25/09/2017 - 22:01

Cần một quyết sách mới cho Đồng bằng sông Cửu Long 

THU HÀ- LÊ KHÁNH (ghi)

Ngày 20-1-2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001 - 2010 (gọi tắt là Nghị quyết 21). Đây được xem là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng phát triển. Nhưng sự phát triển của vùng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. ĐBSCL đang cần một quyết sách mới. Lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có cuộc trao đổi với Báo Cần Thơ trước “Hội nghị Diên Hồng” ngày 26 - 27/9.

Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Chính sách đặc thù phải đủ mạnh

Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị (khóa IX) là một Nghị quyết đúng đắn, định hướng riêng cho sự phát triển của cả vùng ĐBSCL. Tôi nhớ, ngày 14-7-2011, Trung ương đã tổng kết Nghị quyết 21. Tại đây, nhiều vấn đề cốt yếu của ĐBSCL được đưa ra, bàn thảo khá kỹ, nhiều nội dung, giải pháp cũng được nêu lên khá toàn diện. Đến nay, về mặt bằng chung vùng đã có những bước tiến rất tích cực, nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa giải quyết hết được.

Các tỉnh, thành ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang đều kỳ vọng rất nhiều vào Hội nghị lần này, với hy vọng sẽ có một quyết sách căn cơ, đột phá cho vùng ĐBSCL cất cánh. Tôi hy vọng nhiều nhất là 2 vấn đề. Đó là: Có giải pháp hiệu quả hơn để ĐBSCL thích ứng BĐKH. Có một cơ chế riêng, đủ mạnh để đầu tư phát triển đồng bộ cho vùng; trong đó có quyết sách ưu tiên cần thiết để tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển công nghiệp chế biến.

Vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thích ứng với BĐKH là yêu cầu tất yếu của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Hậu Giang cũng đã có một số bước đi rất cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp. Một số đề án phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững như: Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Đề án 1000), với mục tiêu chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây có giá trị kinh tế và thích ứng BĐKH; Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; Đề án trạm bơm điện…

Nhìn chung, các mô hình, đề án của Hậu Giang thời gian qua đã đem lại kết quả bước đầu khả quan. Song, để nhân rộng, tăng sức phổ biến thì cần một khoảng thời gian thử nghiệm dài hơn như: sản xuất lúa bằng phân hữu cơ; nuôi tôm sú – trồng lúa vùng ngoài đê bao, sản xuất rau an toàn,… Trong đó, có những việc không thể tự Hậu Giang làm được mà phải có sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của Trung ương, của các tỉnh, thành trong khu vực thì mới đủ lực chuyển phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu.

Cũng thẳng thắn nhìn nhận, với nguồn lực có hạn nên dường như mức đầu tư của Trung ương cho vùng thời gian qua chưa tạo được một động lực đủ lớn để vực dậy ĐBSCL – “kho lương thực của Quốc gia”. Việc kết nối của vùng thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chính phủ phải có một quy hoạch tổng thể, với những kết nối mang tính tổng hợp từ quy hoạch của các tỉnh, thành, các bộ, ngành đối với ĐBSCL kết hợp với một chính sách đặc thù đủ mạnh thì việc kết nối mới thật sự bền chặt hơn.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Kỳ vọng vào sự "kiến tạo" từ Chính phủ

Câu chuyện tiềm năng và những đóng góp của ĐBSCL cho quốc gia đã được khẳng định. Những “điểm nghẽn”, “nút thắt” của đồng bằng cũng đã được chỉ rõ.

Tuy nhiên, chưa có những quyết sách lớn hay mặc dù có quyết sách nhưng chưa được triển khai một cách kịp thời và đồng bộ để đánh thức những tiềm năng và những gì tương xứng mà lẽ ra người Đồng bằng nhận lại sau khi nỗ lực đóng góp cho quốc gia. Cũng chưa có những chương trình, dự án để khơi thông những điểm nghẽn, lấp đi những chỗ trũng về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực...

Tôi rất kỳ vọng vào Hội nghị lần này với thông điệp “Chính phủ kiến tạo“ từ đầu nhiệm kỳ. Kỳ vọng vào sự "kiến tạo" từ Chính phủ để các địa phương vượt qua những “điểm nghẽn”, tháo gỡ được các “nút thắt”, vươn lên khẳng định vị thế một cách đầy đủ nhất, tương xứng nhất với những tiềm năng vốn có của mình.

Thời gian qua, đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân, khách quan lẫn chủ quan.

Trước hết là, điều kiện kết cấu hạ tầng không đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển và nối kết với các trung tâm logistics ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Khó khăn thứ hai là địa hình thấp, đất yếu, chi phí bồi hoàn cao làm cho suất đầu tư trung bình cao gấp đôi các vùng miền khác.

Thứ ba là, mối liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp với người nông dân và ngược lại trong chừng mực nào đó còn lỏng lẻo.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng khác là quy mô đất đai phục vụ sản xuất từng ngành hàng còn nhỏ, chưa hình thành được những vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn,  chất lượng nông sản đồng đều, đáp ứng yêu cầu liên kết với nhà đầu tư.

Câu chuyện liên kết vùng ĐBSCL được đặt ra từ lâu nhưng vì nhiều nguyên nhân chưa thành hiện thực. Có những vấn đề về thể chế. Có lẽ chúng ta đặt không gian liên kết quá rộng lớn với 13 tỉnh, thành, dân số khoảng 20 triệu người, diện tích gần 40.000 km2, trong khi còn ràng buộc vào những vấn đề về thể chế. Nếu chia Đồng bằng thành các tiểu vùng, bao gồm những địa phương có cùng sự tương đồng về hệ sinh thái, mô hình sản xuất thì sẽ thuận lợi hơn và triển khai nhanh hơn.

Chính vì vậy, Đồng Tháp đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận cùng với Long An và Tiền Giang triển khai "Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười", cùng nhau phát huy các giá trị tài nguyên bản địa, văn hóa và hệ sinh thái đất ngập nước. Tất nhiên, vấn đề của từng tiểu vùng và sự tác động qua lại với các tiểu vùng khá  và cả vùng ĐBSCL cũng phải được đặt ra để tạo nhân tố tích cực cho sự phát triển chung của từng quy mô liên kết.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Cần “Nhạc trưởng” có thực quyền để điều phối liên kết

Xuất phát từ quan điểm phát triển dựa vào nội lực là nền tảng, cơ bản lâu dài và ngoại lực là quan trọng, đột phá. Bên cạnh sử dụng có hiệu quả ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ từ Trung ương, thì từng tỉnh, thành trong khu vực cần chủ động, sáng tạo trong thực hiện công tác thu hút, kêu gọi đầu tư từ xã hội, nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp. Đồng thời bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nguồn lực nội sinh này một cách hài hòa, hợp lý để quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, góp phần cùng các tỉnh trong khu vực ĐBSCL phát triển.

Tác động của BĐKH ngày càng rõ nét, đặc biệt là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan xảy ra với cường độ mạnh và nhiều hơn,… đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của cả khu vực.

Trong khuôn khổ Hội nghị này, Bến Tre cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực kỳ vọng Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét, xác lập quyết sách mới để vùng ĐBSCL phát triển toàn diện trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và BĐKH rõ nét hơn, nhằm tăng sức cạnh tranh và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh cả vùng. Có định hướng cụ thể để các tỉnh trong khu vực ĐBSCL xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược tổng thể, toàn diện, mang tính liên kết để phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững trong tình hình mới.

Thu hoạch lúa ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: DUY KHƯƠNG

Hiện nay, các cam kết, liên kết vùng chỉ mới mang tính chất đồng thuận về nguyên tắc, phần lớn các hoạt động liên kết chỉ dừng lại trong khuôn khổ tham quan, hội thảo mà chưa phát triển thành các hoạt động liên kết thực tế, có chiều sâu và toàn diện.

Sự phát triển thiếu liên kết, thiếu chiến lược tổng thể, toàn diện cho cả vùng khiến ĐBSCL đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhất định. Sự manh mún trong đầu tư hạ tầng theo địa bàn, cũng như trong phát triển sản xuất của từng địa phương sẽ là rào cản lớn nhất trong thực hiện liên kết.

Do đó, cần có “Nhạc trưởng” có thực quyền để điều phối các hoạt động liên kết vùng thông suốt và hoạt động hiệu quả. Bến Tre cũng như các tỉnh trong khu vực rất mong Chính phủ quan tâm, tăng mức hỗ trợ nguồn lực đầu tư cho ĐBSCL để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông (xây dựng cầu Đại Ngãi, tuyến QL 60, cầu Rạch Miễu 2, đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, đường giao thông vào các khu kinh tế trọng điểm như: Định An - Trà Vinh, Năm Căn - Cà Mau…)...  Các đầu tư cho vùng cần đặt nền tảng cho sự kết nối, hợp tác giữa các tỉnh, thành trong khu vực, tạo động lực chung để thu hút nguồn lực, phát triển toàn diện cho vùng. 

ĐẦU TƯ THEO TỪNG TIỂU VÙNG SINH THÁI

Vùng ĐBSCL đang đối mặt với 6 thách thức, gồm: Biến đổi khí hậu (BĐKH); Gia tăng dân số và di dân; Khai thác tài nguyên quá mức; Suy giảm môi trường; Thay đổi sử dụng đất; Đe dọa của các đập thủy điện thượng nguồn và các dự án chuyển nước (ở Thái Lan, Lào và Campuchia). Những thách thức này đang đe dọa sự phát triển bền vững của vùng.

Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Trường Đại học Cần Thơ cho biết:

- 6 Thách thức trên đang diễn ra đồng thời. Có nguyên nhân cả từ tự nhiên (BĐKH, thời tiết cực đoan) lẫn từ hoạt động của con người (sử dụng đất và nước không hợp lý dẫn đến suy giảm môi trường, xây dựng đập thủy điện và chuyển nước ở thượng nguồn). Từ cả bên ngoài (toàn cầu, lưu vực sông Mekong) lẫn từ bên trong (bản thân ĐBSCL, các địa phương). 

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất là cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan (cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và người dân sinh sống tại ĐBSCL). Hệ thống pháp lý, hành chánh và tài chánh để xây dựng chiến lược, quản lý và hỗ trợ cho các giải pháp là vấn đề lớn mà chúng ta đang gặp phải.

* Theo Tiến sĩ cần dựa vào vấn đề nào để đưa ra ứng phó với các thách thức này?

-Các giải pháp đưa ra cần phải dựa trên cơ sở phân vùng sinh thái tự nhiên, chức năng kinh tế-xã hội và theo các cấp độ khác nhau (cấp nông hộ/hộ dân cư, tiểu vùng tưới tiêu/khu dân cư, tỉnh/thành phố, tiểu vùng sinh thái/tiểu vùng kinh tế xã hội và cấp lưu vực sông). Các giải pháp này cần phải liên kết chặt chẽ, không đối chọi, mâu thuẫn nhau.

Để có thể giải quyết được vấn đề một cách lâu dài chúng ta cần những điều kiện sau:

Thứ nhất, cần hiểu rõ bản chất thực sự của các biến động tự nhiên và kinh tế - xã hội của cả lưu vực sông Mekong lẫn vùng ĐBSCL, trong đó đặc biệt hiểu rõ về đặc điểm các tiểu vùng sinh thái của vùng.

Thứ hai là xác định được viễn cảnh (tầm nhìn) đúng đắn cho ĐBSCL.

Thứ ba, đánh giá được đúng và đầy đủ các tác động nói trên gây ra cho các lĩnh vực khác nhau (kinh tế-xã hội, sinh kế người dân nghèo…).

Thứ tư, nắm bắt được các cách tiếp cận và kỹ thuật tiên tiến thông qua thử nghiệm trong điều kiện của các tiểu vùng sinh thái, điều kiện kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Thứ năm, đánh giá và rút kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp về thể chế chính sách phù hợp.

Thứ sáu, đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực cho các ban ngành, doanh nghiệp và người dân ở ĐBSCL. Cuối cùng là tăng cường đối thoại, tạo cơ chế pháp lý mạnh mẽ để chia sẻ nguồn nước sông Mekong trên nền tảng cân bằng lợi ích của các bên.

* Cụ thể các giải pháp là gì, thưa Tiến sĩ?

-Về giải pháp, có thể phân thành 3 nhóm.

Nhóm giải pháp cứng như đê, kè, cống và đập tuy nhiên giải pháp này cần phải đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc.

Nhóm giải pháp mềm như nâng cao kỹ thuật canh tác để tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống, quy hoạch sử dụng đất theo thích nghi tự nhiên, nâng cao năng lực quản lý nông hộ, hợp tác xã để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và đất đai, đặc biệt là giải pháp về cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan khi thực thi các giải pháp thích ứng.

Giải pháp kết hợp cứng và mềm như cơ sở hạ tầng xanh: xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trên cơ sở hệ sinh thái đất-nước-cây xanh để đảm bảo giá trị dịch vụ sinh thái làm gia tăng khả năng xử lý môi trường, tạo sinh cảnh đẹp cho du lịch sinh thái, trữ nước và giảm ngập,...

*  Liên kết các tỉnh, thành để tích trữ, điều tiết nước trong mùa khô cũng như mùa mưa... cần những điều kiện gì, thưa Tiến sĩ?

- Nếu chúng ta tiếp tục sản xuất nông, thủy sản nước ngọt thì sẽ thiếu nước. Còn nếu chúng ta quy hoạch lại theo vùng sinh thái đất ngập nước và đặc điểm của cánh đồng lũ (vùng đất bằng phẳng ven sông, khô ngập, mặn ngọt theo chu kỳ) thì ĐBSCL có thể khai thác một cách hiệu quả và không cần phải đầu tư quá nhiều cho đê bao, cống đập. Thay vào đó là hệ thống canh tác đa dạng phù hợp với các đơn vị sinh thái. 

Vùng cửa sông ven biển có đặc điểm là dòng cát, nước và đất phèn mặn theo mùa có thể chọn lựa giải pháp chăn nuôi, thủy sản, kết hợp với cây ăn trái, rau màu... Vùng phù sa ven sông có địa hình cao như  Vĩnh Long, Cần Thơ có thể chuyên cây ăn trái kết hợp du lịch vườn, sản xuất rau củ, chăn nuôi phục vụ cho dân cư đô thị.

Các nhà khoa học nước ngoài tham quan mô hình cây trồng tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam. Ảnh: KHẢI CA

Vùng trũng Đồng Tháp Mười có thể phát triển thủy sản nước ngọt kết hợp thủy canh như sen, súng... khai thác đặc thù của các khu bảo tồn sinh thái để thu hút đầu tư vào du lịch... Việc phát huy theo lợi thế vùng có thể tránh được sự cạnh tranh không đáng có giữa các khu vực, tránh được cảnh được mùa rớt giá.

Một khi chúng ta khai thác tài nguyên theo hướng tận dụng được ưu thế của tự nhiên, chúng ta sẽ tránh được các tác động cực đoan đến môi trường, không phải sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giảm được ô nhiễm nguồn nước mặt.

Việc liên kết các tỉnh thành cho cả vùng ĐBSCL rất khó triển khai vì thực ra ĐBSCL chia ra thành 5 tiểu vùng sinh thái có điều kiện khác nhau (tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Phù sa Ven sông, Cửa sông Ven biển và bán đảo Cà Mau). Do đó, nên tiếp cận theo việc liên kết các địa phương trong cùng 1 tiểu vùng.

Trung ương đầu tư cho ĐBSCL nên đầu tư theo cách tiếp cận này, để tránh đầu tư manh mún, phá vỡ quy hoạch chung. Ngược lại các tỉnh trong tiểu vùng khi quản lý và khai thác nguồn nước cũng phải thống nhất với các tỉnh khác trong tiểu vùng. 

Cuối cùng, cần sự quyết tâm của Trung ương và địa phương ĐBSCL, cần “nói không” với các hình thức sản xuất xả thải độc chất ra môi trường, nếu không sẽ tác động rất rộng (không có giới hạn về địa giới hành chính) và lâu dài. Phá vỡ mọi phương án và giải pháp mà chúng ta đang cố gắng thực hiện cho sự phát triển bền vững.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

 HÀ VĂN (thực hiện) 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam: ĐBSCL có một số cây trồng chống chịu hạn, mặn tốt

Trên thực tế cho thấy ĐBSCL có một số cây trồng chống chịu hạn, mặn khá tốt như xoài, cây có múi, có thể sử dụng để làm cây thương phẩm, hoặc làm gốc ghép. Việc khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép đối với khả năng chống chịu hạn, mặn trên cây ăn trái cũng được xem là giải pháp để ứng phó với tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Chúng ta có thể sử dụng các dòng/giống cây có múi địa phương nghiên cứu và đánh giá có khả năng chống chịu mặn tốt để làm gốc ghép cho bưởi da xanh và bưởi Năm Roi tại các vùng đất ở ĐBSCL có bị ảnh hưởng của nước mặn. Một số dòng/giống xoài địa phương và nhập nội như xoài Canh Nông, xoài Châu Hạng Võ, xoài 13 -1, xoài  Ghép xanh... cần được nghiên cứu, đánh giá khả năng chống chịu mặn tốt để làm gốc ghép cho các giống xoài thương phẩm tại các vùng đất ở ĐBSCL.

Viện đã nghiên cứu gốc ghép chống chịu điều kiện biến đổi khí hậu có kết quả như:

* Giống cây có múi (CCM) chống chịu mặn: bưởi bồng, đường hồng, hồng đường, bưởi bung, sảnh, tắc, con lai tắc x LCC, tắc x BDX (8%o). 

* Giống CCM chống chịu hạn: cây trúc, bưởi chua, bưởi đỏ, bưởi thanh trà và carrizo.

Giống CCM chống chịu phèn: chanh tàu, cam dây, cam mật, bưởi lông cổ cò và carrizo.

Khải Ca (ghi)

Chia sẻ bài viết