05/06/2011 - 21:08

ĐẢNG BỘ HUYỆN THỚI LAI

Lãnh đạo thực hiện nhiều giải pháp giúp dân phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống

Nông dân huyện Thới Lai chuyển đổi một số diện tích từ trồng 3 vụ lúa/năm sang trồng 2 lúa 1 màu/năm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thới Lai là huyện vùng ven của TP Cần Thơ, được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2009, trên cơ sở chia tách từ huyện Cờ Đỏ. Kế thừa và phát huy những thành quả của Đảng bộ huyện Cờ Đỏ đã đạt được, thời gian qua, Đảng bộ huyện Thới Lai đã nỗ lực lãnh đạo hệ thống chính trị vận động nhân dân thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khấm khá...

Để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có, giúp nhân dân thoát nghèo bền vững, sau khi chia tách, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra Nghị quyết số 06 về việc lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế hộ. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; cải tạo, mương, ao nuôi cá và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng vùng lúa chất lượng cao, kết hợp nuôi trồng thủy sản; đưa cây màu xuống ruộng thay cho vụ lúa hè thu; chuyển đổi một số diện tích đất gò cao sang trồng màu... Để nhân dân phát triển kinh tế theo chủ trương đã đề ra, Huyện ủy đã lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết, trước hết là tiến hành rà soát qui hoạch từng vùng, đầu tư xây dựng và nâng cấp đê bao kiểm soát lũ. Đồng thời, Huyện ủy chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, cách chọn cây, con giống chất lượng cao từng bước chuyển đổi sản xuất.

Từ sự nỗ lực vận động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đến nay nhân dân đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất trên 70% diện tích. Nhiều hộ dân cũng mạnh dạn chuyển đổi được hàng ngàn ha đất từ sản xuất 3 vụ lúa/ năm sang trồng 2 lúa- 1 màu và 2 lúa 1 cá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đồng chí Trương Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Bình, toàn xã có 2.397 ha đất ruộng. Trước đây, toàn bộ đất ruộng nhân dân sản xuất mỗi năm 3 vụ lúa. Từ năm 2009 đến nay, theo chủ trương của Đảng bộ huyện, Đảng ủy lãnh đạo UBND, các ban, ngành, đoàn thể và các ấp vận động nhân dân chuyển đổi hơn 100 ha ruộng ở vùng đất gò cao sang sản xuất 2 lúa -1 vụ màu, chuyển đổi 1.100 ha ruộng sang sản xuất 2 lúa - 1 cá. Các mô hình sản xuất này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất đạt khoảng 62,3 triệu đồng (tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2005). Từ đó, nhiều hộ gia đình giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Được, một nông dân ở ấp Đông Thới, xã Đông Bình, phấn khởi cho biết:”Gia đình có 5 công ruộng, trước đây chỉ sản xuất lúa, năm nào thất mùa hoặc lúa rớt giá thì gia đình gần như trắng tay, cuộc sống rất khó khăn. 3 năm nay, được sự vận động của chính quyền địa phương, cũng như được sự hỗ trợ về kỹ thuật, sau vụ sản xuất hè thu, tôi nuôi cá trên ruộng, thu lời được từ 20-25 triệu đồng”.

Hiệu quả công tác tuyên truyền vận động của hệ thống chính trị huyện về chủ trương trên cũng thể hiện rõ qua việc ngày càng nhiều hộ dân đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; cải tạo mương, ao nuôi cá và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, mô hình phát triển kinh tế hộ đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Lê Văn Thuấn, Bí thư Đảng ủy xã Định Môn, cho biết: “Hiện xã đã vận động nhân dân cải tạo được 24 ha vườn tạp, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và cải tạo được 74 ha mương, ao nuôi cá. Qua đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định”. Điển hình như hộ ông Lê Văn Hòa, ở ấp Định Phước, trước đây chỉ có 2 công vườn với nhiều loại cây tạp, cho thu nhập không bao nhiêu nên cuộc sống gia đình nghèo khó. Đầu năm 2010, được sự vận động và hướng dẫn của các đảng viên trong chi bộ ấp, ông Hòa chặt bỏ cây tạp trồng ớt, các loại rau xanh, dưới mương cải tạo thả các loại cá chép, điêu hồng, phi, trê... Tính đến nay, mô hình này đã mang lại cho gia đình khoản thu nhập trên 30 triệu đồng. Cuối năm 2010, hộ ông Hòa đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Không riêng ở Định Môn mà các xã, thị trấn trong huyện Thới Lai đều đẩy mạnh phong trào vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, tận dụng tối đa diện tích đất trống, ao mương, mặt nước để trồng hoa màu, nuôi cá. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi xã, thị trấn đã vận động bà con cải tạo được trên 100 ha vườn, ao, mương, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ vận động nhân dân đẩy mạnh việc đưa giống lúa mới vào sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ, đến nay, giá trị sản xuất bình quân mỗi ha đất sản xuất ở huyện Thới Lai đạt trên 60 triệu đồng/ năm (tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2005).

Cùng với việc tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ năm 2009 đến nay, Đảng bộ huyện Thới Lai đã chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động. Theo đồng chí Nguyễn Tùng Sanh, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, 3 năm nay, bình quân mỗi năm toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho trên 6.000 lao động, qua đó đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng ở huyện Thới Lai chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tín chấp cho đoàn viên, hội viên vay vốn từ các ngân hàng để phát triển kinh tế. Hiện nay, các tổ chức đoàn thể trong huyện đang tín chấp cho trên 20.000 đoàn viên, hội viên vay hơn 110 tỉ đồng từ các ngân hàng để phát triển sản xuất. Được đào tạo nghề, có vốn, nhiều đoàn viên, hội viên đã mạnh dạn đầu tư vào buôn bán nhỏ, chăn nuôi, làm vườn... đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như ông Mai Thanh Hùng, hội viên nông dân ấp Thanh Nhung, xã Trường Xuân. Trước đây, gia đình anh Hùng có 4 công ruộng, do người thân bị bệnh, ông phải bán 2 công ruộng lấy tiền trị bệnh. Cuộc sống gia đình ông từ đó rất khó khăn. Đầu năm 2009, được Chi hội Nông dân ấp tạo điều kiện cho gia đình ông Hùng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH), ông đã đầu tư vào chăn nuôi heo, gà, vịt và cá. Với mô hình kinh tế này, mỗi năm ông thu lời từ 30-40 triệu đồng.

Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, các cấp ủy đảng phân công những đảng viên có điều kiện giúp đỡ, hướng dẫn các hộ nghèo trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Đồng chí Nguyễn Văn Trung, Bí thư Chi bộ ấp Định Mỹ, xã Định Môn, kể: “Được đảng ủy và chi bộ phân công giúp đỡ các hộ nghèo trong ấp vươn lên thoát nghèo, tôi và các đảng viên trong chi bộ đã tích cực hỗ trợ hội nông dân xã khảo sát và lập dự án đề nghị tín chấp cho 45 hộ nghèo, cận nghèo trong ấp vay hơn 252 triệu đồng từ NHCSXH. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên đến hướng dẫn các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, ứng dụng đúng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ năm 2009 đến nay, trong ấp đã có 10 hộ thoát nghèo”.

Nhờ đề ra nhiều giải pháp đồng bộ giúp dân phát triển kinh tế, 3 năm qua, trung bình mỗi năm huyện Thới Lai đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ của huyện còn 8,49% (năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cờ Đỏ cũ chiếm đến 17,13%). Đồng chí Huỳnh Ngọc Thạch, Bí thư Huyện ủy Thới Lai, cho biết: “Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra, mỗi năm huyện phấn đấu giảm 1% hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu này, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp trên từng diện tích đất nông nghiệp, quan tâm hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động ngoại thành. Song song đó, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 06 của Huyện ủy về phát triển kinh tế hộ nhằm tạo điều kiện cho những hộ không có đất sản xuất, hộ kinh doanh cũng có thể phát triển kinh tế hộ hiệu quả”.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết