23/04/2016 - 17:14

HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG SỐT RÉT 25-4

Bệnh sốt rét: Đừng chủ quan!

Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng sốt rét truyền từ người bệnh sang người lành bởi muỗi Anophen (còn gọi là muỗi đòn xóc). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dù tình hình sốt rét được cải thiện đáng kể so với trước đây nhưng hiện nay trên toàn cầu còn khoảng 3,2 tỉ người có nguy cơ mắc sốt rét. Năm 2015, sốt rét gây ra 438.000 ca tử vong, trong đó có 78% trẻ em dưới 5 tuổi.

Còn nhiều thách thức

Việt Nam là một trong các nước có bệnh sốt rét lưu hành, tỷ lệ cao ở Tây Nguyên, ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ. Thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, 2 tháng đầu năm 2016, cả nước có 1.563 trường hợp bệnh sốt rét, 4 trường hợp sốt rét ác tính và 2 trường hợp tử vong. Nguyên nhân tử vong bởi sốt rét là do tuyến y tế cơ sở chủ quan, không lấy lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, chẩn đoán muộn và điều trị không kịp thời.

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng khu vực lấy lam máu tìm ký sinh trùng sốt rét điều tra dịch tễ năm 2015, tại xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai. Ảnh: Phước Long

Hiện nay, những khó khăn, tồn tại trong phòng, chống bệnh sốt rét là dân sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành còn cao, chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; xuất hiện tư tưởng chủ quan ở một số vùng có bệnh sốt rét giảm thấp nhiều năm; không quan tâm chỉ đạo, giám sát, đầu tư cho phòng, chống sốt rét. Cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét tuyến cơ sở thiếu về số lượng và trình độ, chưa đáp ứng nhu cầu công tác. Vấn đề giám sát, quản lý phòng, chống sốt rét đối tượng dân di biến động còn là thách thức lớn đối với công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét hiện nay và ngoài tầm kiểm soát ngành y tế. Đặc biệt những đối tượng đi làm ăn theo thời vụ từ vùng không có sốt rét và vùng sốt rét lưu hành nhẹ đến vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng, sốt rét ngoại lai của những người lao động từ Châu Phi, Lào, Campuchia trở về…, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch sốt rét. Bác sĩ CKII Dương Phước Long, Trưởng khoa Sốt rét - Nội tiết, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết, những năm gần đây, bệnh sốt rét trong thành phố luôn ở mức thấp nhất trong khu vực và thuộc những tỉnh có số ca mắc thấp nhất cả nước. Năm 2015, toàn thành phố có 3 ca; đầu năm 2016 đến nay ghi nhận 1 ca; đều là người dân TP Cần Thơ đi làm ăn nơi khác mắc bệnh, rồi quay về địa phương…

Theo ghi nhận của Khoa Sốt rét - Nội tiết, những bệnh nhân sốt rét tại các bệnh viện trong thành phố những năm qua thường bị chẩn đoán lầm bệnh khác, thời gian nằm viện kéo dài và có thể nguy hiểm tính mạng do chẩn đoán lầm, trễ. Mặt khác, do bệnh nhân không thông báo, trước đó từng có thời gian đến vùng đồi núi hoặc ven biển; hay bác sĩ "quên" không hỏi. Bác sĩ Dương Phước Long lưu ý: "Biểu hiện cơn sốt rét ở những người bị lần đầu hoặc ở người bị tái phát xa do ký sinh trùng P.vivax thường không điển hình, dễ lầm với những bệnh có triệu chứng sốt hoặc chỉ ớn lạnh khác. Cùng với nhiều người dân đi làm ăn xa có thể bị nhiễm bệnh quay trở về, vấn đề trên là khó khăn để giảm số lượng bệnh và không để xảy ra ca tử vong do sốt rét".

Phòng, chống và phát hiện sớm

TP Cần Thơ là vùng không có sốt rét lưu hành, vì nhiều năm qua, không có ký sinh trùng sốt rét nội địa. Tuy nhiên, nguy cơ sốt rét có thể quay trở lại vì hàng năm vẫn có bệnh nhân sốt rét ngoại lai (đi làm ăn nơi khác mắc bệnh quay về) và vì sinh địa cảnh trong tương lai có thể thay đổi sẽ làm các loài Anophen có khả năng truyền bệnh sinh sản và phát triển. Khi đó, nếu có bệnh nhân sốt rét thì sẽ lây sốt rét cho người khác, tức bệnh sốt rét nội địa.

Theo bác sĩ Dương Phước Long, bệnh nhân sốt rét tại TP Cần Thơ chủ yếu là di dân từ vùng có sốt rét đến hoặc là người dân TP Cần Thơ đến vùng có sốt rét, bị mắc bệnh rồi quay về. Vì vậy, biện pháp can thiệp sẽ là phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh nhân sốt rét để tránh tử vong và triệt nguồn ký sinh trùng ngoại lai. Đồng thời quản lý di dân biến động đi và về; truyền thông giáo dục sức khỏe và giám sát muỗi thường xuyên để sớm phát hiện sự xuất hiện loài muỗi Anophen có khả năng truyền bệnh sốt rét. Mỗi gia đình tự giác vệ sinh môi trường sạch sẽ; áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi trong và ngoài nhà, để phòng ngừa các loài muỗi có khả năng truyền bệnh khác như: sốt xuất huyết, do vi rút Zika, viêm não Nhật Bản...

Để tăng cường phát hiện trường hợp bệnh sốt rét tại các cơ sở y tế, đầu tháng 4-2016, Sở Y tế TP Cần Thơ có công văn chỉ đạo các cơ sở điều trị, trạm y tế trên địa bàn chủ động lấy lam máu làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét các trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét như: người có sốt sống vùng sốt rét lưu hành; người có sốt và tiền sử sốt rét 2 năm gần đây; người có sốt trở về từ vùng lưu hành trong 14 ngày; sốt không tìm thấy nguyên nhân gây sốt. Các cơ sở y, dược tư nhân khi điều trị bệnh nhân sốt rét hoặc nghi sốt rét cần báo cáo ngay các Trung tâm Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng để phối hợp điều trị và phòng, chống dịch bệnh.

Hương Giang

Chia sẻ bài viết