24/08/2014 - 09:01

Đẩy gậy đầy tiềm năng

5 năm qua, đẩy gậy từng bước khẳng định là môn thể thao mạnh của Cần Thơ khi thường xuyên có huy chương ở các giải đấu cấp khu vực và toàn quốc. Lực lượng vận động viên (VĐV) đẩy gậy đa phần được tập trung từ quận Ô Môn, nơi phong trào thể thao này phát triển mạnh…

Ở Cần Thơ, môn thể thao dân tộc đẩy gậy bắt đầu được nhiều người luyện tập bài bản và chuyên nghiệp vào đầu năm 2010. Đó là thời điểm Cần Thơ chuẩn bị lực lượng tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2012, do TP Cần Thơ đăng cai. Ban đầu, chỉ khoảng 10 VĐV là học sinh tuổi từ 13 đến 16 tham gia tập luyện. Sau vài tháng, các VĐV này được đưa đi "thử lửa" tại Đại hội Thể dục thể thao ĐBSCL diễn ra ở Kiên Giang. Thời điểm đó, mặc dù còn "non" so với VĐV ở các tỉnh thành khác, nhưng đẩy gậy Cần Thơ đã đạt được thành công bước đầu với 4 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ. Sau Đại hội Thể dục thể thao ĐBSCL, các VĐV "ai về nhà nấy", chỉ đến khi gần tranh tài tại Hội khỏe Phù Đổng 2012, mới tập trung trở lại. Thế nhưng, đội đẩy gậy Cần Thơ với lực lượng VĐV "mới nhiều hơn cũ" đã bất ngờ giành vị trí Nhì toàn đoàn với 3 HCV, 3 HCB và 5 HCĐ. Năm 2013, đẩy gậy Cần Thơ tiếp tục đạt thành quả đáng kể, trong đó có 10 HCV tại Hội thao Nông thôn mới ở An Giang với 11 VĐV tham dự; HCĐ giải Vô địch quốc gia...

HLV Nguyễn Hồng Xương cho biết: "Do đẩy gậy là môn thể thao phong trào nên lực lượng và số lượng VĐV không ổn định, chỉ tập trung theo yêu cầu của từng giải đấu". Tuy nhiên, không vì thế mà xuề xòa trong khâu tuyển chọn. Theo HLV Hồng Xương, định kỳ hàng năm Ban huấn luyện đội đẩy gậy có kế hoạch tuyển VĐV ở các trường học. Ngoài yêu cầu về thể lực, các VĐV được chọn cần phải yêu thích môn thể thao này và có tính kiên trì, khả năng chịu đau tốt. Trong quá trình tập luyện, VĐV vẫn bị đào thải nếu không đạt yêu cầu. Do là môn thể thao dân tộc, chưa có nhiều sách vở hướng dẫn, nên HLV Hồng Xương phải tự mày mò, sáng tạo ra các dụng cụ bổ trợ tập thể lực hết sức "đặc biệt" bằng vỏ xe đạp và vỏ xe tải. Ngoài ra, HLV còn thường xuyên tìm hiểu cách huấn luyện của các tỉnh, thành có thế mạnh đẩy gậy để đúc kết kinh nghiệm, sau đó hướng dẫn cho VĐV, khắc chế đối thủ...

VĐV Nguyễn Thị Châu Nhi chia sẻ: "Lần đầu tiên tập đẩy gậy, em đã thấy thích. Môn thể thao này nghĩ đơn giản nhưng không phải ai cũng chơi tốt được. Bản thân VĐV phải có tính kiên nhẫn và chịu khó rèn kỹ thuật mới thi đấu thành công được. Có thể mình nhẹ cân, ngoại hình thấp bé nhưng nếu khéo léo và thực hiện đúng kỹ thuật, tâm lý thi đấu ổn định thì vẫn có thể hạ được đối thủ "nặng ký" hơn".

Lực lượng được tuyển chọn kỹ, chăm chút qua từng buổi tập nên nhiều VĐV đạt thành tích tốt dù thời gian tập không lâu. Gần đây nhất là tại Hội thao các Trường Dân tộc Nội trú toàn quốc 2014, các VĐV đẩy gậy Cần Thơ xuất sắc đoạt 6 HCV, góp phần giúp đoàn thể thao Cần Thơ đứng Nhất toàn đoàn.

Những chiến thắng vừa qua giúp đẩy gậy Cần Thơ càng thêm tự tin. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, đẩy gậy có thể trở thành môn thế mạnh của thể thao Cần Thơ trong tương lai.

XUÂN NGUYÊN

Chia sẻ bài viết