12/10/2008 - 10:40

Chăm sóc người cao tuổi

Cần sự động viên và chia sẻ

Người cao tuổi được ví như vốn quí của xã hội bởi những cống hiến của họ cho các thế hệ cháu con. Cùng với quá trình tích tuổi là quá trình tích bệnh; tuổi càng lớn, sức khỏe càng suy giảm bởi bệnh tật. Khi người cao tuổi bị bệnh, vấn đề không phải chỉ điều trị bằng thuốc mà đi kèm đó phải là sự quan tâm, động viên, chăm sóc chu đáo. “Tâm dược” sẽ giúp người cao tuổi mau bình phục, sống lâu, sống khỏe hơn.

Ở Khoa Nội C- Cơ xương khớp, Bệnh viện Y học Cổ truyền Cần Thơ, ông Võ Tấn Hiệp, 68 tuổi, ở xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ, đang vui vẻ trò chuyện với các bệnh nhân khác. Nhìn ông, không ai nghĩ trước đó một tuần, ông ngồi dậy không nổi bởi cột sống và đôi chân luôn bị đau nhức. Ngày 1-10-2008, ông Hiệp được đưa vào bệnh viện điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị thoái hóa cột sống. Ông Hiệp kể: “Khi còn trẻ, tui làm việc nặng nên giờ mới bị bệnh như vầy. Tui có đi bệnh viện huyện điều trị nhưng không khỏi. Bác sĩ khuyên nên châm cứu và uống thêm thuốc nam, nên mấy đứa con đưa tui đến bệnh viện này. Mới điều trị được 1 tuần mà tôi đã thấy khá nhiều rồi”. Ông Hiệp nằm viện, con gái thứ ba của ông theo chăm sóc, lo lắng từng bữa ăn, cữ thuốc, động viên, an ủi ông. Nhờ vậy, ông đỡ buồn và mau khỏe hơn.

Cách phòng ông Hiệp vài phòng, bà Phạm Hồng Hoa, 75 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đang được anh Đặng Văn Mười, điều dưỡng trưởng khoa của bệnh viện châm cứu. Thỉnh thoảng, anh Mười hỏi bà Hoa: “Con đang tăng dòng điện, bà thấy hơi mạnh thì nói để con giảm lại”. Vừa nói, anh vừa điều chỉnh máy châm cứu, còn bà Hoa thì thở nhè nhẹ, dường như dễ chịu hơn... Anh Mười cho biết: “Bà Hoa bị thoái hóa cột sống nhiều năm. Đây là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Châm cứu giúp bệnh nhân giảm đau và dễ chịu hơn”.

Nhân viên điều dưỡng của Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, đang khám cho bệnh nhân cao tuổi. 

Theo thống kê của Bệnh viện Y học Cổ truyền Cần Thơ, chỉ tính riêng quí III-2008, có trên 16.400 lượt bệnh nhân đến khám bệnh. Trong đó, có trên 13.000 bệnh nhân cao tuổi, chiếm khoảng 80% tổng số bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân cao tuổi nhập viện do: di chứng tai biến mạch máu não, tiểu đường, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, suy nhược cơ thể mãn tính,... Phần lớn bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Cần Thơ đều đã qua điều trị tây y.

Bác sĩ Phạm Gia Nhâm, Trưởng khoa Nội C- Cơ xương khớp, cho biết: “Đặc thù của khoa là điều trị các bệnh viêm, thoái hóa cột sống... Khi hồi phục sức khỏe về nhà, bệnh nhân phải kết hợp thêm tập luyện thể dục đúng cách và nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý. Chẳng hạn như, vận động vừa sức, ăn đủ chất dinh dưỡng... Tuy nhiên, quan trọng nhất với bệnh nhân cao tuổi là tinh thần nên gia đình người bệnh phải quan tâm, chăm sóc và động viên thường xuyên”.

Đó cũng là nhận định của bác sĩ Phạm Thị Kim Hoa, Trưởng Khoa Nội Tim mạch- Lão học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Bác sĩ Hoa nói: “Bác sĩ, điều dưỡng... theo dõi điều trị bệnh, cũng động viên, khuyến khích tinh thần, giúp người bệnh mau bình phục, nhưng không thể bằng sự chăm sóc của người thân, gia đình. Chính sự quan tâm, động viên của con cháu là một trong những “liều thuốc” giúp người cao tuổi vượt qua bệnh tật, sống khỏe hơn, thọ hơn”.

Bị tai biến, ông Nguyễn Văn Lái, 81 tuổi, quê ở Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, nhập viện Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ vào ngày 6-10-2008, trong tình trạng đau đớn, tay phải và chân phải không cử động được. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe của ông đã khá hơn. Hai người con của ông dù bận bịu nhưng cũng gác lại công việc, túc trực ở bệnh viện, chăm sóc ông. Ông Lái nói: “Vài ngày trước, tôi nói chuyện không nổi, lưỡi như đuối lại. Nhờ bác sĩ tận tình, con hiếu thảo mà tôi đã khỏe hơn. Tôi chỉ mong mau hết bệnh về nhà để con đỡ cực”.

Theo thống kê của Khoa Nội Tim mạch- Lão học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận trên 2.470 lượt bệnh điều trị nội trú. Trong đó, khoảng 2/3 bệnh nhân là người cao tuổi. Bác sĩ Phạm Thị Kim Hoa cho biết: “Đối với bệnh nhân lớn tuổi, chúng tôi luôn quán triệt tinh thần bác sĩ không chỉ là người chữa bệnh mà còn phải là nhà tâm lý. Tức là, bác sĩ phải giải thích rõ ràng, thông cảm, chia sẻ và động viên tinh thần người bệnh, giúp người bệnh có thêm tinh thần, vượt qua bệnh tật”.

Có thể nói, trong việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân cao tuổi không đơn giản là dùng thuốc mà phải phối hợp với “tâm dược”. Ai cũng biết điều này. Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng được như ông Lái, ông Hiệp... Nhiều gia đình neo đơn, khi ông bà, cha mẹ bị bệnh, con cháu vì bận bịu công việc, gia đình riêng nên không thể chăm sóc chu đáo, thường xuyên. Tâm lý bị bỏ rơi cộng với mặc cảm già yếu không còn có ích cho con cháu khiến người cao tuổi khi mắc bệnh thường suy sụp rất nhanh về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố nên thành lập nơi nghỉ dưỡng cho người cao tuổi để các cụ ông, cụ bà có nơi giải trí, tập luyện thể thao, được chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ... Như vậy, tinh thần các cụ sẽ khỏe mạnh, phấn chấn, tuổi thọ sẽ kéo dài hơn và con cháu của các cụ cũng có thể yên tâm, làm việc tốt hơn.

Bài, ảnh: B.NGỌC

Chia sẻ bài viết