29/08/2017 - 09:22

FARC chuyển mình thành tổ chức chính trị 

Hôm 27-8, các thành viên Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã bắt đầu thảo luận về tương lai chính trị của tổ chức này tại kỳ đại hội đầu tiên kể từ khi kết thúc quá trình giải giáp.

Các thủ lĩnh của FARC dự đại hội toàn quốc hôm 27-8. Ảnh: BBC 

Khoảng 1.200 đại biểu của lực lượng nổi dậy cánh tả này đã tề tựu về Thủ đô Bogota để tham dự đại hội sáng lập nhằm chọn ra những đại diện tham gia cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Đại hội sẽ diễn ra trong 6 ngày, chủ yếu họp kín, trong đó ngày cuối cùng FARC sẽ đặt tên cho đảng cũng như phát động chiến dịch tranh cử chính thức. Phát biểu tại sự kiện trên, cựu thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono nhấn mạnh đảng này sẽ ủng hộ “một chính quyền dân chủ, trong đó đảm bảo hòa bình và công bằng xã hội, tôn trọng nhân quyền và đảm bảo sự phát triển kinh tế cho tất cả những người đang sống trên đất nước Colombia”.

FARC đang cho thấy họ sẽ tập trung giành lấy lá phiếu ủng hộ từ những người nông dân, công nhân và tầng lớp trung lưu bằng cương lĩnh công bằng xã hội. Dù vậy, bất kể FARC giành được bao nhiêu phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 2018, thỏa thuận hòa bình đạt được với Chính phủ Colombia sẽ dành cho đảng này 5 ghế ở mỗi viện (Thượng viện và Hạ viện) trong 2 nhiệm kỳ. Theo hãng tin Reuters, cả hai cuộc bầu cử cơ quan lập pháp và bầu cử tổng thống Colombia sẽ diễn ra vào năm tới.

Theo thỏa thuận hòa bình đạt được hồi năm ngoái, qua đó chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 53 năm khiến hơn 260.000 người chết, khoảng 7.400 tay súng FARC được ân xá và tham gia chính trị. Tháng rồi, tổ chức này cũng đã giao nộp hơn 8.000 vũ khí và gần 1,3 triệu bộ phận đạn dược cho Liên Hiệp Quốc trong cuộc giải giáp vũ khí theo cam kết trong thỏa thuận.

Trong phản ứng của mình, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos hoan nghênh đại hội của FARC. Tuy nhiên, sau hơn nửa thế kỷ gây ra các vụ tấn công và bắt cóc, FARC hiện chật vật để được người dân Colombia chấp nhận về mặt chính trị. “Đối với FARC, hành động chính trị không chỉ là bầu cử, mà họ sẽ phải giành lấy tình cảm hơn là các phiếu bầu”- một vị giám sát FARC trong tiến trình hòa bình nhận định. Cuộc thăm dò được công bố trong tháng này cho thấy chưa tới 10% người dân Colombia cho biết họ hoàn toàn tin tưởng vào FARC. Phần lớn người được hỏi khẳng định sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho một cựu thành viên FARC vào quốc hội.

THANH BÌNH (Theo AFP, Guardian)

Chia sẻ bài viết