12/07/2011 - 11:30

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về “Tam nông”

Cần tập trung gỡ "nút thắt" để tạo chuyển biến

Ngày 5-8-2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết “Tam nông”). Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết này, đã góp phần thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân nông thôn. Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, ngày 11-7-2011, những tồn tại khó khăn đã được Chính phủ, các bộ ngành cùng các địa phương phân tích, tìm hướng giải quyết...

Những thành tựu quan trọng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), qua gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, nông nghiệp, nông thôn của nước ta đã vượt qua khó khăn, duy trì được tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước. Tốc độ tăng GDP nông nghiệp bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 3,36%, so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra là 3,2%. Tất cả các lĩnh vực sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản...) đều có bước phát triển khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước năm 2010 đạt 19,53 tỉ USD (tăng 3,46 tỉ USD so với năm 2008), vượt 81% so với mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 12 tỉ USD; trong đó, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Cùng với những kết quả đạt được của lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực. Đến năm 2010, trong khu vực nông thôn, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm gần 60% cơ cấu kinh tế...

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân đã cải thiện đáng kể.
Trong ảnh: Một góc nông thôn mới ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. 

Đến cuối năm 2010, tổng năng lực tưới của hệ thống thủy lợi của cả nước cho gieo trồng lúa đạt 7,03 triệu ha, cho rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt 1,5 triệu ha, thoát nước cho đất nông nghiệp đạt 1,72 triệu ha. Đầu tư nâng cấp giao thông nông thôn được coi là khâu đột phát trong xây dựng hạ tầng nông thôn. Trong 2 năm (2009, 2010), cả nước mở mới gần 7.500 km đường giao thông; nâng cấp 29.500 km đường nhựa, bê tông; xây gần 3.000 cầu bê tông, 205 cầu liên hợp... với tổng vốn huy động gần 33.000 tỉ đồng; nhân dân đóng góp khoảng 11,2% và 24 triệu ngày công lao động...

Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những chương trình quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết “Tam nông”. Từ khi triển khai thực hiện chương trình này (theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM), đến tháng 5-2011, 63/63 tỉnh thành phố trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; 84,7% cấp huyện thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và 52% các xã thành lập Ban Quản lý cấp xã. Đặc biệt, ngày 8-6, Thủ tướng Chính phủ chính thức phát động thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM”. Từ đây tạo nên phong trào xây dựng NTM được triển khai một cách mạnh mẽ trên cả nước. Đến nay, cả nước có 100% số tỉnh- thành hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng NTM theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo. Trong năm 2011, các địa phương trong cả nước tiếp tục tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng đề án, tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ vận hành chương trình, lựa chọn xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu và tập trung đẩy mạnh sản xuất...

Ngoài các kết quả trên, việc triển khai Nghị quyết “Tam nông” cũng đã góp phần đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực ở nông thôn như: nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; phát triển nhanh việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo bước đột phát để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp nông thôn...

Còn nhiều tồn tại, khó khăn

Theo các bộ, ngành hữu quan và nhiều địa phương trong cả nước, triển khai thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, thông qua việc ban hành và tổ chức triển khai kịp thời các chương trình, cơ chế chính sách đã có tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, nông thôn trước mắt và lâu dài. Từ đó, tạo được niềm tin cho cán bộ - nông dân vào chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết “Tam nông” thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp và người dân về Nghị quyết “Tam nông” nói chung và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói riêng, chưa đúng và chưa đầy đủ. Ở cả Trung ương và địa phương, không ít cán bộ lãnh đạo các cấp chưa nhận thức đúng và chưa hiểu rõ yêu cầu cấp thiết của việc giải quyết các vấn đề “tam nông” là tất yếu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một số nhiệm vụ và giải pháp về điều chỉnh cơ chế chính sách đã được nêu ra trong Nghị quyết “Tam nông” cũng như trong Chương trình hành động của Chính phủ nhưng các bộ, ngành triển khai chậm, chưa đúng tiến độ và thiếu đồng bộ. Nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chậm triển khai vào cuộc sống hoặc chưa tạo ra chuyển biến trên thực tế. Gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết “Tam nông” cũng là giai đoạn mà số lượng các văn bản về cơ chế chính sách nông nghiệp - nông thôn được ban hành nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, đa số mới chỉ dưới dạng văn bản, việc chuyển hóa thành những hoạt động còn nhiều hạn chế...

Ngoài nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ cuối năm 2008 và đến nay chưa có dấu hiệu hồi phục, Hội nghị cũng xác định nhiều nguyên nhân chủ quan. Cụ thể: Công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết “Tam nông” còn có những hạn chế; chưa chú trọng tổ chức thông tin, phổ biến đến dân. Việc tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách đã ban hành chưa thực sự quyết liệt, còn lúng túng, thiếu đồng bộ nên chưa kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc xã hội cũng như tháo gỡ những “nút thắt” căn bản của phát triển nông nghiệp - nông thôn. Một số chủ trương, chính sách đã ban hành nhưng thực hiện còn ít do thiếu nguồn lực tài chính, thiếu nhân lực tương ứng hoặc không quyết liệt trong triển khai thực hiện, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Song song đó, trách nhiệm của một số cấp ủy đảng và chính quyền các cấp không được làm rõ cụ thể và xử lý nghiêm khi không thực hiện tốt; kinh nghiệm tốt chưa được tổng kết để kịp thời nhân rộng; nhiều phong trào thi đua mang tính hình thức, chưa phát huy tác dụng trong thực tiễn. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ, nhuần nhuyễn. Ngoài ra, nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn tuy có được quan tâm, đầu tư qua các năm nhưng vẫn còn thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế...

Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:
Giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản bình quân 5 năm 2,8-3%năm. Tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước 17-18%.
Hằng năm, đào tạo 1 triệu lao động nông thôn. Tỷ trọng lao động nông lâm, thủy sản năm 2015 chiếm 40 - 41% lao động xã hội.
Thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8 - 2 lần so với năm 2010.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm.
Số xã đạt chuẩn NTM khoảng 20%...
 

Theo Bộ NN&PTNT

Để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, nhiều địa phương cả nước kiến nghị: Các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Các bộ, ngành hữu quan tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc vay tín dụng ưu đãi trong nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục tăng cường đào tạo nhằm nâng cao năng lực tổ chức cho đội ngũ cán bộ, đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn; tăng mức đầu tư, nguồn kinh phí cho các địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Nghị quyết “Tam nông” không ách tắc ở nông dân mà ách tắc ở hệ thống chính quyền. Bởi tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Chính phủ, các bộ và các cấp chính quyền chưa kịp thời, chưa thật tốt. Đây là bài học các bộ, ngành và các địa phương cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Các bộ, ngành cần kiểm soát chức năng đề xuất những tham mưu cho Thủ tướng; đồng thời, khi có chủ trương, chính sách phải có hướng dẫn kịp thời, quyết liệt hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện, nhất là các cấp của chính quyền địa phương... Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: Trước tháng 9-2011, các bộ, ngành phải hoàn tất các việc ban hành các hướng dẫn thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo, nâng cao đời sống nông dân...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết