18/03/2018 - 07:09

Vấn nạn lao động nước ngoài bị bóc lột ở Jordan 

Theo CNN, cơ quan tuyển dụng của Al-Maeda đã giúp chị tìm được việc làm trong một gia đình người Jordan sống ở một thị trấn gần biên giới Syria. Tại đây, chị phải làm việc nhà đến 17 tiếng/ngày. Tháng đầu chị nhận được 500 USD, hai tháng sau chỉ nhận được 300 USD và sau đó không nhận được lương nữa. Gia đình nơi chị làm việc phân trần rằng họ đang gặp rắc rối về tài chính và sẽ trả lương cho chị ngay sau khi họ có tiền nhưng chị đã đợi chờ trong vô vọng.

Al-Maeda kể lại chuỗi ngày đau khổ ở Jordan với CNN. Ảnh: CNN
Al-Maeda kể lại chuỗi ngày đau khổ ở Jordan với CNN. Ảnh: CNN

Al-Maeda nói rằng chị không dám ra ngoài và cũng không dám tìm ai giúp đỡ. Do đó, chị phải mất tận 9 năm để đủ can đảm thoát khỏi gia đình đó. Song, mọi việc dường như “trở mặt” với chị khi mà giấy phép làm việc và giấy tạm trú đã hết hạn trong khi số tiền phạt ngày một tăng lên, khiến chị trở thành lao động bất hợp pháp. Tháng 11 năm ngoái, chị bị trục xuất về Philippines. Trả lời phỏng vấn của CNN mới đây, Al-Maeda nói rằng chị thấy mình như một nô lệ. Al-Maeda cho biết những gì đã trải qua ám ảnh chị ngay cả trong giấc ngủ.

Trường hợp như Al-Maeda không phải là hiếm. Các nhóm nhân quyền đã ghi nhận nhiều trường hợp người lao động nước ngoài không được trả lương đúng hạn; một số bị các nhà tuyển dụng lừa gạt; số khác thậm chí bị chủ nhốt trong nhà, bị buộc phải làm việc tới 20 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần. Theo các nhóm nhân quyền, việc người lao động bị chủ nhà giữ lại hộ chiếu và bị hạn chế đi lại là rất phổ biến.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy hơn 50.000 lao động nhập cư giúp việc nhà tại Jordan cũng như khoảng 20.000 lao động khác không có giấy tờ hợp pháp. Trong đó, đa số đến từ Nam Á, Đông Nam Á và Đông Phi, với mức lương hàng tháng dao động từ khoảng 200-500 USD, làm đủ việc từ lau dọn nhà, nấu ăn, giặt ủi đến làm vườn và giữ trẻ.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về nạn buôn người năm 2017, Jordan được xếp hạng thứ 2 trong danh sách các nước không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu đối với việc loại bỏ nạn buôn người. Song, nước này đang có những nỗ lực đáng ghi nhận. Ngoài việc thành lập cơ quan phòng chống buôn người, Chính phủ Jordan còn mở Dar Karama - nơi trú ẩn dành cho các nạn nhân. “Dar Karama được xem là bước đầu tiên trong việc giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn người. Nó mang đến cho họ một không gian an toàn với tất cả các dịch vụ hỗ trợ nhằm cho phép họ bắt đầu phục hồi về mặt tâm lý và thể chất, giúp họ nâng cao lòng tự trọng, ngăn họ trở thành nạn nhân của nạn buôn người một lần nữa” - Suzan Koshbay, người đứng đầu cơ quan phòng chống buôn người thuộc Bộ Phát triển Xã hội Jordan, nói với CNN. Hiện Jordan cũng đang nỗ lực sửa đổi luật chống buôn người cũng như luật hình sự nhằm tăng án phạt đối với những kẻ buôn người.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Jordan