07/02/2013 - 18:50

Hơn 50 nước bị tố “hỗ trợ” hoạt động trái phép của CIA

Nhiều quốc gia bị cho là “hỗ trợ” CIA trong các hoạt động “giam giữ bí mật và biểu hiện lạ thường” đối với những nghi can khủng bố.
Ảnh: salon.com

Theo hãng tin Anh Reuters, tổ chức nhân quyền Sáng kiến Công lý Xã hội Mở (OSJI) có trụ sở ở Mỹ, hôm 5-2 đã công bố một báo cáo cho thấy có đến 54 quốc gia đã “tiếp tay” cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong các chương trình liên quan đến việc giam giữ những nghi can khủng bố tại các nhà tù bí mật ở nước ngoài hoặc dẫn độ họ sang nước khác tra khảo.

Báo cáo có tựa đề “Toàn cầu hóa tra khảo” của OSJI đã tập trung chủ yếu vào các hành vi ngược đãi nhân quyền liên quan đến các hoạt động giam giữ bí mật và “biểu hiện lạ thường” của CIA sau vụ khủng bố kinh hoàng tại New York và Washington vào ngày 11-9-2001. Những thông tin trong báo cáo được cho là dựa trên “các nguồn dư luận đáng tin cậy” và “các tổ chức nhân quyền uy tín”.

“Được vạch ra để thực hiện bên ngoài nước Mỹ dưới những hoạt động bí mật, việc giam giữ bí mật và những biểu hiện lạ thường không thể được tiến hành mà không có sự tham gia tích cực của các chính phủ nước ngoài. Các chính phủ này cũng phải chịu trách nhiệm”- báo cáo của OSJI nêu rõ.

Reuters dẫn báo cáo trên cho rằng “biểu hiện lạ thường” được cho là liên quan đến việc áp tải nghi can đến một nhà tù nước ngoài cho mục đích chất vấn và giam giữ mà không thông qua quá trình xét xử theo đúng thủ tục pháp lý.

Báo cáo của OSJI đã liệt kê những hình thức đối xử đối với 136 cá nhân cũng như nêu rõ cách thức “tiếp tay” của 54 quốc gia đối với các chương trình của CIA. Theo báo cáo, 54 quốc gia đã có những cách thức “giúp đỡ” khác nhau, chẳng hạn như cho CIA đặt nhà tù tại quốc gia của họ, giúp bắt giữ và dẫn độ tù nhân, hay cho phép sử dụng không phận và sân bay, cùng với việc cung cấp những nhân viên tình báo tra khảo. Báo cáo còn cáo buộc Chính phủ Mỹ và hầu hết các quốc gia đồng minh của họ đã không tiến hành các cuộc điều tra hiệu quả đối với hoạt động giam giữ bí mật và “những biểu hiện lạ thường”.

Báo cáo dài 213 trang đã chỉ ra 25 quốc gia ở châu Âu, trong đó có Đức, Anh, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Áo. Trong khi đó, châu Á có đến 14 quốc gia và 13 quốc gia của châu Phi nằm trong “danh sách đen” mà OSJI cho là có liên quan đến hoạt động trái phép của CIA.

Tác giả của báo cáo, bà Amrit Singh cho rằng Anh cùng với 24 quốc gia khác của châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với các vụ kiện tụng trước Tòa án Nhân quyền châu Âu do liên quan đến những hoạt động được cho là “bắt cóc, giam giữ trên toàn cầu và tra tấn” của CIA.

Cụ thể theo báo cáo, Anh đã hỗ trợ cho CIA thực hiện cuộc tra khảo những nghi can đang bị giam giữ bí mật cũng như “bật đèn xanh” cho việc sử dụng các sân bay và không phận tại xứ sở sương mù này. OSJI còn kết luận rằng Anh cũng đã sắp xếp trao trả một người đàn ông có tên Sami al-Saadi cùng với gia đình của ông ta sang Libye, nơi al-Saadi sau đó đã bị tra tấn. Anh cũng bị cho là đã cung cấp thông tin tình báo để CIA thực hiện “phi vụ” thứ hai tương tự như thế.

OSJI cũng sẽ kêu gọi Chính phủ Mỹ từ bỏ các chương trình giam giữ, đóng cửa các nhà tù bí mật còn lại, tăng cường điều tra tội phạm đối với tình trạng ngược đãi nhân quyền và tạo ra ủy ban độc lập nhằm điều tra và công khai báo cáo về vai trò những quan chức trong các trường hợp ngược đãi như trên. Đối với chính phủ các nước khác, OSJI cho rằng nên từ chối tham gia vào hoạt động trái phép trên của CIA.

Phía CIA đã từ chối bình luận trước báo cáo của OSJI.

THANH BÌNH (Theo Reuters, Guardian) 

Quốc hội Mỹ cân nhắc giới hạn các cuộc không kích bằng UAV

Không hài lòng với việc chính quyền Tổng thống Obama sử dụng máy bay không người lái (UAV) ẩn chứa rủi ro chết người, ngày càng nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đang nỗ lực kiềm chế quyền hạn của Chính phủ Mỹ trong việc tiêu diệt những nghi can khủng bố, thậm chí là các công dân của xứ cờ hoa này.

Hồi đầu tuần này, một nhóm 11 Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội đã thúc giục Tổng thống Obama tiết lộ quan điểm mật của Bộ Tư pháp về việc biện minh thời điểm thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố của Mỹ, trong đó có các cuộc không kích bằng UAV, có thể được sử dụng để tiêu diệt những công dân Mỹ ở nước ngoài.

Và thái độ phẫn nộ của nhóm nghị sĩ do các thành viên đảng Dân chủ dẫn đầu nổi lên từ những tiết lộ hôm 4-2 trong bảng ghi nhớ của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy các UAV có thể tấn công vào “một phạm vi đe dọa rộng lớn hơn với ít bằng chứng hơn” so với những gì họ nghĩ trước đó.

Nghị sĩ đảng Dân chủ bang Maryland Steny Hoyer hôm 5-2 nhấn mạnh: “Cần có cái nhìn nghiêm túc về cách thức chúng ta đưa ra quyết định bất kể ngôn từ nào bạn muốn sử dụng để chính phủ thực hiện, giết, loại bỏ, không chỉ đối với công dân Mỹ mà còn những nước khác”.

 

Nhiều quốc gia bị cho là “hỗ trợ” CIA trong các hoạt động “giam giữ bí mật và biểu hiện lạ thường” đố

Chia sẻ bài viết