03/12/2012 - 21:35

TIẾN SĨ TRẦN MẠNH HÙNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC BẠC LIÊU:

Góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng bán đảo Cà Mau

 

Nằm gần cuối vùng cực Nam Tổ quốc, Trường Đại học Bạc Liêu (ĐHBL) được xem là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương và vùng bán đảo Cà Mau. 6 năm qua, trường đã không ngừng đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo. Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội luôn là vấn đề mà lãnh đạo nhà trường đặc biệt quan tâm. Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBL, cho biết:

- So với hơn 10 năm trước, số lượng trường ĐH ở ĐBSCL đã tăng khá cao. Thấy được nhu cầu bức thiết cần có trường ĐH ở vùng bán đảo Cà Mau, lãnh đạo tỉnh đã tham mưu, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương cho phép thành lập Trường ĐHBL, trên cơ sở sáp nhập nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Bạc Liêu. Năm 2006, trường chính thức đi vào hoạt động, trực thuộc UBND tỉnh. Sự ra đời của trường đã giải quyết được vấn đề sinh viên không phải đi học xa, vừa đỡ tốn kém, vừa có sự quản lý chặt chẽ của trường và gia đình; giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số được học tập nâng cao trình độ ngay trên quê hương mình. 6 năm qua, trường đã đầu tư nguồn lực, phát huy khả năng, thế mạnh, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương và ĐBSCL, đặc biệt cho vùng bán đảo Cà Mau.

* Thưa Tiến sĩ, trước tình hình các trường ĐH ngày càng "nở rộ" trong khu vực và cả nước, Trường ĐHBL đã, đang và sẽ có chiến lược như thế nào để tạo lợi thế cạnh tranh?

Giờ thực hành tin học của thầy trò Trường ĐH Bạc Liêu. Ảnh: B.NG

- So với các trường ĐH khác trong vùng, ĐHBL có thể nói còn khá non trẻ. Thế nhưng, khi mới thành lập, trường được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo địa phương, hỗ trợ nguồn lực từ các trường bạn, nhất là ĐH Cần Thơ. Trường được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường cao đẳng sư phạm, có cơ sở vật chất và con người khá mạnh. Vì thế, khi đi vào hoạt động, nguồn lực của trường cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ giảng dạy. Về yếu tố "cạnh tranh", tôi nghĩ, không riêng gì Trường ĐHBL mà hầu hết các trường đều quan tâm đến "thương hiệu"- yếu tố sống còn của một trường ĐH. Để xây dựng được thương hiệu, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải có đội ngũ giảng viên đủ mạnh. Do đó, ngay khi mới thành lập, chúng tôi đã xây dựng đề án đào tạo đội ngũ giảng viên. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường không ngừng phát triển. Năm đầu thành lập, trường chỉ có 30 thạc sĩ, 2 tiến sĩ. Hiện nay, trường có hơn 280 cán bộ, giảng viên, công nhân viên; trong đó có 5 tiến sĩ, hơn 100 thạc sĩ và 13 nghiên cứu sinh. Năm đầu, trường chỉ đào tạo 4 ngành, thì nay có 11 ngành ĐH, 6 ngành cao đẳng (CĐ), với 5.200 sinh viên.

Ngoài ra, trường còn tranh thủ các nguồn lực, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học... Trường đã và đang thực hiện nhiều dự án xây dựng phòng thí nghiệm, khu ký túc xá, phòng học; chỉnh trang 2 cơ sở, đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo…, với kinh phí đầu tư hàng chục tỉ đồng.

* "Đầu ra" luôn là vấn đề băn khoăn của các trường, Trường ĐHBL đã có cách làm như thế nào nhằm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội?

- Như trên đã nói, "thương hiệu" là yếu tố sống còn của trường. "Thương hiệu" chính là "sản phẩm" của trường làm ra phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Lợi thế của trường có được đội ngũ giảng viên lâu năm, giàu kinh nghiệm của Trường Cao đẳng sư phạm (cũ), Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; cùng với lực lượng giảng viên trẻ được đào tạo chính quy bài bản về chuyên môn, giàu lòng nhiệt huyết, am hiểu thực tế… Đây chính là tiền đề quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, trong khung chương trình đào tạo, luôn có từ 30%-40% để các trường linh hoạt đưa vào chương trình đào tạo những học phần phù hợp với tình hình thực tế địa phương, giúp sinh viên ra trường thích ứng với công việc thực tế. Ví dụ, một số trường đều có đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản, nhưng chương trình học của ngành này ở Trường ĐHBL sẽ khác so với các trường khác, bởi Trường ĐHBL sẽ đưa vào chương trình các học phần về loài cá nước ngọt, lợ và mặn…

Ngoài ra, qua thống kê hằng năm của trường, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường luôn đạt gần 100%, trong đó trên 40% sinh viên đạt loại khá, giỏi. Qua khảo sát của trường, có khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, phát huy được chuyên môn, nghề nghiệp đào tạo và hầu hết được đơn vị sử dụng đánh giá cao.

* Sắp tới, trường có định hướng ra sao để thực sự phát triển bền vững?

- Mục tiêu mà Trường ĐHBL đang hướng đến là sẽ trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao; là đơn vị nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ cho vùng bán đảo Cà Mau và ĐBSCL. Để làm được việc này, trường tích cực đổi mới công tác quản lý, hoàn thiện hơn nữa học chế tín chỉ để nâng cao chất lượng đào tạo. Đi đôi với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường sẽ tiếp tục xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Phấn đấu đến năm 2015, trường đạt 10 - 15% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 85% có trình độ thạc sĩ. Lãnh đạo trường đang thực hiện các thủ tục để xây dựng cơ sở vật chất tại khu đất có diện tích 107 ha đã được UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhà trường trong tương lai. Đồng thời, trường sẽ mở rộng qui mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; triển khai các chương trình hợp tác giữa trường với các đơn vị, tổ chức cho giảng viên và sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; công bố cam kết chất lượng đào tạo để tạo "thương hiệu" và niềm tin trong xã hội…

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Bích Ngọc (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết