09/12/2018 - 15:00

Đan Mạch định đưa người nhập cư bị từ chối ra đảo hoang 

Đan Mạch có kế hoạch đưa những người nhập cư bị từ chối tiếp nhận hoặc có hồ sơ tội phạm tới một hòn đảo nhỏ và không người ở thuộc phía Đông Nam nước này.


Đảo Lindholm của Đan Mạch nhìn từ trên cao. Ảnh: The Local Denmark

CNN cho biết kế hoạch gây tranh cãi trên là một phần trong dự luật tài chính mới của năm 2019, đã được tán thành hôm 30-11 giữa chính phủ trung hữu và đảng Nhân dân Đan Mạch (DPP) cánh hữu vốn chủ trương chống nhập cư. Theo đó, địa điểm được chọn là Lindholm, một hòn đảo bỏ hoang có diện tích chỉ 6,88 héc-ta và nằm cách bờ biển Đan Mạch khoảng 3,1km.

Từ năm 1926 đến đầu năm nay, Lindholm được dùng đặt các chuồng nuôi, một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm từ động vật và một lò thiêu heo, bò chết. Song theo kế hoạch mới đề xuất, các cơ sở trên đảo sẽ được làm sạch vào cuối năm 2019 và mở một trung tâm nhập cư với sức chứa ban đầu khoảng 100 người vào năm 2021.

Theo thông báo từ chính phủ, trung tâm mới sẽ là nơi ở của những người nhập cư không có giấy phép cư trú tại Đan Mạch nhưng không thể trục xuất vì nhiều lý do khác, bao gồm người bị đe dọa mạng sống nếu bị trả về nước, người bị trục xuất do phạm tội hoặc vì lý do an ninh quốc gia, các tay súng nước ngoài và người xin tị nạn bị từ chối do từng bị kết án.

Theo New York Times, Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Kristian Jensen đã phủ nhận việc Lindholm là một nhà tù, dù thừa nhận rằng những người được đưa đến đảo sẽ cư ngụ tại đó. “Đan Mạch là một hòn đảo. Chúng tôi có nhiều đảo và người Đan Mạch sống trên các đảo. Không có ai trong số họ cảm thấy đây là sự vi phạm nhân quyền” - Bộ trưởng Jensen lập luận.

Mặc dù kế hoạch vẫn còn chờ được thông qua tại Quốc hội Đan Mạch, song ý tưởng “cách ly” những di dân bị khước từ đã làm dấy lên nhiều ý kiến chỉ trích từ các nhóm nhân quyền. Đơn cử, nhà hoạt động Steen D. Hartmann đến từ phong trào trực tuyến Stop Diskrimination phát biểu: “Chúng tôi yêu cầu chính phủ và DPP ngừng các kế hoạch (về đảo Lindholm) và cải thiện điều kiện dành cho tất cả những người xin tị nạn bị từ chối ở Đan Mạch”. Tương tự, Louise Holck - phó giám đốc Viện Nhân quyền Đan Mạch - cho rằng: “Điều quan trọng cần ghi nhớ là những người này, vào lúc phạm tội đã chấp hành bản án của họ. Nên không có cơ sở nào để giam giữ họ…”. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet cũng bày tỏ lo ngại về kế hoạch trên, nói rằng bà sẽ thảo luận với chính phủ Đan Mạch.

Thật ra cũng như nhiều nước châu Âu, Đan Mạch đã tăng cường kiểm soát nhập cư kể từ khi một số lượng lớn người Trung Đông và châu Phi tháo chạy khỏi đất nước vì chiến tranh. Trong hai năm 2015 và 2016, lần lượt có 14.792 người và 21.316 người  xin tị nạn tại Đan Mạch. Nhưng con số đó đã giảm xuống còn 3.458 người vào năm 2017.

Hồi năm 2016, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua một đạo luật cho phép giới chức tịch thu những tài sản có giá trị vượt quá 1.450 USD từ những người xin tị nạn để giúp trả chi phí cho sự có mặt của họ tại nước này. Xứ sở nàng tiên cá cũng cắt giảm phúc lợi xã hội dành cho người tị nạn và nhập cư. Mới hồi tháng 8, giới chức Đan Mạch ban hành lệnh cấm đeo mạng che mặt, quy định mà các nhà phê bình xem là phân biệt đối xử đối với nhóm dân số Hồi giáo ngày càng tăng ở đất nước Bắc Âu này.

ĐÔNG PHONG (Theo Fox News, Washington Post)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đan Mạch