09/05/2016 - 21:13

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trên nền đất lúa nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là tiết kiệm nước và chi phí sản xuất được xem là giải pháp hữu ích cho nông dân trong sản xuất vụ hè thu 2016.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Trong điều kiện hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp thành phố đã chỉ đạo cho các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả. Hiện tại, nông dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã triển khai mô hình trồng mè trong vụ hè thu 2016. Trồng mè cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với trồng lúa, nhưng điều quan trọng khi nhân rộng mô hình này cần có những định hướng đầu ra cho nông dân, thực hiện cơ giới hóa trong thu hoạch để tránh phụ thuộc lao động thủ công khi vào vụ chính... Song song đó, ngành nông nghiệp cần có những triển khai tập huấn hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho nông dân, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, thăm đồng thường xuyên, hướng dẫn và khuyến cáo nông dân sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Các địa phương cần tạo điều kiện cho nông dân liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định và giúp cho nông dân yên tâm sản xuất, góp phần đưa mô hình trồng mè phát triển và chuyển dịch theo hướng bền vững.

Nông dân ấp Thạnh Phú, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ áp dụng mô hình sản xuất luân canh 2 vụ lúa 1 vụ màu để gia tăng hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích đất.

Việc chuyển đổi sản xuất từ 3 vụ lúa/năm sang luân canh 2 lúa-1 màu hoặc kết hợp nuôi thủy sản trên ruộng lúa, chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ngắn ngày chịu hạn... đã góp phần gia tăng thu nhập cho nhiều nông hộ. Ngoài ra, nhiều nông dân chủ động thay đổi tập quán sản xuất, linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hạn hán. Trước thực trạng này, nhiều nông dân chủ động thay đổi tập quán sản xuất, linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hạn hán. Ông Nguyễn Văn Đức, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên nền đất lúa, tôi đã áp dụng mô hình sản xuất luân canh 2 lúa -1 màu. Vụ hè thu 2016, tôi chọn cây mè để canh tác vì mè là cây trồng ngắn ngày (khoảng 75 ngày thu hoạch), ít tốn công chăm sóc. Ngoài ra, cây mè không cần tưới nhiều nước và có thể chịu nhiệt khoảng 340 C nên trồng vụ hè thu khá phù hợp. Mặt khác, lợi nhuận trồng mè cao hơn so với trồng lúa, ước tính 1 công đất có diện tích khoảng 1.200 m2, thu hoạch trên dưới 2 tấn, giá bán 35.000-38.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân lời từ 4-5 triệu đồng". Ông Nguyễn Văn Pho, ấp Thạnh Phú 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Thời gian qua, trồng lúa phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết và nhất là giá cả đầu ra không ổn định nên nông dân thu nhập từ cây lúa không cao. Vì vậy, khi thấy bà con nhiều nơi nuôi lươn đem lại lợi nhuận cao và có thị trường tiêu thụ ổn định nên tôi chuyển sang nuôi lươn. Nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật về mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt nên việc nuôi lươn cũng khá đơn giản, không đòi hỏi diện tích lớn, không tốn nhiều thời gian chăm sóc". Năm 2016, với 9 bể nuôi lươn trên diện tích 300 m2, nuôi khoảng 15.000 con giống… Sau khoảng 7 tháng, ước tính thu hoạch đạt hơn 2,7 tấn, trừ tất cả chi phí, ông Nguyễn Văn Pho lời khoảng 100 triệu đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, việc nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa còn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bởi việc chuyển đổi luân canh cây trồng sẽ cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh, tăng dinh dưỡng cho đất, góp phần gia tăng năng suất cho lúa ở những vụ sau. Đồng thời, luân canh màu trên nền đất lúa còn rút ngắn thời gian gieo trồng, đảm bảo cơ cấu và lịch thời vụ, giúp nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, nhiều bà con đã chọn cây trồng, vật nuôi chuyển đổi phù hợp, có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn còn một số khó khăn tồn tại. Đó là thị trường đầu ra nông sản không ổn định, quy mô sản xuất của nông dân nhỏ lẻ nên doanh nghiệp khó thu mua được sản phẩm chất lượng tốt với khối lượng lớn cùng một thời điểm… Để việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được ổn định, bền vững cần quan tâm đẩy mạnh khuyến cáo nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu và nuôi thủy sản. Trong đó, chú ý bố trí mùa vụ hợp lý, chọn cây trồng ít sử dụng nước, chịu đựng được hạn, đồng thời cải tạo hệ thống thủy lợi cho phù hợp với mô hình chuyển đổi. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý có trình độ, năng lực đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Song song đó, xây dựng mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là công tác liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, tìm đầu ra ổn định... để nông dân yên tâm sản xuất, gia tăng năng suất và lợi nhuận.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết