09/07/2020 - 21:42

Bầu cử Singapore

Chiến thắng được báo trước của PAP 

Kết quả cuộc tổng tuyển cử diễn ra ở Singapore vào hôm nay 10-7 được dự đoán vẫn là chiến thắng của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, trong khi phe đối lập kỳ vọng giành thêm ghế tại quốc hội với sự góp mặt của em trai Thủ tướng Lý Hiển Long.

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á kể từ khi COVID-19 bùng phát, diễn ra trong bối cảnh kinh tế Singapore rơi vào suy thoái do ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ- Trung Quốc và hệ lụy từ đại dịch. 

Phó Giáo sư Bilveer Singh tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng PAP sở hữu nhiều lợi thế hơn bất lợi nếu so với các kỳ bầu cử trước. Theo đó, sự kiện này tuy diễn ra trong giai đoạn nhạy cảm nhưng hầu hết cử tri Singapore đều hài lòng với bước đi mang tính quyết định khi chính phủ sử dụng nguồn ngân sách dự trữ “đúng thời điểm” để giải quyết khủng hoảng COVID-19. 

Thủ tướng Lý Hiển Long (trái) và cấp phó Vương Thụy Kiệt. Ảnh: Today Online.

Về bất lợi, theo Giáo sư Singh, người dân ở mức độ nào đó vẫn lo ngại về dịch bệnh chưa từng có này. Tăng trưởng kinh tế được dự báo giảm 4-7% trong năm nay cũng ít nhiều ảnh hưởng tâm lý cử tri đối với thành tích mà PAP tuyên truyền. Họ cũng đối mặt quyết tâm của 10 đảng đối lập đang đồng lòng kêu gọi kiểm soát và cân bằng trong quốc hội để tăng cường tính dân chủ và tiến trình chính trị ở đảo quốc Sư tử. 

Theo Giáo sư Keith Tan tại Đại học Quản lý Singapore, đảng cầm quyền sẽ có mùa bầu cử tốt đẹp nếu họ đảm bảo 65% số phiếu phổ thông và không mất thêm ghế tại quốc hội. Trong các kỳ bầu cử trước đây, tỷ lệ phiếu bầu cho PAP chưa bao giờ ở mức dưới 60%. Năm 2011, đảng này có tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất (60,1%)  kể từ khi Singapore giành độc lập vào năm 1965. Nhưng năm 2015, PAP đã có thắng lợi giòn giã với 69,9% số phiếu bầu và 93% số ghế trong quốc hội.

Về phe đối lập, các đảng tuy chưa đủ mạnh nhưng có những thay đổi nhân sự đáng chú ý. Những đảng lâu năm như đảng Công nhân hay đảng Nhân dân Singapore đều không giới thiệu lãnh đạo kỳ cựu mà thay bằng những gương mặt trẻ triển vọng. Ngoài ra, tổng tuyển cử Singapore 2020 cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều thế lực chính trị mới như đảng Tiến bộ Singapore (PSP), đảng Tiếng nói Nhân dân và đảng Chấm đỏ Thống nhất. Thành lập năm 2019, PSP không có “thâm niên” nhưng lãnh đạo của họ, ông Tan Cheng Bock, từng là cựu thành viên PAP và về nhì trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2011. Em trai Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Lý Hiển Dương, trước thời điểm bầu cử cũng gia nhập đảng này, động thái được kỳ vọng giúp PSP thu hút thêm nhiều lá phiếu để cạnh tranh ghế tại quốc hội.

Với kế hoạch nghỉ hưu của Thủ tướng Lý Hiển Long, kỳ tổng tuyển cử 2020 sẽ đánh dấu sự chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư; đồng thời là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những gương mặt trẻ tuổi do Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt dẫn dắt.  Như thông lệ, PAP là đảng duy nhất đăng ký tranh cử cả 93 ghế. Đứng thứ hai là PSP tranh cử 24 ghế.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết