29/01/2011 - 20:25

Gió mới

QUỐC TRƯỞNG

Hơn 75% dân số Việt Nam sống dựa vào nông nghiệp nên chuyện rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn luôn là vấn đề được đặt ra trong các kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ, và cũng là mối quan tâm của nhiều người... Như những làn gió xuân tươi mát, chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã mang đến những đổi thay trong đời sống từng gia đình, cho đến diện mạo chung của những làng quê. Có biết bao điều mới mẻ, tốt đẹp đã, đang và sẽ diễn ra... ở nhiều làng quê vùng châu thổ...

Đột phá vào thế mạnh

Kết cấu hạ tầng nông thôn vững chắc là nền tảng để xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền  phấn đấu trở thành
xã nông thôn mới. Ảnh: QUANG KHUÊ 

Những ngày giáp Tết, chợ Mười Bốn Ngàn - trung tâm xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang - nằm bên bờ kênh xáng Xà No luôn nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền phần nào cho thấy cuộc sống ngày càng sung túc của người dân nơi đây. Anh Huỳnh Lê Đức, Trưởng ấp 1, chia sẻ: “Bà con mình làm ăn khấm khá thì chợ mới “sung”. Hai, ba năm nay, khi xã tập trung thực hiện chủ trương xây dựng xã nông thôn mới, thu nhập của người dân tăng lên, giao lưu hàng hóa cũng tăng theo. Bây giờ, cái chợ này lại trở nên chật chội rồi. Xã đã quy hoạch khu đất rộng gần 3,5 ha xây dựng Trung tâm thương mại với quy mô đầu tư 35 tỉ đồng”. Nhà tường, nhà lầu đua nhau mọc lên, cái “miệt” Mười Bốn Ngàn ngày nào giờ trông diện mạo không thua kém một thị trấn sầm uất.

Sự đổi thay ấy không chỉ biểu hiện khu vực “mặt tiền” - nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh mua bán - mà ở vùng chuyên sản xuất nông nghiệp của xã Vị Thanh cũng đã “thay áo mới”. Bon xe trên đường giao thông nông thôn tráng xi măng láng o, chúng tôi đến thăm ông Lê Văn Canh, Chủ nhiệm CLB sản xuất lúa giống ấp 5. Căn nhà tường khang trang là kết quả của những năm tháng ông quyết tâm đeo đuổi “nghề” sản xuất lúa giống. Ngay từ những năm 2000, khi nông dân vẫn còn “lấy lúa hàng hóa làm lúa giống”, ông Canh đã mày mò đến Viện Lúa ĐBSCL, trại giống của tỉnh... để học tập kỹ thuật sản xuất lúa và nhận giống cấp cao về sản xuất lúa giống, cung cấp cho bà con nông dân trong ấp. Năm 2007, khi CLB sản xuất lúa giống ấp 5 thành lập, ông được bầu làm chủ nhiệm. Bây giờ, câu lạc bộ có 15 thành viên với 150 ha đất sản xuất; trong đó 60% diện tích sản xuất lúa giống, đủ cung cấp giống chất lượng cao cho bà con trong xã và các xã lân cận. Nói về công việc của mình, ông Canh bộc bạch: “Dù có nhiều kinh nghiệm, nhưng có lúc chúng tôi cũng “bí”. Những lúc như thế, chúng tôi có thể hỏi cán bộ tổ tư vấn nông nghiệp hoặc chạy tới điểm truy cập Internet. Mở máy lên, chỉ cần bấm vào biểu tượng trên màn hình là truy nhập được vào trang web cần tìm thông tin vì cán bộ kỹ thuật đã cài đặt sẵn”.

Vị Thanh là xã thuần nông và chính thức khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2006. Sau gần 5 năm dày công xây dựng, hiện nay, hệ thống kênh, mương khép kín trên 90% diện tích đất sản xuất của xã, đảm bảo việc tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản. Trên 98% diện tích trồng lúa ứng dụng phương pháp sạ hàng, trên 90% áp dụng các chương trình phòng trừ dịch bệnh tổng hợp. 8/11 ấp có máy gặt đập liên hợp và trên 50% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Để hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới ở Vị Thanh, năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang tăng cường cho xã Tổ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp, gồm: một kỹ sư trồng trọt, một kỹ sư bảo vệ thực vật và một bác sĩ thú y. Ngoài nhiệm vụ tư vấn cho Ban chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới các chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, hỗ trợ nông dân, các cán bộ này còn trực tiếp định hướng cây trồng, vật nuôi theo điều kiện của từng hộ gia đình. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh lắp đặt 4 điểm truy cập Internet miễn phí, giúp nông dân cập nhật thông tin về kỹ thuật, giá cả thị trường...

“Chiếc cần câu” kỹ thuật, thông tin đã góp phần tạo ra nhiều cơ hội làm nên sự thay đổi đáng kể trong đời sống của bà con nông dân. Năm nay, gia đình chị Ngô Bé Chi, ở ấp 4, chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm, đủ đầy. Chị cười mà giọng cứ rưng rưng: “Hơn năm rưỡi nay, vợ chồng tui không còn đi làm thuê khắp nơi nữa mà ở nhà chăm sóc vườn rau sau nhà và bắt ốc làm thức ăn cho 2 vèo cá lóc gần 2.000 con. Khấm khá nhưng ăn Tết cũng tiết kiệm bởi tụi tui đang dành dụm cất lại căn nhà cho tươm tất”. Cách nay đúng 10 năm, khi ra riêng, vợ chồng chị Chi chỉ có hơn 700m2 đất vừa để cất nhà ở, vừa sản xuất. Quanh năm suốt tháng anh chị quần quật làm thuê khắp chốn nuôi hai con nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Đầu năm 2009, Tổ Tư vấn nông nghiệp đến nhà hướng dẫn anh chị cách trồng rau an toàn, nuôi cá lóc trong vèo và lập thủ tục cho anh chị vay 10 triệu đồng để có vốn sản xuất. Cuối năm 2009, anh chị trả lại sổ hộ nghèo. Bây giờ, cứ 2 ngày là chị thu hoạch các loại rau: diếp cá, húng đất, quế, bạc hà,... chở ra chợ Vị Thanh bán một lần, thu nhập khoảng 250.000 đồng, không chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, lo cho 2 đứa con đi học mà còn có “của” để dành.

Trạm y tế xã Định Hòa đạt chuẩn quốc gia, vừa khánh thành và đưa vào sử dụng
cuối năm 2010. Ảnh: QUANG KHUÊ 

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới xã Vị Thanh chú trọng vận động người dân chuyển đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng tăng cường sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từ chỗ cơ cấu nông nghiệp chiếm khoảng 65% trong cơ cấu kinh tế ở năm 2006, đến cuối năm 2010 chỉ còn 60,5%. Thu nhập bình quân của người dân từ chỗ chỉ hơn 7,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2006 đã tăng lên 15 triệu đồng/người /năm vào cuối năm 2010. Anh Huỳnh Văn Trắng, Chủ tịch UBND xã Vị Thanh, tự hào nói: “Vị Thanh là xã đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận là xã nông thôn mới theo 13 tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều đáng mừng là bà con trong xã nhận thức rất rõ lợi ích của chương trình và cùng chung tay với đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương thực hiện. Đây là nền tảng để Vị Thanh tiếp tục phấn đấu đạt danh hiệu xã nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Chính phủ vào năm 2012”.

Mưa dầm thấm sâu

Không khí Tết cũng đã lan khắp ấp Hòa Út, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Bà con ở dọc theo kinh Renbuôl càng vui hơn khi đi mua sắm Tết trên tuyến đường xi măng rộng 2,5 mét, chứ không phải con đường đất gập ghềnh trước kia. Nhiều người dân gọi đây là tuyến đường “ý Đảng - lòng dân”, bởi người dân đóng góp đến 30% kinh phí xây dựng mặt đường và hiến đất để làm đường. Anh Danh Liêu, một trong những người tiên phong đóng góp kinh phí, ký tên hiến đất làm đường dù hoàn cảnh gia đình anh cũng còn khó khăn. Anh kể: “Nghe Chủ tịch Gầm (anh Nguyễn Văn Gầm, Chủ tịch UBND xã Định Hòa -PV) nói chủ trương của xã làm đường để xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong ấp đều đồng ý. Nghĩ đến cảnh xe chạy bon bon qua trước cửa nhà mình, tui về kêu bà xã bán lúa, góp ngay 3,7 triệu đồng làm đường”. Trên tuyến đường này, hộ anh Danh Xà Rương đóng góp nhiều nhất: 5,8 triệu đồng. Anh vui vẻ: “Mình phải tham gia cùng chính quyền xây dựng quê hương. Hơn nữa, có đường rồi, vận chuyển rau, trái ra chợ bán cũng dễ hơn”.

Tuyến đường giao thông ở ấp Hòa Út là một trong 16 công trình giao thông được hoàn thành trong năm 2010 của xã Định Hòa. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, năm 2010 toàn xã có thêm 24,4 km đường giao thông với kinh phí đầu tư hơn 18,9 tỉ đồng, bằng nhiều nguồn vốn, trong đó nhân dân đóng góp tiền, đất, hoa màu hơn 5,2 tỉ đồng. Giao thông thuận lợi, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống nông dân cũng được nâng lên. Ở ấp Hòa Út, ông Huỳnh Phênh được nhiều người cảm phục bởi sự năng động trong sản xuất. Ông là người tiên phong áp dụng phương pháp sạ hàng, sử dụng giống lúa chất lượng cao, áp dụng IPM, làm lúa giống để cung cấp cho bà con trong ấp... từ mấy năm trước. Mới đây, thực hiện chủ trương về liên kết hợp tác sản xuất, ông chủ động đứng ra vận động thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa. Bước đầu, Hợp tác xã có 89 xã viên, là bà con nông dân có đất trong vùng đê bao khép kín của ấp. Ông Huỳnh Phênh tâm tình: “Thành lập Hợp tác xã chủ yếu là tập hợp, vận động bà con hùn nhau bơm tưới, xuống giống đồng loạt để tiết kiệm chi phí, hạn chế dịch hại, áp dụng kỹ thuật mới trong chăm sóc, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Qua đó thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư...”. Đoàn kết sản xuất cũng chính là định hướng của Đảng ủy, UBND xã. Hiện nay, toàn xã Định Hòa có 5 hợp tác xã chuyên ngành: đan đát, sản xuất nấm rơm,...

Trong tiết trời cuối đông se lạnh, chúng tôi cùng anh Danh Thuận, Tổ trưởng Kinh tế- Kỹ thuật xã Định Hòa, ra thăm “cánh đồng 4 tốt”. Đang vụ đông xuân, lúa xanh mướt mát. Anh Thuận khoe: “Viện Lúa ĐBSCL thí điểm xây dựng “cánh đồng 4 tốt” ở xã nhằm giải quyết 4 nhóm giải pháp lớn trong sản xuất ở địa phương: đất sản xuất tốt, chăm sóc lúa tốt, hạn chế thất thoát sau thu hoạch và tạo ra sản phẩm lúa tốt, môi trường tốt nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Qua vụ đầu tiên thực hiện “cánh đồng 4 tốt”, chi phí sản xuất giảm hơn 1 triệu đồng/ ha, năng suất cao hơn, nên nông dân lãi thêm khoảng 2,5 triệu đồng/ ha”. Hiện nay, nhiều nông dân ở xã Định Hòa đang áp dụng “cánh đồng 4 tốt”. Nhiều người còn mạnh dạn đầu tư mua máy móc thiết bị phục vụ sau thu hoạch. Toàn xã đã có 120 máy nông nghiệp; trong đó có 6 máy gặt đập liên hợp.

Anh Nguyễn Văn Gầm, Chủ tịch UBND xã Định Hòa, trầm ngâm nhớ lại: “Nhìn diện mạo xã Định Hòa hôm nay, ít người ngờ nơi đây từng là xã khó khăn của tỉnh Kiên Giang. Sự thay đổi bắt đầu từ khi Định Hòa được Trung ương chọn là một trong 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới. Tháng 4-2009, khi đề án xây dựng xã nông thôn được phê duyệt, chúng tôi bắt tay thực hiện ngay. Và bây giờ, Định Hòa đã đạt 11/19 tiêu chí của xã nông thôn mới. Điều đáng mừng là nhận thức của người dân được nâng lên; bà con biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực tham gia các phong trào xây dựng quê hương...”. Để có được bước tiến này, bên cạnh các chương trình hỗ trợ của Trung ương, tỉnh,... Đảng ủy, UBND xã đã thực hiện “chiến dịch” đối thoại trực tiếp tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng của từng gia đình để có cách hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ lúa giống, con giống. Xã cũng đã bảo lãnh cho bà con vay trên 55 tỉ đồng để thực hiện các mô hình sản xuất... Nhờ đó, năm 2010, số hộ nghèo của xã còn 10,6%, giảm hơn 4% so với năm 2008; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 13,6 triệu đồng/năm.

Định Hòa đang triển khai đề án xây dựng “Gia đình nông thôn mới”. Anh Nguyễn Văn Gầm cho rằng đây là phương pháp tuyên truyền “mưa dầm thấm sâu”, nhằm nâng cao ý thức của người dân. Nội dung xây dựng “Gia đình nông thôn mới” bắt đầu từ những chuyện nhỏ, gần gũi, dễ thực hiện, như: giữ gìn môi trường nơi công cộng, thực hành tiết kiệm, chấp hành quy hoạch sản xuất vùng- lịch thời vụ, vợ chồng yêu thương lẫn nhau, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo... “Chúng tôi quyết tâm hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới của Chính phủ vào năm 2012” - anh Gầm khẳng định.

Chuẩn bị cất cánh

Những ngày cuối năm Canh Dần, bà con trong Câu lạc bộ Rau sạch ở ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ tất bật thu hoạch rau màu cung cấp cho các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bà con nói vui mình là “hậu phương” của các quận trung tâm thành phố. Cực mà vui, bởi thu nhập của bà con cứ tăng dần kể từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Hớp ngụm trà nóng trong buổi sáng se lạnh cuối năm, anh Nguyễn Văn Tài kể: “Tui có 5 công đất trồng lúa 2 vụ, làm cật lực quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Năm 2005, mấy anh ở xã động viên tui chuyển sang trồng màu. Mặc dù được hỗ trợ kỹ thuật, được vay vốn 5 triệu đồng, nhưng tui chỉ dám chuyển 3 công ruộng sang trồng cà tím, khổ qua, còn chừa 2 công trồng lúa, phòng khi thất bát còn có cái để ăn. Thật bất ngờ, sau 3 tháng chăm sóc, tui thu lời hơn 6 triệu đồng”. Sau đó, anh Tài dành trọn 5 công đất nhà và thuê thêm 3 công nữa để trồng màu luân canh.

 

Nhơn Nghĩa là vùng đất phù sa màu mỡ. Phát huy lợi thế này, bên cạnh vườn cây ăn trái, từ năm 2005 thành phố đã quy hoạch 500 ha để phát triển vùng rau màu tập trung. Trên cơ sở đó, xã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo mô hình chuyên canh vùng màu, cây ăn trái và luân canh 2 lúa - 1 màu hoặc 1 vụ lúa - 1 vụ thủy sản chứ không còn độc canh cây lúa. Phong trào trồng màu ở Nhơn Nghĩa ngày càng lan rộng khi hiệu quả kinh tế được chứng minh. Anh Đỗ Văn Mánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Rau sạch ở ấp Tân Thành, cho biết: “Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có hơn chục hộ, đến nay đã tăng lên trên 50 hộ. Tôi cất căn nhà này tổng cộng hơn 300 triệu đồng, cũng nhờ trồng rau màu”. Với 10 công đất trồng luân canh cà tím, khổ qua, dưa hấu, bắp,... mỗi năm gia đình anh Mánh thu về 60 -70 triệu đồng.

Nhờ sự trợ giúp của Tổ tư vấn sản xuất nông nghiệp xã, nhiều hộ nông dân ở xã nông thôn mới Vị Thanh
đã thoát nghèo bằng những mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai của mình.
Ảnh: QUỐC TRƯỞNG 

Xã Nhơn Nghĩa, là một trong ba xã được chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở huyện Phong Điền. Ông Lê Hùng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, báo tin vui: “Với sự trợ giúp của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và các ngành chức năng, huyện đã rà soát lại quy hoạch, lên kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới và bắt tay vào thực hiện từ đầu năm 2011. Tuy Nhơn Nghĩa là xã thuần nông nhưng với quy hoạch của thành phố, Nhơn Nghĩa sẽ trở thành xã nông nghiệp đô thị, vùng cung cấp rau sạch cho khu vực trung tâm thành phố”. Trên mảnh đất điểm đầu của kinh xáng Xà No này, Cần Thơ đã quy hoạch 500 ha đất nông nghiệp với hệ thống đê bao khép kín, chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất... Khu đô thị, làng đại học trên 350 ha cũng được quy hoạch trên địa bàn xã và một phần của phường Ba Láng, quận Cái Răng. Đây là điều kiện để xã chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ. Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, nhấn mạnh: “Phong Điền quyết tâm xây dựng Nhơn Nghĩa trở thành xã nông thôn mới trong năm 2011. Đồng thời cũng sớm hoàn thành quy hoạch của huyện là khu đô thị sinh thái, là vành đai xanh của thành phố”.

Là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng Cần Thơ vẫn còn 36 xã thuộc 4 huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh với nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đầu tư giao thông mở lối phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực nông thôn- thành thị là một trong những mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo thành phố. Hàng ngàn tỉ đồng đã được đầu tư cho các tuyến đường: Bốn Tổng - Một Ngàn; tỉnh lộ 922, 923, 921, 926... Từ năm 2004 đến nay, thành phố cũng đầu tư gần 300 tỉ đồng để đầu tư nạo vét hệ thống kênh, mương phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, lần đầu tiên thành phố đưa chỉ tiêu xây dựng 2 xã nông thôn mới (một xã của huyện Phong Điền và một xã của huyện Thới Lai) vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2011. Quyết tâm của lãnh đạo thành phố càng thể hiện rõ khi đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ, khẳng định: “Với quyết tâm tạo sự chuyển biến ở khu vực nông thôn, Thành ủy sẽ phân công mỗi Thành ủy viên tham gia chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở một xã của thành phố. Thành phố phấn đấu đến năm 2015 sẽ có ít nhất 10 xã nông thôn mới và 100% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Vì vậy, bên cạnh những xã chỉ đạo điểm của thành phố, các huyện cần chọn riêng cho mình xã điểm để chỉ đạo thực hiện”.

* * *

Khi chúng tôi rời Nhơn Nghĩa, những cánh mai vàng báo tin xuân sớm đã rực lên trong vườn nhà dân ở hai bên đường. Trong tôi hình dung rất rõ diện mạo của một Vị Thanh đang dần về đích, một Định Hòa đang chuyển biến từ gốc rễ sâu xa - nhận thức của người dân; và một Nhơn Nghĩa đang ở bước khởi đầu với nhiều điển hình trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL. Phong trào xây dựng nông thôn mới như luồng gió mới đang và sẽ mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho hàng triệu nông dân vùng châu thổ này.

“Mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới) và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới.

(Theo Quyết định số 800-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020)

Chia sẻ bài viết