xiêm quyết không còn mảnh áo giáp, chiếc bánh xe mà về nước được".
Trần Văn Năng mắc bệnh chưa đi, binh thuyền của Tham tán là Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đến địa đầu tỉnh An Giang gặp ở nơi Thuận Cảng (thuộc huyện Đông Xuyên, tức thượng khẩu sông Vàm Nao) cùng giặc giao chiến, giặc rút lui, quân ta hò reo đuổi gấp, phóng lửa đốt cháy thuyền giặc hơn 10 chiếc, chém bắt được rất nhiều. Trương Minh Giảng và Nguyễn Văn Xuân đóng quân ở chiến địa gìn giữ.
Trương Minh Giảng từ cửa sông Thuận Cảng, lui về đóng ở hai bên bờ sông Cổ Hằng (Cổ Hũ - đoạn sông Tiền từ dưới Chợ Mới đến Chợ Thủ vùng trách nhiệm của Thủ sở Chiến Sai), đặt đồn canh gác, làm thế gọng sừng. Giặc Xiêm dẫn binh thuyền hơn 100 chiếc, từ Thuận Cảng xuôi xuống, bày ngang giữa dòng sông, cùng thuyền quân ta chống giữ, lại đánh vây đồn bên tả ngạn, quan Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm chống đánh, chém kẻ đầu mục của giặc là Phi Nhã Khổ Lặc cùng hơn 20 tên giặc.
Quân Xiêm một lần nữa bị Trương Minh Giảng đánh tan tại sông Cổ Hũ. Trong "Quốc triều chánh biên toát yếu" có đoạn: "Khi ấy giặc nhơn lúc nước xuống, theo bờ sông phóng hỏa đốt bè, ngăn trở quân thủy ta, rồi chúng nó lại sấn tới đánh; Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc binh đánh từ giờ dần đến giờ tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng nhau, giặc liền lui. Tháng Giêng đại thắng. Tháng ba lại thắng lớn ở Ca Lăng (Ba Lăng - Ba Răng). Giặc bị thua to, đêm bỏ trốn cả, quân ta đuổi ra khỏi giới hạn mới về. Khi trước tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri nghe tin bị thua, kéo hết quân tới, muốn liều quyết thắng phụ một trận; Minh Giảng cầm binh không động, binh Xiêm đến đồn, Giảng mới cho binh túa ra vừa reo vừa đánh, giặc bị chết và bị thương vô số, quân ta chém một đại tướng giặc, cướp được cây dao vàng nó cầm [...] và lấy được súng lớn nhỏ rất nhiều; chúng nó đốt trại chạy trốn… Vua dụ rằng: Giặc Xiêm đem quân cả nước, vào cướp đất ta, luôn luôn bị quân ta đánh phá, thế tất nhân đêm trốn về, nay quả như lời liệu trước của Trẫm, bây giờ lui về giữ đồn Châu Đốc, chẳng qua miễn cưỡng làm cách chống giữ, để toan trốn nhanh như thỏ chạy đấy thôi, quyết không thể đóng quân ở đấy lâu ngày. Tướng quân, Tham tán bọn ngươi nên sức cho binh biền càn quét đánh bắt. Như giặc đã trốn thoát, thì chia ngay hai đường thủy bộ, theo sát bọn giặc, đừng để chúng nó có thì giờ trốn xa. Thoảng như giặc còn giữ thành Châu Đốc, thì dùng chấn địa lôi mà oanh kích, chỗ ấy đất hẹp người đông, giặc hẳn bị phanh thây tan nát. Lại treo giải thưởng, mộ quân cảm tử, ngấm ngầm đến cửa sông Vĩnh Tế nhằm chỗ nước nông, sông hẹp, đóng cọc chông, lấp gạch đá, ngăn chặn lối thuyền về của bọn giặc".
Trương Minh Giảng cho quân tấn sát thành Châu Đốc. Tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri hốt hoảng, thừa khi đêm tối hạ lệnh đốt trại, trốn đi. Quân ta rượt đuổi. Giặc bỏ thây trên kinh Vĩnh Tế nhiều vô số kể. Sau đó tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1834) quân ta lần lượt thu phục các thành tỉnh An Giang (thất thủ tháng 12-1833), Hà Tiên (thất thủ tháng 11-1833)... liền chạy cờ đỏ báo tiệp. Rồi cho binh dân sửa dựng đồn bảo, chọn đặt tướng giỏi ở lại canh phòng, khống chế… Trong "Minh Mệnh chính yếu" có ghi: "Tháng chạp năm ngoái quân tiền đạo của Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân không đầy ngàn người, mà giết lui giặc Xiêm số hơn một vạn. Tháng Giêng năm nay quân thứ An Giang cũng liền liền báo tin thắng trận…".
Trước thắng lợi vẻ vang này, người nay cũng nên biết qua hai bài dụ mang tính lịch sử của vua Minh Mạng (một được ban ra ngay khi được tin đánh tan giặc tràn lấn và một được ban khi đã quét sạch quân Xiêm xâm lược).
Đại lược tờ dụ trước: [...] Sau này nước Xiêm bị quân Diến Điện áp bức, nước ta cũng sai quan Đại tướng đem quân đến cứu viện, như vậy là nghĩa lớn giao lân, đã rõ rệt lắm rồi, kịp lúc Trẫm lên ngôi, sai sứ thần, mang tin đi lại hội họp, không chút gián đoạn, rồi khi hai vua nước Xiêm băng hà, ta cũng sai sứ mang lễ điếu tế, ân lễ trọng hậu là nhường nào rồi! Không ngờ ta giữ lòng nhân hậu (còn) người (thì) mang ý ác tâm, nhân lúc quân ta sơ hở, đem người xâm lấn Cao Man, Hà Tiên và Châu Đốc, lại lấn cả Trấn Minh, Nhạc Biên và Cam Lộ, lòng nham hiểm như rắn độc, khó lấy nghĩa mà khuyên can…
Đại lược tờ dụ sau: Năm ngoái [1834] người Xiêm vô cớ gây hờn, chia quân đi năm đường, lấn bờ cõi nước ta, đã sai quan quân lên đường tấn đánh, bên đầu tướng Xiêm bảy, tám tên, chém bắt giặc Xiêm vài ngàn đứa, thu được voi ngựa, khí giới không biết bao nhiêu, hằng bị thua đau, tưởng chúng đã kinh hồn mất vía, nào ngờ man mọi không hiểu biết, lại phạm cõi Ninh Biền tỉnh Hưng Hóa, Châu Trấn Man tỉnh Thanh Ba cùng Ba Lan, Tầm Bôn xứ Cam Lộ, Đại tướng Xiêm La là Chất Tri, lại còn ngầm đến Cao Man, toan bề dòm ngó, trái lẽ làm càn, thực là quá lắm. Ta bèn sai tướng ra quân; chia đường tiễu phạt, Chất Tri theo gió mà chạy dài, một dải dọc theo bờ cõi, êm ru hết thảy. Nay ban lời dụ, bố cáo trong ngoài, khiến cho đều biết.
Qua trên ta thấy rất rõ rằng, cuộc thủy chiến trên sông Vàm Nao - Cổ Hũ là một chiến tích oai hùng, mà tiền nhân ta đã vì nước sẵn sàng hy sinh cả xương máu của mình, khắc đậm dấu son ngàn năm cho muôn đời con cháu.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia 190 năm chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ
Ngày 16-4, tại TP Cao Lãnh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp đồng chủ trì hội thảo khoa học cấp quốc gia "Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834) - 190 năm nhìn lại".
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hữu Nghĩa (nhandan.vn)
Trận đánh quân Xiêm trên sông Vàm Nao - Cổ Hũ là cuộc đối đầu giữa hai vương triều hùng mạnh nhất Đông Nam Á thời đó. Vua Minh Mạng quyết làm thất bại âm mưu bành trướng lãnh thổ về phía đông của vua Rama III (Xiêm La). Chiến dịch Vàm Nao - Cổ Hũ được tạm chia thành 2 giai đoạn chính, với nhiều trận đánh nối tiếp nhau, xen lẫn những lần tạm ngưng ngắn để quân Xiêm củng cố lực lượng. Giai đoạn 1 (từ 14-1-1834 đến 21-1-1834): Tiêu hao quân thủy - bộ Xiêm, khóa chặt cửa sông Vàm Nao, đẩy quân Xiêm vào thế phòng thủ. Giai đoạn 2 (25-1-1834 đến 30-1-1834): Quyết chiến phòng giữ Cổ Hũ, đánh bại hoàn toàn đại quân Xiêm. Ngày 2-2-1834, quân Xiêm lại phát động tấn công các đồn bờ hữu (Ba Răng) rồi chuyển hướng qua bờ tả (Thủ Chiến Sai cũ) để cầm chân quân Việt Nam cho số thuyền chiến còn lại của Phi Nhã Phật Lăng và phần lớn quân bộ của Phi Nhã Chất Tri tháo chạy về Hà Tiên, Châu Đốc.
Hội thảo đã tập hợp 45 báo cáo của 55 tác giả, trong đó có nhiều tác giả là chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực sử học, văn hóa học, quân sự học, tư liệu học... Sau 1 ngày, hội thảo đã nghe toàn văn 12 báo cáo và các ý kiến trao đổi thảo luận của các chuyên gia, đặc biệt là các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn hay có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu thực địa ở Đồng Tháp, An Giang. Các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh vào không gian chiến trường, diễn biến chiến trận và đánh giá vai trò, vị trí, tầm vóc của chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ không chỉ trong cuộc chiến chống Xiêm năm 1834 và trong lịch sử vương triều Nguyễn, mà cả trong toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước và những ảnh hưởng, tác động trong các mối quan hệ khu vực.
Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ đầu năm 1834 trên địa bàn 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp hiện nay thực sự là một trận quyết chiến chiến lược, một trong những chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta và có một không hai của lịch sử vương triều Nguyễn. Chiến công này là một tầm cao mới của truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ của quốc gia.
Hội thảo nhận diện một cách tương đối đầy đủ, toàn diện, thống nhất về chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ; qua đó có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, hướng tới kỷ niệm 200 năm chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ.
Theo Hữu Nghĩa, nhandan.vn
|
Nguyễn Hữu Hiệp