02/12/2012 - 15:33

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động của nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều địa phương ven biển. Làm gì để ứng phó và thích nghi trong điều kiện BĐKH là vấn đề mà nhiều địa phương ven biển ĐBSCL đang đi tìm giải pháp. Trong đó, tỉnh Bến Tre đã khá năng động trong việc trồng rừng, khôi phục lá chắn rừng phòng hộ ven biển và đầu tư đê ngăn mặn, trữ ngọt.


Tác động trực tiếp từ BĐKH

Rừng phòng hộ Ba Tri, tỉnh Bến Tre. 

Tỉnh Bến Tre được các nhà khoa học, nhà quản lý nhận định là địa phương chịu tác động nặng nề nhất do tác động của BĐKH toàn cầu. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, từ năm 1998 đến năm 2010, ảnh hưởng từ BĐKH đã làm giảm năng suất hoặc gây mất mùa đối với 25.000ha cây ăn trái, trên 16.000ha hoa màu của người dân, trên 180.000 người dân ở các huyện giáp biển thiếu nước ngọt sinh hoạt, hàng chục ngàn mét vuông đất bị mất do xói lở mỗi năm và hàng ngàn hộ dân bị mất nhà cửa phải di cư đi nơi khác. Lượng mưa hằng năm ở tỉnh Bến Tre biến động thất thường, với những đợt mưa lớn nhiều hơn, dẫn đến ngập lụt tăng, nhất là khu vực ven biển, khu đô thị...

Trong chuyến khảo sát ảnh hưởng của BĐKH và các dự án ứng phó với BĐKH được Đan Mạch hỗ trợ tỉnh Bến Tre vào thượng tuần tháng 11-2012, ông Martin Lidegaard, Bộ trưởng Bộ Khí hậu, Năng lượng- Công trình Đan Mạch nhấn mạnh: "Tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương của Việt Nam đang chịu rất nhiều tổn thất từ BĐKH toàn cầu. Do vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống đê bao ngăn mặn, trữ ngọt, phát triển vành đai rừng ngập mặn ven biển có ý nghĩa quan trọng trong việc đối phó, thích ứng với BĐKH… ". Theo các ngành chức năng tỉnh Bến Tre, khi nước ở thượng nguồn sông MeKong đổ về với lưu lượng lớn đã hạn chế được nước mặn từ biển xâm nhập vào đất liền qua các cửa Đại, cửa Tiểu, Ba Lai. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc một số nước trên thượng nguồn sông MeKong xây dựng các đập thủy điện đã làm giảm đáng kể lượng nước chảy ra cửa Đại, cửa Tiểu, Ba Lai khiến nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Vì vậy, lũ năm 2012 đến chậm, dường như không có lũ và theo dự báo của các sở, ngành chức năng của tỉnh vào cuối năm 2012 và năm 2013, tình trạng xâm nhập mặn sẽ nghiêm trọng hơn…

Theo các ngành chức năng, một trong những giải pháp nhằm hạn chế tác động và thích ứng với BĐKH là phải hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hệ thống đê bao ven sông, ven biển… để ngăn mặn, trữ ngọt, cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Hệ thống thủy lợi nội đồng của Bến Tre khá hoàn chỉnh, đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với khoảng 50 kênh trục, tổng chiều dài 226km, có nhiều đóng góp tích cực trong nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống đê cũng khá phát triển như: đê Tây dọc bờ tả sông Ba Lai (từ sông Chẹt Sậy đến Thạnh Trị) dài khoảng 25km, đê dọc sông Cửa Đại dài 25km, tuyến đê Cổ Chiên dài hơn 39km, tuyến đê biển Ba Tri dài 31km, đê biển Bình Đại 47km… Tuy nhiên, về lâu dài thì các công trình hạ tầng này rất khó đảm đương vai trò ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân ven biển nếu không được đầu tư đồng bộ từ bây giờ. Bởi một số công trình đê biển trên vốn đầu tư lớn, chỉ mới thực hiện giai đoạn I và cần hàng ngàn tỉ đồng cho các giai đoạn tiếp theo, nhưng nguồn lực tài chính của địa phương không thể đáp ứng được.

