31/03/2024 - 09:34

Câu vọng cổ đem về 

Truyện ngắn: Khuê Việt Trường


Trong thành phố có biết bao ngõ ngách, bao con đường và rất nhiều người có khi cả cuộc đời chẳng hề gặp nhau dẫu cùng nhận những ngày nắng và cả những cơn mưa. Vậy nên có một người xuất hiện bên cạnh, để lại cho một người biết bao lưu luyến thì đó là định mệnh đã an bài. Luân xuất hiện trong cuộc đời của Nhung như thế, ở thành phố rộng lớn nhất cả nước, đông đúc xấp xỉ 12 triệu dân, nơi có vô số những con đường với những đèn xanh đèn đỏ nối tiếp bất tận, trên đường ai cũng vội đi, cũng tất bật, có khi dừng xe bên cạnh nhau cũng chẳng chú ý, bởi còn phải nghĩ về những điều khác trong đầu.

Có rất nhiều người tìm đến thành phố này để tìm kiếm một tương lai khác biệt. Luân và Nhung cũng là hai người ở hai nơi khác, tình cờ gặp nhau tại đây. Cả hai chuyển đến thành phố với đinh ninh sống cuộc đời nhộn nhịp, giống như họ nhìn thấy những mùa hoa đang nở và những tia nắng mặt trời đang nồng ấm trên những giấc mơ.

Nhung chọn nơi đây để dạy học như là một duyên nợ. Năm 21 tuổi, Nhung tốt nghiệp sư phạm mầm non, mơ ước đơn giản là tìm một ngôi trường gần nhà để làm cô giáo nuôi dạy trẻ. Nhưng khi học xong thì tất cả những ngôi trường gần nhà chẳng có một chỗ trống cho Nhung. Mất bốn tháng trời loay hoay tìm việc, rồi chợt đọc một mẩu tin tuyển dụng trên báo, đó là một trường mẫu giáo ở thành phố tuyển giáo viên mầm non với điều kiện rất ưu đãi. Dẫu Nhung chưa từng đến thành phố lớn như vậy và cũng không hy vọng gì, nhưng cô cứ gởi đơn xin việc. Nào ngờ chỉ một tuần sau đã nhận được thư phỏng vấn. Thế là khăn gói lên một chuyến xe khách, đến một nơi chốn lạ, bắt đầu xa xứ như một định mệnh.

Là cô gái hiền lành, nhà ở tận huyện nhỏ của một tỉnh Tây Nguyên, tính tình lại nhút nhát do chưa từng xa nhà nên gần như Nhung cảm thấy vô cùng lạc lõng ở thành phố lạ, ngôi trường lạ. Bạn bè cùng dạy học lại cũng ở nhiều tỉnh thành khác đến đây trong cuộc tìm kiếm việc đúng nghề, tất cả cũng đều bỡ ngỡ trước cuộc sống và làm việc ở nơi mới đến. Rồi lần lần Nhung kết bạn với Hường, với Loan quê ở Cần Thơ. Những cô gái miền Nam nói chuyện hồn nhiên, rộng lòng ấy đã lần lần làm cho Nhung vơi bớt nỗi buồn xa nhà.

Ngày tháng cứ trôi biệt đến độ khi ta sống mãi ở một nơi chốn rồi nơi chốn ấy bỗng trở nên thân quen, quen con đường mỗi ngày đi qua, quen những mùa mưa và quen những mùa nắng. Luân cũng giống một cơn mưa tình cờ xuất hiện không định trước, như bao lần mưa bất chợt ở thành phố này. Những cuộc gặp định mệnh luôn luôn có một tình huống nào đó mà chỉ người trong cuộc mới biết là duyên số đã an bài. Sự an bài đó giống như hành khách phải tới đúng giờ, không thôi con tàu sẽ bỏ mình ở lại sân ga mà đi theo cuộc hành trình, không cần biết trên toa tàu còn trống một chỗ ngồi.

Đó là một buổi chiều thành phố có nhiều cơn gió, Nhung vừa dạy học xong, vội vã trên chiếc xe đạp điện về nhà trọ. Đó là nơi thuê chung của bốn cô giáo, nằm cách trường không xa và con hẻm dẫn vào nhà trọ có rất nhiều hàng quán. Bà chủ cho thuê phòng trọ chỉ cho nữ thuê phòng và thuê người giữ an ninh cho khu phòng trọ, cho nên ở đây rất an tâm.

Chưa vội về khu trọ, Nhung dựng xe sát vào góc con hẻm, ghé hàng mì quảng. Vừa lúc ấy, một tên trộm đã mau lẹ dắt chiếc của Nhung, leo lên phóng chạy. Nhung chỉ kịp chạy theo, kêu to: “Cướp, cướp”. Trong giây phút đó Luân xuất hiện. Mà cuộc sống vẫn cứ hay nói rằng nếu Luân đi qua đó chậm chừng vài phút, hay hôm đó anh đi con đường khác, chắc chắn sẽ không có chuyện anh phóng theo tên trộm. Luân chạy thật nhanh đuổi theo tên trộm, anh chạy như một vận động viên.

*    *    *

Luân lấy lại được xe cho Nhung, nhưng anh bị thương vì một vì dao đâm của tên trộm. Họ biết nhau như thế, giống như trong một bộ phim mà đạo diễn sắp xếp cho hai nhân vật chính gặp nhau. Luân nằm viện, Nhung thì thành người chăm sóc ân nhân của mình. Hành lang bệnh viện với những người luôn tất bật, nhưng kỳ lạ là trong những ngày bận rộn đó, Nhung phát hiện ngoài mùi chất khử trùng, ngoài những hành lang dài với bóng những bác sĩ, y tá đi qua, ngoài những phòng bệnh, bệnh viện còn có một khuôn viên đầy cây xanh và hoa. Lúc đó, những bông hoa hoàng hậu đang nở, rủ xuống một màu vàng đài các.

Luân rời viện vài ngày sau đó, rồi họ thành đôi. Để đất trời thành phố giờ đây đối với Nhung đã thành những mùa vui, qua rồi những mùa buồn. Nhung không còn một mình trên những con phố quá đỗi đông người nhưng chỉ lướt qua nhau. Nhung có những buổi chiều ấm áp cùng Luân dạo khắp cùng thành phố, và có cả những đêm áp tai nghe tiếng nói của nhau để dỗ dành giấc ngủ.

“Mình về nhà anh một chuyến nhé?”, Luân nói với Nhung. Nhà anh ở Cần Thơ, đường về phải qua nhiều cây cầu nối những con sông và tất nhiên là phải qua cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ. Vậy thì về thôi, bởi Nhung cũng nên biết rõ gia đình Luân. Nói vậy chứ Nhung, cô gái đến từ vùng núi cao, càng tò mò hơn về Cần Thơ, nghe nói có Bến Ninh Kiều và chợ nổi Cái Răng. Luân à lên: “Nhà anh ngay chợ nổi đó. Ba mẹ anh có vựa trái cây trên sông luôn”.

Thế là lên đường, lên chuyến xe đi trên con đường qua biết bao cây cầu không đếm hết. Nhung ngồi ở chiếc ghế ngay cửa sổ, cố gắng sắp xếp những chộn rộn nơi trái tim. Trong lòng Nhung len lỏi nỗi bồi hồi lo lắng của cô gái lần đầu cùng người mình yêu về quê thăm cha mẹ.

Nhưng ba ngày ở Cần Thơ, chính xác là ở chợ nổi Cái Răng, đã để lại trong lòng Nhung một niềm vui vô bờ. Cả nhà Luân hồn nhiên xem Nhung như đã chung một mái nhà. Mẹ anh, người phụ nữ Nam Bộ miệt vườn chất phát cười với Nhung: “Con mà chán dạy học ở thành phố, về đây dì chỉ cho buôn bán”. Còn Thùy, em gái anh thì ngắm Nhung: “Anh Luân xấu ình mà sao lại quen được chị? Chị thiệt là đẹp”. Ba anh thì vào buổi chiều khi chợ nổi đã vãn, chỉ còn dòng sông dùng dằng con nước trôi, so dây đờn ghi ta phím lõm, thả từng ngón đàn điêu luyện. Để rồi Luân cất lên bài tân cổ “Về Cần Thơ”(*), mà chỉ nghe mấy câu mở đầu thôi, lòng Nhung đã xuyến xao quá đỗi: “Theo anh đến miền Cần Thơ, theo anh về với miệt vườn, qua bao cánh đồng ruộng xanh mỏi cánh cò bay. Lênh đênh sông Hậu thuyền trôi, nao nao con nước đầy vơi nghe tiếng ai hò thắm đượm tình quê nhớ thương dạt dào. Về Cần Thơ, thương sao điệu lý giao duyên Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Thương nhau thì xin cứ đến chớ lùy phiền vì đò giang...”. Những câu hát đã hòa cùng sông Cần Thơ từ lâu, thấm đẫm cùng những giề lục bình nở tím trôi xuôi trôi ngược, và những ngọn gió mang vọng cổ đi khắp cùng.

Còn Nhung, Nhung đã mang câu vọng cổ trong buổi chiều Cần Thơ như thế về với thành phố đông đúc, với lời hứa như đinh rằng sẽ trở lại...


(*) Bài hát của nhạc sĩ Sơn Hà, vọng cổ của soạn giả Nguyễn Hoài Vân.

Chia sẻ bài viết