06/04/2011 - 13:45

Quân đội Mỹ đau đầu với bom vệ đường ở Iraq và Afghanistan

Một binh sĩ Mỹ bị thương do bom vệ đường ở thành phố Ramadi, Iraq.

Tháng 2-2006, trong bối cảnh bom vệ đường ở Iraq cướp đi ngày càng nhiều sinh mạng của binh sĩ Mỹ, Lầu Năm Góc đã quyết định thành lập cơ quan chuyên trách việc tháo gỡ bom mìn mà lực lượng nổi dậy cài khắp các nẻo đường. Nhưng đến nay, dù đã tốn kém biết bao tiền của, lính Mỹ ở Iraq và Afghanistan vẫn hứng chịu nhiều thương vong vì loại vũ khí này.

Cơ quan rà phá bom mìn (JIEDDO) ra đời trực thuộc Bộ Quốc phòng và được giao cho vị tướng 4 sao hồi hưu Montgomery C. Meigs phụ trách. JIEDDO sau đó được mở rộng dần thành một tổ chức lớn với 1.900 nhân viên và tiêu tốn gần 17 tỉ USD kinh phí cho hàng trăm dự án lớn nhỏ. Tuy nhiên, các công nghệ do JIEDDO phát minh chưa cải thiện khả năng của quân đội Mỹ trong việc phát hiện bom vệ đường, đặc biệt là ở khoảng cách từ xa. Việc phát hiện chất nổ hữu hiệu nhất vẫn là các phương pháp truyền thống như dùng chó nghiệp vụ, nhờ dân địa phương hoặc chính các binh sĩ chỉ điểm.

Đánh giá 5 năm hoạt động của JIEDDO, Trung tâm liêm chính công của Mỹ cho rằng JIEDDO đã vi phạm quy tắc kế toán của chính mình là tiêu tiền quá nhiều và không rút kinh nghiệm từ các dự án thất bại để tránh giẫm lên vết xe cũ. Ngoài ra, cơ quan này còn mạnh tay đầu tư tiền của vào những dự án chẳng mấy dính dáng gì tới nhiệm vụ chính của nó. Ví như, năm ngoái, JIEDDO chi 400 triệu USD để bảo vệ lục quân và 24,6 triệu USD để thuê các công ty tư nhân làm tình báo cho Mỹ ở Afghanistan. Văn phòng Kiểm toán Chính phủ còn phanh phui vụ JIEDDO báo cáo khống về khoản chi gần 800 triệu USD khác.

Trong khi đó, bom vệ đường vẫn là “sát thủ” nguy hiểm nhất đối với các lực lượng của Mỹ không chỉ tại Iraq mà còn ở Afghanistan. Tại Afghanistan, chỉ trong năm 2010, những quả bom cài dưới mặt đất đã lấy đi sinh mạng của 398 lính liên quân, mức thương vong hàng năm cao nhất kể từ khi Lầu Năm Góc phát động cuộc chiến tại quốc gia Nam Á này năm 2001.

Trung tướng Michael Oates, giám đốc thứ ba của JIEDDO vừa từ chức, thừa nhận cơ quan này có những sai lầm nhưng điều đó là không tránh khỏi vì việc chế tạo thiết bị gỡ bom quá gấp gáp. Ông chống chế rằng việc chi tiền vào các dự án thiếu hiệu quả của JIEDDO không phải là “lãng phí”, mà chỉ là những “thử nghiệm mạo hiểm”.

Một trong những dự án “chẳng đi đến đâu” của cơ quan này là xe gỡ bom JIN. Theo các nhà chế tạo, loại xe này có thể bắn ra tia laser siêu ngắn với dòng điện 500.000 volt, giúp vô hiệu hóa ngòi nổ của bom mìn. Năm 2005, dự án này đã được duyệt chi 30 triệu USD mặc cho các nhà khoa học Mỹ hoài nghi nó không hoạt động được trong môi trường đất ẩm và bụi bặm. Năm 2006, JIN thật sự gây thất vọng khi không leo lên được địa hình dốc đứng, và lại gặp các trục trặc kỹ thuật khác. Ngay khi JIN vừa được trình làng ở Iraq, một trang web của phe nổi dậy đã đăng tải cách phá hủy, khiến nó nhanh chóng được chở ngược về Mỹ.

Theo ông Dan Goure - cựu quan chức quốc phòng tại Iraq kiêm phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Lexington, những thiết bị do JIEDDO sáng chế chưa bao giờ phát hiện được bom vệ đường từ xa, kể cả các thiết bị hiện đại như radar gắn trên máy bay, hay thiết bị “đánh hơi” các thành phần đạn dược... Được biết, JIEDDO cũng đã chi đến 3 tỉ USD chỉ riêng cho dàn thiết bị gây nhiễu sóng các quả bom điều khiển bằng vô tuyến của đối phương, trong đó chỉ có một dự án hiếm hoi thành công. Các nhà phân tích cho rằng có một nghịch lý là những dự án được đánh giá tiềm năng lại không được JIEDDO tài trợ nghiêm túc, chẳng hạn như xe bọc thép chống phục kích MRPA đang sử dụng tại Afghanistan.

Trung tướng Michael Barbero, tân giám đốc JIEDDO, vừa có chuyến thị sát Iraq. Nhiệm vụ sắp tới của ông sẽ là thu thập đầy đủ dữ liệu để xem dự án nào thành công và dự án nào không. Tương lai của JIEDDO chưa rõ có sáng sủa hơn không nhưng trước tình hình này, Quốc hội Mỹ đã đề nghị nên “đóng cửa” nó một khi cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan kết thúc.

BẢO TRÂM (Theo News Observer)

Chia sẻ bài viết