Các giải pháp ứng phó, thích nghi với BĐKH

Tỉnh Bến Tre đã xây dựng đề án ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012- 2020 bằng các giải pháp trồng rừng và quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi, đê bao, đê biển. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và các nước như Đan Mạch, Phần Lan... mỗi năm tỉnh trồng mới được khoảng 100ha rừng ngập mặn ven biển với các loại cây đước, mắm, bần… Trong năm 2012 tuy không có nguồn hỗ trợ, nhưng tỉnh Bến Tre đã chủ động trồng mới được 94ha rừng ven biển ở các huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày… nâng tổng số rừng hiện có trên toàn tỉnh là 4.164ha. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh Bến Tre sẽ trồng mới 870ha rừng, nâng tổng số diện tích rừng trên 5.000ha, bao phủ kín 65km bờ biển để đối phó với BĐKH. Đối với các dự án thủy lợi, đê biển, đê bao, trong thời gian qua tỉnh Bến Tre đã xây dựng hoàn chỉnh giai đoạn 1 với chiều dài 12km tuyến đê biển ở huyện Ba Tri, nâng cấp được trên 47km đê biển ở huyện Bình Đại, đang triển khai thi công tuyến đê ven biển từ Vàm Thừa Mỹ đến sông Vĩnh Luông chiều dài 25km, hoàn thành được 74% tuyến đê bao Vàm Tân Cương dài 2.707m tại xã Mỹ Đức, huyện Mỏ Cày Nam, nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến đê bao: Kênh Cũ, khu Thới Định, Vĩnh Hiệp, Mỹ Sơn Đông, khu Lâm Bắc với tổng chiều dài 12km thuộc huyện Chợ Lách…

Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt 4 dự án xây dựng đê biển huyện Thạnh Phú, đê bao công cục bộ từ xã Hòa Lợi đến xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, đê bao ngăn mặn ven sông Hàm Luông, đê bao xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại với tổng vốn đầu tư 3.140 tỉ đồng và 5 dự án xây dựng đê bao đang được thẩm định. Theo ông Martin Lidegaard, Bộ trưởng Bộ Khí Hậu, Năng lượng- Công trình Đan Mạch, trồng rừng ngập mặn không chỉ để bảo vệ đất không bị xói lở, ngăn chặn các ảnh hưởng từ BĐKH, mà còn hấp thụ khí CO2, ngăn chặn sự tăng lên của khí gây hiệu ứng nhà kính và làm giảm băng tan, nước biển dâng. "Đan Mạch và Việt Nam đều là những nước thấp ở hai đồng bằng châu thổ, nên khi nước biển dâng, nhiều khu vực sẽ thấp hơn mực nước biển. Do đó, ngoài việc trồng rừng thì giải pháp xây dựng đê biển, bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt cần xem xét thực hiện. Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc ứng phó BĐKH mà còn phải tìm ra các giải pháp để thích ứng, sống chung với BĐKH…"- ông Martin Lidegaard nói.

Song song với việc thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH, tỉnh Bến Tre đã chủ động xây dựng các mô hình nuôi và chế biến thủy sản thích ứng với nhiễm mặn, gia tăng nhóm cây ăn trái chất lượng cao, chú trọng phát triển và bảo tồn các loại cây đặc sản của tỉnh… "Chuyển đổi cơ cấu sản xuất với hệ canh tác ở vùng nước ngọt, nước lợ để thích ứng với BĐKH, hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi cho những hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH, tạo công ăn việc làm từ các dự án trồng rừng bằng việc giao khoán cho dân chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, góp phần hạn chế nạn chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm vuông nuôi tôm…"- ông Nguyễn Thành Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, khẳng định chủ trương của tỉnh trong việc đưa ra các giải pháp ứng phó và thích ứng với BĐKH.

Bài, ảnh: Nguyên Hùng

Chia sẻ bài viết