29/11/2017 - 19:30

Cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội: Tìm giải pháp linh hoạt nhưng không sốc

Trước những thách thức của quá trình già hóa dân số, các chính sách bảo hiểm xã hội sẽ phải có những cải cách mạnh mẽ để đảm bảo tính bền vững. Tuy nhiên, việc xây dựng các giải pháp cải cách bảo hiểm xã hội phải linh hoạt nhưng không gây sốc cho xã hội.

Hội thảo quốc tế về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội-Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đưa ra tại hội thảo quốc tế về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội-Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị đối với Việt Nam,” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội.

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội thấp

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Bảo hiểm xã hội được coi là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với quan điểm tiếp cận bảo hiểm xã hội là quyền an sinh xã hội mang tính phổ quát, gắn với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp. Là một quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh và tỷ trọng lao động phi chính thức lớn, Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức khi xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội.

Chi trả chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Nói về các giải pháp cải cách chính sách cũng như mở rộng đối tượng, mở rộng quỹ bảo hiểm xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh giải pháp căn cơ nhất vẫn là phát triển kinh tế. Giải quyết được mục tiêu về tăng số lượng lao động có việc làm, quan hệ lao động sẽ làm tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Đánh giá về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận bên cạnh những kết quả đã đạt được thì chính sách này cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp do mức độ tuân thủ chính sách và quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc còn yếu trong khu vực chính thức và tỷ lệ tham gia thấp trong khu vực phi chính thức. Hiện nay, có từ 6-7 triệu người cao tuổi chưa có lương hưu.

Giám đốc ILO Việt Nam, tiến sỹ Chang-Hee Lee cho rằng: “Thách thức là làm thế nào có thể mở rộng độ bao phủ đến ‘nhóm ở giữa bị bỏ sót’, nhóm người không được tiếp cận cả với bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến tháng 9 vừa qua mới có hơn 14,6 triệu lao động tại Việt Nam tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng một phần tư lực lượng lao động.”

Theo ông Chang-Hee Lee, để mở rộng bao phủ tới người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hợp đồng ngắn hạn và những người làm việc không trên cơ sở quan hệ lao động đòi hỏi phải có sự đột phá về cách làm. Điều quan trọng là mở rộng bao phủ an sinh xã hội tới lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức để chính thức hóa và cải thiện điều kiện công việc của họ. 

ILO khuyến nghị Việt Nam mở rộng an sinh xã hội cho những người trong khu vực phi chính thức thông qua kết hợp giữa chương trình có đóng góp và chương trình không dựa trên đóng góp nhằm hướng tới bao phủ an sinh xã hội toàn dân. “Thành công của việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế cho thấy nhiệm vụ mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội là có thể thực hiện được,” ông Chang-Hee Lee cho biết.

Nguy cơ từ quỹ hưu trí, tử tuất

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng quỹ hưu trí, tử tuất của Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ khó cân đối trong tương lai gần. Nguyên nhân là do tỷ lệ hưởng cao (tỷ lệ hưởng tối đa 75%) và tuổi nghỉ hưu thấp, gia tăng số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần, số lượng người nghỉ hưu trước tuổi khá lớn do suy giảm khả năng lao động và các yếu tố đặc thù khác như ưa đãi ngành nghề. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định: “Việc cải cách tham số nhằm hướng tới tương quan đóng- hưởng trong chính sách hưu trí đã được đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội và gần đây nhất là Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi năm 2014. Tuy nhiên, trước bối cảnh về già hóa dân số, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động của yếu tố hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho quỹ hưu trí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó cân đối trong dài hạn.”

Đưa ra khuyến nghị về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên thực hiện cải cách tham số, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ thay thế. Giám đốc ILO Việt Nam nhận định, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên các kinh nghiệm tích cực từ mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế. 

“Dư địa tài khóa để mở rộng an sinh xã hội luôn tồn tại dù ở các quốc gia không có tiềm lực tài chính mạnh. Chính phủ Việt Nam cần khai thác mọi phương án tài chính để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc làm bền vững và an sinh xã hội”, ông Chang-Hee Lee khẳng định.

Thừa nhận không có nước nào trên thế giới mà người tham gia Bảo hiểm xã hội đóng ít mà lại hưởng nhiều như ở Việt Nam, Phó thủ tướng nhấn mạnh, cần tuân thủ nguyên tắc tối cao đóng - hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nhưng cũng cần cần có sự chia sẻ. Sự chia sẻ của số đông với số ít, thế hệ này, thế hệ khác…

Cải cách bảo hiểm xã hội không phải chuyển có thể thực hiện ngay mà cần phải có tầm nhìn dài 20, 30 năm để người dân có thể thích ứng với sự thay đổi đó. Thế nhưng, quá trình cải cách bảo hiểm xã hội không thể chậm trễ mà phải nhanh chóng hành động, hành động sớm.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết