13/12/2010 - 10:15

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đang tập trung đẩy mạnh hoạt động trang bị máy móc, thiết bị, mở nhiều dịch vụ y tế bằng hình thức xã hội hóa. Bước đầu hoạt động đã giúp đơn vị nâng cao chất lượng khám và điều trị, đồng thời đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bệnh nhân...

Bệnh nhân sỏi thận được điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Ảnh: B.NG 

Khu điều trị dịch vụ sản phụ khoa thuộc khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, được đưa vào phục vụ từ tháng 9-2010, với 38 giường bệnh, có đầy đủ tiện nghi, như máy lạnh, ti vi, tủ đầu giường... Khi chọn gói điều trị dịch vụ này bệnh nhân được chọn bác sĩ phẫu thuật, tư vấn, chăm sóc, điều trị, phục vụ 3 suất ăn/ngày... Tổng mức đầu tư cho khu này hơn 1,2 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay, lãi suất thấp. Bà Trần Mỹ Tuyết đang nuôi con gái sinh tại đây, cho biết: “Con gái và con rể của tôi thu nhập không cao nhưng tôi và chị nó tiếp chi phí để chọn gói dịch vụ, vì muốn con và cháu ngoại được chăm sóc thật tốt. Tôi cảm thấy rất hài lòng và yên tâm với cách phục vụ tại đây”. Bình quân mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 25-30 sản phụ đến sinh, bệnh nhân điều trị phụ khoa, trong khi khoa chỉ có 90 giường bệnh nên thường xảy ra tình trạng quá tải. Mỗi ngày, khu điều trị dịch vụ sản phụ khoa tiếp nhận từ 15 đến hơn 20 bệnh nhân, góp phần giảm tải áp lực bệnh nhân cho khoa Phụ sản và đáp ứng được những bệnh nhân, sản phụ có nhu cầu cao.

Sau khi mở khu điều trị dịch vụ sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tiếp tục mua sắm máy tán sỏi ngoài cơ thể từ nguồn vốn vay, lãi suất thấp. Máy tán sỏi ngoài cơ thể giúp điều trị sỏi thận, kích thước từ 5- 20mm. Đến nay, đã có hàng chục bệnh nhân sỏi thận được chỉ định điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Với phương pháp này, bệnh nhân được điều trị không xâm nhập, ít đau, giảm thời gian, chi phí điều trị, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày. Anh Nguyễn Văn Tưởng, ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, là bệnh nhân được tán sỏi đầu tiên, cho biết: “Lúc đầu tôi cũng thấy lo lắng. Tôi được đưa lên giường nằm giống như nằm nghỉ, không phải thay đồ, chịu mổ xẻ nên tôi thấy yên tâm với cách điều trị này. Trong lúc tán, tôi có cảm giác đau đau một tí”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2009, bệnh viện đã mua máy siêu âm 3D-4D, siêu âm tim, xây dựng nhà thuốc đạt chuẩn GPP cũng từ hoạt động xã hội hóa, mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động của bệnh viện và đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Hiện nay, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh”. Theo đó, bệnh viện tiếp tục xúc tiến trang bị thêm máy X - Quang kỹ thuật số, siêu âm màu, hệ thống niệu động học... từ hoạt động xã hội hóa. Đồng thời, đầu tư mở rộng khu Điều trị dịch vụ sản phụ khoa thành khu Điều trị dịch vụ của bệnh viện, mở thêm khu dịch vụ chăm sóc đặc biệt thuộc Khoa Hồi sức tích cực và chống độc.

Thực tế đã cho thấy, mua sắm trang thiết bị từ hoạt động xã hội hóa không chỉ đáp ứng được nhu cầu thực tế của bệnh nhân, đơn vị, mà còn giúp các bệnh viện chủ động hơn, giảm bớt thủ tục so với việc mua sắm từ nguồn ngân sách. Hoạt động còn góp phần giảm gánh nặng đầu tư cho nguồn ngân sách nhà nước. Bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nói: “Xã hội hóa công tác y tế là chủ trương được nhà nước, Bộ Y tế khuyến khích thực hiện từ nhiều năm qua. Dựa trên nhu cầu thực tế của bệnh nhân, bệnh viện sẽ từng bước đầu tư mua sắm trang thiết bị để mở thêm nhiều dịch vụ, kỹ thuật cao phục vụ người bệnh. Đây là hoạt động thiết thực góp phần thúc đẩy sự phát triển của bệnh viện, đồng thời cải thiện đời sống cho cán bộ nhân viên”.

S. KIM

Chia sẻ bài viết