03/11/2009 - 06:27

Xung quanh thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Colombia

 

Ngoại trưởng Colombia Jaime Bermudez (thứ hai từ phải qua) và Đại sứ Mỹ tại Colombia William Brownfield ký thỏa thuận hôm 30-10. Ảnh: AP

Ngày 30-10, Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Jaime Bermúdez và Đại sứ Mỹ tại Bogota, William Brownfield, đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, một văn bản gây nhiều tranh cãi và căng thẳng trong khu vực trong nhiều tháng qua. Dù ông Brownfiled hôm 1-11 đã lên tiếng chấn an dư luận Colombia và các nước láng giềng rằng văn kiện này chỉ là bước tiếp nối mối quan hệ hợp tác song phương sẵn có trong lĩnh vực chống buôn lậu ma túy và chống khủng bố, nhưng nhiều chính phủ Nam Mỹ cho rằng đây chỉ là cái cớ để Mỹ can thiệp quân sự sâu hơn vào khu vực này.

Theo thỏa thuận có hiệu lực 10 năm vừa được ký kết, Washington có quyền tăng cường sự hiện diện lên tới 1.400 người tại 7 căn cứ quân sự ở Colombia. Cụ thể, khoảng 800 binh sĩ và 600 nhà thầu dân sự Mỹ được phép vào Colombia. Trả lời nhật báo El Tiempo của Colombia hôm 1-11, Đại sứ Mỹ tại Colombia William Brownfield nói rằng Washington không có kế hoạch tham gia các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Colombia. Theo ông Brownfield, quân đội Colombia là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất tại Nam Mỹ, vì vậy không cần sự hỗ trợ của Mỹ trong hoạt động trên lãnh thổ nước mình.

Tuy nhiên, tại Colombia, thỏa thuận trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, nhất là sau khi chính quyền Tổng thống Alvaro Uribe từ chối trình văn bản này lên Quốc hội và Tòa án Hiến pháp. Những người phản đối chỉ ra rằng căn cứ chiến lược của Mỹ ở Palanquero có đường băng dài 3,5 km được thiết kế dành cho máy bay vận tải lớn, trong khi Mỹ không cần thiết có các hoạt động lớn như vậy ở Colombia. Thực chất, căn cứ này là nơi để Mỹ tiến hành hoạt động do thám các nước láng giềng. Bên cạnh đó, theo những người phản đối, từ năm 2000 tới nay, thông qua “Kế hoạch Colombia”, Mỹ đã viện trợ 6 tỉ USD cho Colombia để chống buôn lậu ma túy, nhưng vấn nạn này không hề suy giảm. Hiện Colombia vẫn là nhà sản xuất cocain lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ là thị trường tiêu thụ số một chất gây nghiện này.

Thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Colombia cũng làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Nam Mỹ. Có chung đường biên giới với Colombia, nên Venezuela, Ecuador, Brazil, Peru và Panama không chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đây. Họ cho rằng Washington đang dùng chiêu bài chống buôn lậu ma túy để tăng cường hoạt động quân sự tại khu vực. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) tại Ecuador hồi tháng 8 năm nay, các nước Nam Mỹ đã phản đối thỏa thuận an ninh giữa Mỹ và Colombia, vì lo ngại rằng lực lượng quân sự nước ngoài có thể đe dọa chủ quyền quốc gia của các nước trong khu vực. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cảnh báo rằng sẽ có một “cơn lốc chiến tranh” khắp châu lục. Còn Tổng thống Brazil Lula da Silva và Tổng thống Chile Michelle Bachelet thì nhận định những hành động của Mỹ có thể sẽ gây căng thẳng và tạo ra những xung đột mới ở khu vực Mỹ La-tinh. Ecuador đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và Venezuela hạn chế thương mại song phương với Colombia.

N. MINH (Theo THX, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết