13/03/2014 - 22:38

ÔNG NGUYỄN PHONG QUANG, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO TÂY NAM BỘ:

Cần sớm điều chỉnh, sửa đổi bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với đặc điểm các vùng, miền

Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), vùng ĐBSCL đã đạt được một số kết quả quan trọng; đời sống nhân dân trong vùng được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết:

- Đến cuối năm 2013, các địa phương đã thành lập bộ máy chỉ đạo, quản lý chương trình từ cấp tỉnh đến huyện, xã; 1.230 xã đã hoàn thành quy hoạch chung; đầu tư xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh và nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư; bước đầu đã hình thành vùng sản xuất tập trung hàng hóa lớn trong nông nghiệp, làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác của nông dân. Hiện toàn vùng có trên 33 ngàn tổ hợp tác trong nông nghiệp, hàng trăm ngàn héc-ta lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; hình thành quan hệ sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi hàng hóa… Việc thực hiện NTM đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của vùng (giai đoạn 2011-2013 trên 388.000 tỉ đồng). Lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái đạt mức tăng trưởng đáng kể; sản lượng lúa tăng từ 22,7 triệu tấn năm 2011 lên 24,8 triệu tấn năm 2013, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và chiếm khoảng 62% giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước. Sản lượng thủy sản tăng từ 3 triệu lên 3,4 triệu tấn, chiếm 54% sản lượng thủy sản cả nước.

3 năm qua, toàn vùng đã huy động 124.340 tỉ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Trong đó, tài trợ của doanh nghiệp là 5.313 tỉ đồng, đóng góp của dân cư là 21.345 tỉ đồng. Thông qua nhiều nguồn lực đầu tư trên địa bàn, đến nay đã có 19 trong tổng số 1.269 xã trong vùng đạt 19 tiêu chí NTM, 568 xã đạt từ 10 đến 18 tiêu chí; bình quân đạt 9,23 tiêu chí NTM. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên. Trong 3 năm qua, thu nhập bình quân đầu người tăng từ khoảng 26 triệu đồng lên gần 35 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo từ 11,76% hiện giảm còn 7,24%; 98% hộ có điện sinh hoạt. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 14% so năm 2011. Giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng yêu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản, làm tăng năng suất lúa, diện tích nuôi thủy sản, đảm bảo tưới tiêu, dẫn nước ngọt, kiểm soát mặn, ngăn lũ...

Để góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này và theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các viện, trường xây dựng Đề án về phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản và nâng cao năng lực cho nông dân, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ còn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Quy chế liên kết vùng ĐBSCL, giai đoạn 2013 – 2020, trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của vùng.

Hệ thống giao thông xã Trung An, huyện Cờ Đỏ khang trang hơn sau 3 năm xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: T.TRINH

* Tại ĐBSCL, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) được chọn làm huyện điểm của cả nước trong xây dựng NTM. Vậy, xây dựng NTM cấp huyện ở Phước Long đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

-Vùng ĐBSCL có An Giang là tỉnh điểm và huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu là một trong 5 huyện điểm về xây dựng NTM. Năm 2011, các xã của huyện Phước Long được ngân sách Trung ương hỗ trợ 670 triệu đồng/xã, trong giai đoạn 2012 - 2013 được hỗ trợ 1 tỉ đồng/xã để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng trên địa bàn xóm, ấp. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Phước Long đã có những cách làm sáng tạo, như: Huyện lấy việc xây dựng hộ gia đình làm hạt nhân để thực hiện chương trình; phát động phong trào Toàn dân xây dựng gia đình NTM trên địa bàn, vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động để xây dựng đường, hiến đất trên 346.250m2. Hiện toàn huyện có khoảng 3.900 hộ gia đình đạt 13 tiêu chí gia đình NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm. 60 ấp có nhà văn hóa ấp. Huyện có xã Vĩnh Thanh đạt 19/19 tiêu chí NTM; kế hoạch đến cuối năm 2014 sẽ công nhận thêm 4 xã NTM nữa là Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B, Phước Long và Hưng Phú, các xã còn lại đều đạt từ 12 tiêu chí trở lên (cao hơn bình quân chung của vùng).

* Bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình triển khai xây dựng NTM trong vùng còn tồn tại, khó khăn gì và những giải pháp trọng tâm nào để tháo gỡ, thưa ông?

- Hiện toàn vùng còn 13% xã chưa lập đề án NTM. So với cả nước, một số tiêu chí về giao thông nông thôn, nước sạch, cơ sở văn hóa của vùng còn đạt thấp. Thu nhập chính của nông dân trong vùng là cây lúa, nuôi thủy sản nhưng thời gian gần đây giá lúa, cá tra có xu hướng giảm, thiếu bền vững. Hợp tác sản xuất có phát triển nhưng còn chậm, sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng còn hạn chế. Một số chính sách ban hành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vùng còn cao. Nguồn vốn đầu tư của Trung ương ít trong khi 90% doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc kêu gọi tài trợ cho chương trình còn hạn chế…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Chính phủ cần có chủ trương tái cơ cấu hoặc hình thành các tập đoàn kinh tế trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản như thành lập Tổng Công ty Thủy sản, Tập đoàn Lương thực Việt Nam để đủ sức gắn kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân lâu dài, ổn định. Tăng tỷ trọng đầu tư đối với nông nghiệp và có chính sách đầu tư đặc biệt cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu; điều chỉnh, sửa đổi bộ tiêu chí NTM cho phù hợp với đặc điểm các vùng, miền; cần sớm ban hành hệ thống các chính sách toàn diện về chương trình NTM để tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc xác định các nguồn lực, cơ cấu nguồn vốn, mức độ đóng góp của dân cho hợp lý, phù hợp điều kiện của nông dân ở từng địa phương. Các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, trong đó xác định rõ liên kết vùng trong nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng.

* Xin cảm ơn ông!

BL-LN

Chia sẻ bài viết