25/08/2018 - 18:47

Đường từ Trung Quốc đi châu Âu ngắn lại vì biến đổi khí hậu 

Khi Kênh đào Suez được khánh thành tại Ai Cập vào năm 1869, tác động của công trình này đến thương mại toàn cầu mang tính cách mạng. Bởi thay vì phải đi vòng quanh châu Phi, các tàu biển có thể đi thẳng từ Ấn Độ Dương đến Địa Trung Hải - tuyến đang kết nối châu Âu với châu Á. Tuy vậy, khoảng cách giữa Đông Á và châu Âu khi đi qua Kênh đào Suez vẫn rất lớn, lên tới 20.921 km.

Sơ đồ cho thấy hải trình mà tàu của A.P. Moller-Maersk sẽ đi trên tuyến vận tải mới tại Bắc Cực.
Sơ đồ cho thấy hải trình mà tàu của A.P. Moller-Maersk sẽ đi trên tuyến vận tải mới tại Bắc Cực.

Nhưng sau 150 năm, báo Washington Post của Mỹ cho rằng cuộc cách mạng tiếp theo do nhân loại tiến hành có thể cắt ngắn gần một nửa chiều dài của tuyến vận tải biển nói trên. Nguyên do là biến đổi khí hậu đang tiến triển, khiến băng xung quanh Vòng Bắc Cực tan đi và mở ra một tuyến đường biển ngắn hơn nhiều. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu sẽ cắt ngắn tuyến Đông Á-châu Âu xuống còn 12.875 km, tức giúp giảm thời gian vận chuyển 10-15 ngày so với hiện nay.

Hôm 23-8, Tập đoàn vận tải thủy A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch thông báo sẽ gửi một tàu container đầu tiên của họ đi qua tuyến Bắc Cực. Cụ thể, con tàu mang tên Venta Maersk của hãng vận tải biển lớn nhất thế giới này sẽ rời thành phố cảng Vladivostok ở phía Đông nước Nga vào ngày 1-9 và dự kiến đến thành phố St. Petersburg ở cực Bắc nước này vào cuối tháng. Theo Washington Post, hải trình thử nghiệm này có thể đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong vận tải thương mại Bắc Cực giữa 3 khu vực gồm châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu, vốn có lượng hàng xuất khẩu chiếm gần 90% thương mại thế giới. Hồi năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Copenhagen (Đan Mạch) từng dự báo các tàu container có thể dễ dàng sử dụng tuyến đường biển này trong vòng 25 năm tới.

 NG. CÁT

Chia sẻ bài viết