30/12/2017 - 10:09

Gian nan tái thiết Iraq thời hậu IS 

Sau cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) kéo dài 3 năm qua tại Iraq, vốn khiến cho miền Bắc và miền Tây tan hoang, nước này ước tính cần đến 100 tỉ USD để tái thiết.

Song cho đến nay, chưa có quốc gia nào đứng ra hỗ trợ Iraq. Trong một tuyên bố mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng sẽ không chi tiền cho nỗ lực tái thiết nêu trên. Do đó, Baghdad hiện hy vọng Saudi Arabia, các quốc gia vùng Vịnh khác và thậm chí Iran giúp đỡ.

Nhiều tòa nhà ở khu Thành Cổ giờ chỉ còn trơ trọi khung bê tông. Ảnh: AP

Hiện Liên Hiệp quốc (LHQ) đang hỗ trợ công tác xây dựng lại cơ sở hạ tầng tại hơn 20 thị trấn và thành phố trên khắp Iraq. Song, nỗ lực của LHQ không “xi nhê gì” so với nhu cầu thực tế. Do đó, một số người dân buộc phải sử dụng tiền tiết kiệm của mình để sửa chữa lại nhà cửa, được phần nào hay phần đó. Theo AP, gần như mọi thành phố hoặc thị trấn do IS chiếm đóng trước đây đều cần phải tu sửa lại. Do đó, nếu quá trình tái thiết càng kéo dài, người dân tháo chạy khỏi IS sẽ tha hương càng lâu. LHQ ước tính, khoảng 2,7 triệu người Iraq đã quay về những vùng đất được tái chiếm từ tay IS, nhưng vẫn còn hơn 3 triệu người khác không thể quay về nhà, phải sống trong những khu lều trại tạm bợ.

Mosul là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau khi IS bị đẩy lùi. Theo thống kê của LHQ, khoảng 40.000 ngôi nhà ở đây cần được xây dựng lại hoặc sửa chữa. Hiện khoảng 600.000 cư dân không thể trở về thành phố, vốn từng là nơi sinh sống của 2 triệu người. Trong khi đó, vấn nạn tham nhũng cùng với tình trạng chia rẽ giáo phái được cho sẽ khiến cho công tác tái thiết càng trở nên khó khăn hơn. Tại Mosul, các khu vực bị tàn phá nặng nề nhất phần lớn là nơi sinh sống của người Hồi giáo dòng Sunni, trong khi Chính phủ Iraq là của người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số. Do đó, giới chuyên gia lo ngại rằng điều tồi tệ sẽ lặp lại tại đây nếu người Sunni cảm thấy họ bị bỏ rơi hoặc ghẻ lạnh. “Trách nhiệm tái thiết Mosul thuộc về cộng đồng quốc tế. Nếu thành phố này không được xây dựng lại, nó sẽ dẫn đến sự tái sinh của khủng bố” - Abdulsattar al-Habu, lãnh đạo thành phố Mosul, cảnh báo.

AP cho biết, nơi bị tổn thất nhiều nhất tại Mosul có lẽ là khu Thành Cổ. Đường phố tại đây giờ bị chôn vùi dưới những đống đổ nát. Nhiều tòa nhà cao 6-7 tầng hiện chỉ còn trơ trọi những khung bê tông, trong khi các trung tâm mua sắm và cao ốc văn phòng cũng cùng chung số phận.

Tình trạng ở Mosul hiện không khác gì ở Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, phía Tây Iraq. Hai năm sau khi được tái chiếm từ tay IS, hơn 70% thành phố này vẫn chưa được tái thiết. Theo Chương trình Định cư LHQ, gần 8.300 căn nhà ở Ramadi bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng. Tất cả 5 cây cầu trên sông Euphrates đều bị hư hỏng nhưng chỉ có 3 cây cầu hiện đang được sửa chữa và gần như tất cả các tòa nhà chính phủ ở đây đều đã bị các tay súng IS phá hủy.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết