27/10/2014 - 21:12

KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực đời sống dân sự

* Tăng cường vai trò, trách nhiệm trong hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân

(TTXVN)- Sáng 27-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ, B ộ luật dân sự năm 2005 sau hơn 9 năm thi hành đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của chủ thể trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động...

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48 - NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; đặc biệt là yêu cầu về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 thì Bộ luật dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được sửa đổi.

Việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm xây dựng Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Dự thảo Bộ luật có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều. Bộ luật dân sự quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật dân sự và tán thành nhiều nội dung của dự thảo.

Ủy ban pháp luật cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật này. Theo đó sau khi Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1-2015 đến tháng 3-2015. Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Cũng trong buổi làm việc sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

* Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Đa số các đại biểu đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc và bổ sung các ý kiến đóng góp của đại biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và cho rằng dự án Luật sẽ khắc phục cơ bản những khó khăn vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; tạo điều kiện cho Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng theo quy định tại Hiến pháp 2013. Dự án Luật sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi sai phạm trong hoạt động tư pháp; bảo đảm chính xác, khách quan, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm...

Nhiều đại biểu Quốc hội còn thể hiện sự băn khoăn đối với quy định về chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.

Trong buổi chiều, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về số lượng Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; về quy định tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; về phân biệt giữa quyền kháng nghị và kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp...

Chia sẻ bài viết