13/01/2013 - 00:55

Gỡ “nút thắt” vốn cho doanh nghiệp

DN cần ngân hàng chia sẻ khó khăn (ảnh chụp tại Công ty Cổ phần May Meko). Ảnh: THU HÀ

Năm 2013 được dự báo là năm còn nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, xuất khẩu hàng hóa nhiều rào cản, suy giảm vẫn chưa dừng lại… Doanh nghiệp (DN) trong nước chưa thoát khỏi khó khăn về vốn, thị trường, hàng tồn kho… và rất cần sự chia sẻ từ ngân hàng.

DN cần ngân hàng chia sẻ khó khăn…

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với định hướng điều hành tổng phương tiện thanh toán, tín dụng; kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 12% nhưng linh hoạt theo diễn biến và tình hình thực tế. NHNN tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung cầu… Thủ tướng kêu gọi các ngân hàng chia sẻ khó khăn cùng DN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2013, mục tiêu mà Chính phủ đề ra là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012. Song, muốn làm được điều này thì sức khỏe của DN phải đảm bảo và bài toán vốn sản xuất, kinh doanh phải được khơi thông. Ngày 24-12-2012, NHNN điều chỉnh trần lãi suất huy động dưới 12 tháng giảm thêm 1% về mức 8%/năm; đây là cơ sở để hạ lãi suất cho vay. Hiện nay, các DN đang mong chờ lãi suất cho vay giảm xuống dưới 10%/năm, với mức này thì DN hoạt động sản xuất kinh doanh mới có lãi. Nhưng để tiếp cận lãi suất 11-13%/năm là vô cùng khó khăn đối với DN. Theo phản ánh của một số DN xuất khẩu, suy giảm xuất khẩu chưa dừng lại, rào cản thương mại nhiều và DN xuất khẩu tôm còn đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ; các DN chế biến thủy sản trong tình trạng hoạt động cầm chừng, chờ tín hiệu mới từ thị trường, DN xuất khẩu gạo khó ký mới hợp đồng thương mại… do vậy, DN cần sự chia sẻ của ngân hàng, hạ thêm lãi suất cho vay để DN tồn tại qua cơn khó.

Trên thực tế tại các địa phương, năm 2012 số DN giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều; DN không phát sinh thuế, nợ thuế do không tiêu thụ được sản phẩm, thị trường bất động sản đình trệ… đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của địa phương. Như năm 2012, thu ngân sách của TP Cần Thơ chỉ đạt hơn 85% dự toán Trung ương giao và trên 86% dự toán HĐND thành phố giao. Năm qua, các ngành chức năng thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm, giãn thuế của Chính phủ cho DN với số tiền 665 tỉ đồng; quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn… Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra, chỉ đạt 11,55% (chỉ tiêu là 15%) trong năm 2012. Đa phần DN đang hoạt động trên địa bàn đều than khó về tiếp cận vốn. Theo giám đốc một DN tư nhân trên địa bàn TP Cần Thơ, DN cần vay vốn trung và dài hạn, nhưng đi gõ cửa 5 ngân hàng đều bị từ chối khéo. Còn đại diện NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cho rằng, các ngân hàng trên địa bàn thành phố không thiếu vốn, vấn đề không vay được vốn nằm ở DN. Bởi DN không chứng minh được nguồn trả nợ, dự án không khả thi… thì ngân hàng không dám cho vay. Đây là thách thức lớn trong năm 2013, nếu "nút thắt" về vốn chậm tháo gỡ sẽ là trở lực lớn cho thành phố về mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm mới.

Lãi suất cho vay sẽ giảm thêm?

Trên địa bàn TP Cần Thơ, theo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế đạt 42.400 tỉ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2011; trong đó vay VNĐ chiếm gần 80% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm đến 78,1%, trung dài hạn chiếm 21,9%. Thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay, tính đến cuối tháng 11-2012, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn với lãi suất từ 15%/năm trở lên còn chiếm tỷ trọng 27,58% tổng dư nợ cho vay. Theo thống kê của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đều tăng. Trong đó, dư nợ cho vay khu vực nông thôn đạt 15.600 tỉ đồng, chiếm 37,1% tổng dư nợ cho vay; dư nợ nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản 7.900 tỉ đồng, chiếm 18,8%; thu mua lúa gạo 4.500 tỉ đồng chiếm 10,7% tổng dư nợ cho vay...

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cho biết tính đến cuối năm 2012, vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 34.100 tỉ đồng, đáp ứng trên 80,4% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Nợ xấu chiếm 3,58% trong tổng dư nợ cho vay nhưng vẫn nằm trong phạm vi an toàn. Năm qua, chi nhánh đã thực hiện tốt công tác giám sát từ xa, gắn với thu thập các nguồn thông tin, có cảnh báo kịp thời để các TCTD trên địa bàn chủ động kiểm tra, rà soát và khắc phục hạn chế, ngăn chặn rủi ro trong hoạt động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các TCTD về huy động vốn bằng VNĐ, USD… Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều hòa lưu thông tiền mặt, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt trên địa bàn… Năm 2013, chi nhánh sẽ tập trung cùng các sở, ngành TP Cần Thơ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Trung ương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, góp phần hỗ trợ DN và người dân duy trì sản xuất, kinh doanh.

Theo khẳng định của lãnh đạo NHNN, năm 2013 mục tiêu hoạt động của ngành ngân hàng vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu… Tính đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 8,91%, ngân hàng đã cùng các bộ, ngành quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng dự trữ ngoại hối, giảm tình trạng đô- la hóa nền kinh tế… Đây là những kết quả thiết thực của ngành ngân hàng, nhưng cái mà DN cần là lãi suất cho vay ở mức hợp lý để DN tiếp cận vốn, đầu tư tái sản xuất, hoặc giải phóng hàng tồn kho. Trên thực tế từ giữa năm 2012 đến nay, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với năm 2011 và đầu năm 2012, nhưng không nhiều DN tiếp cận được vốn vay lãi suất dưới 13%/năm. Lẽ đó, kỳ vọng lớn nhất của DN là lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm nữa, do NHNN đã giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn xuống mức 8%/năm, các mức lãi suất cơ bản cũng giảm thêm 1%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng cần xem xét để giảm lãi suất vay vốn cho các DN, bởi DN có khỏe thì nền kinh tế mới tăng trưởng và cũng là nguồn sống của các ngân hàng. Với những khẳng định của lãnh đạo NHNN về điều hành tiền tệ linh hoạt trong năm 2013 theo diễn biến thị trường, cung cầu vốn thì khả năng giảm lãi suất cho vay rất lớn và DN cũng rất kỳ vọng về điều này.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết