09/05/2016 - 21:09

TẠO ĐIỀU KIỆN HOÀN CHỈNH CHUỖI CON TÔM

 

Tại buổi họp báo công bố Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ nhất năm 2016 (VietShrimp 2016), do Hội Nghề cá Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức vừa qua tại tỉnh Bạc Liêu, Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), Phó Ban Tổ chức, Trưởng Ban khoa học VietShrimp 2016, cho biết:

- Trước tiên, tôi có thể khẳng định: VietShrimp 2016 có tính chuyên nghiệp cao hơn các hội chợ triển lãm hay hội thảo chuyên ngành tôm trước đây. Bởi vì những hội thảo hay hội chợ triển lãm ngành tôm trước đây thường chỉ tập trung vào một hay vài vấn đề riêng lẻ, không mang tính liên hoàn và không giải quyết đến tận cùng những vấn đề then chốt mà ngành tôm muốn hướng tới. VietShrimp 2016 là một chuỗi các chương trình tổng hợp với sự tham gia của tất cả các khâu trong chuỗi con tôm để tập trung giải quyết tất cả các vấn đề then chốt, nhất là những hạn chế trong phát triển của ngành tôm thời gian qua.

Dù đây là lần đầu tiên tổ chức, nhưng tôi tin VietShrimp 2016 sẽ thành công. Bởi đây không chỉ là hội chợ triển lãm đơn thuần, mà còn là diễn đàn để tất cả các bên liên quan trong chuỗi con tôm có thể chia sẻ thông tin khoa học công nghệ, thị trường cũng như kinh nghiệm trong và ngoài nước trong lĩnh vực con tôm.

*Doanh nghiệp và người nuôi tôm sẽ tìm được những gì mình mong muốn ở VietShrimp 2016, thưa Tiến sĩ?

- Tại VietShrimp 2016, doanh nghiệp và người nuôi tôm không những được tận mắt nhìn thấy, mà còn được tiếp cận với những công nghệ, thiết bị tiến bộ của ngành tôm kể cả trong và ngoài nước. Từ đó sẽ có nhận thức và thực hành tốt hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tại VietShrimp 2016, doanh nghiệp được tiếp cận gần hơn với nông dân, thông qua những sản phẩm, công nghệ của mình, giúp việc tiếp cận và mở rộng thị trường được dễ dàng hơn. Ngược lại, người nuôi tôm cũng được thấy, được tiếp cận trực tiếp những công nghệ, sản phẩm mới có chất lượng cao, để có thêm nhiều chọn lựa phù hợp với nghề nuôi và xu hướng phát triển của ngành tôm. Hay nói cách khác, VietShrimp 2016 chính là diễn đàn để doanh nghiệp và người nuôi tôm giao tiếp với nhau, tiến tới mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại một doanh nghiệp, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

* Chất thải đổ đi đâu khi nuôi tôm công nghiệp đang là bài toán khá nan giải của các địa phương nuôi tôm. Quan điểm của Tiến sĩ về vấn đề này như thế nào và VietShrimp 2016 có hoạt động hay nội dung nào liên quan đến vấn đề này không?

- Như trên tôi đã nói, VietShrimp 2016 quy tụ rất nhiều nhà khoa học trên các lĩnh vực liên quan đến con tôm; trong đó, có vấn đề về xử lý môi trường. Vì vậy, VietShrimp 2016 cũng sẽ có những bài tham luận về các phương pháp xử lý chất thải, nước thải trong quá trình nuôi tôm được đúc kết từ các nước, cùng với đó là những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ cho việc xử lý chất thải. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, những mô hình nuôi tôm công nghiệp mà chúng ta đang gọi hiện nay thật ra chưa thật sự hoàn chỉnh theo đúng nghĩa của nó, nên những quan ngại vấn đề chất thải là có thể hiểu được. Tại các nước nuôi tôm phát triển, mô hình nuôi tôm công nghiệp phải là mô hình tuần hoàn khép kín. Nên chất thải từ nuôi tôm sẽ là nguyên liệu đầu vào cho một ngành khác, như: sản xuất phân hữu cơ hay tạo ra năng lượng điện.

*Lâu nay, chúng ta vẫn thường hay nhắc nói đến chuyện xây dựng chuỗi giá trị con tôm, vậy theo ông, chuỗi giá trị con tôm của chúng ta hiện đang ở cấp độ nào?

- Đúng là chúng ta đang rất muốn xây dựng và cố gắng thực hiện chuỗi giá trị con tôm. Nhưng thật lòng mà nói, cho đến giờ phút này, chúng ta vẫn chưa có được một chuỗi giá trị con tôm đúng, nếu không muốn nói là những nỗ lực vừa qua của các ngành, các cấp đã gần như thất bại. Nhìn vào hoạt động của các bên liên quan của chuỗi rất dễ nhận thấy: mỗi bên đều chỉ biết chú trọng đến quyền lợi riêng của mình, mà ít khi quan tâm đến các thành phần khác của chuỗi. Do đó, ngành tôm của chúng vẫn còn thiếu sự ổn định và chưa thật sự hiệu quả. Chỉ khi nào chúng ta tạo được chuỗi giá trị con tôm đúng nghĩa thì khi đó, các vấn đề liên quan đến ngành tôm, như: con giống, môi trường, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường tiêu thụ… mới được giải quyết một cách căn cơ.

* Vậy phải chăng đó cũng chính là mục tiêu mà Ban Tổ chức VietShrimp 2016 muốn hướng đến?

- Đúng vậy. VietShrimp 2016 chỉ mới là sự khởi đầu, để những lần tổ chức tiếp theo được chu đáo hơn, thu hút được nhiều tổ chức quốc tế tham gia hơn; doanh nghiệp, người nuôi tôm, nhà quản lý có điều kiện hiểu rõ hơn về những tiêu chuẩn, quy định của mỗi thị trường, giúp ngành tôm Việt Nam hội nhập thành công vào thị trường thế giới.

Ban Tổ chức phấn đấu để VietShrimp được tổ chức 2 năm một lần, mỗi lần sẽ là một chủ đề mới có tính thực tiễn cao và thu hút nhiều đối tượng tham gia, đưa VietShrimp không chỉ trở thành hội chợ triển lãm truyền thống chuyên ngành tôm quy mô lớn nhất Việt Nam, mà còn mang tầm quốc tế như Hội chợ triển lãm thủy sản Aqua Nor của Na Uy.

*Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Xuân Trường (thực hiện)

Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ nhất năm 2016 với chủ đề "Hội tụ để phát triển" VietShrimp 2016 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26-6 tại Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương, TP Bạc Liêu. Hội chợ sẽ có 150 gian hàng, thu hút gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất tôm giống, sản xuất thức ăn cho tôm, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, công nghệ, thiết bị, máy móc phục vụ cho ngành tôm; chế biến xuất khẩu; dịch vụ… tham gia.

Đây là Hội chợ Triển lãm chuyên ngành về tôm được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, là cơ hội để giới thiệu thành tựu đã đạt được của ngành tôm, nhằm đánh giá những tiềm năng, cũng như thách thức của ngành tôm thời gian tới…

Chia sẻ bài viết