28/05/2011 - 09:13

Xung quanh vụ Serbia bắt giữ “Đao phủ vùng Balkan”

Tin về Tướng Ratko Mladic bị bắt được truyền thông phương Tây đăng tải. Ảnh: AP

Sau gần 16 năm lẩn trốn, cựu tướng lĩnh quân đội Bosnia gốc Serbia, ông Ratko Mladic, người mà phương Tây đặt cho cái biệt danh là “Đao phủ vùng Balkan”, đã sa lưới cảnh sát Serbia sáng 25-5 (theo giờ địa phương). Đích thân Tổng thống Serbia Boris Tadic loan báo tin này và nhận được sự khen ngợi đặc biệt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), coi đây là bước đi quan trọng giúp nước này sớm gia nhập “mái nhà chung châu Âu”.

Ratko Mladic bị bắt giữ tại nhà của một người anh em họ với ông ở Lazarevo, ngôi làng nhỏ cách Thủ đô Belgrade khoảng 100km về phía Bắc. Mladic năm nay đã 69 tuổi. Năm 1996, ông bị Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) truy nã với cáo buộc ông phạm Tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người trong thời kỳ nội chiến Serbia đầu thập niên 1990. ICTY cho rằng ông đã trực tiếp chỉ huy cuộc bao vây kéo dài từ tháng 4-1992 đến tháng 2-1996 làm 10.000 người thiệt mạng, trong đó có dân thường, tại chiến trường Sarajevo, Thủ đô của nước CH Bosnia-Herzegovina ngày nay. Ông còn bị buộc tội dính líu đến vụ thảm sát hơn 8.000 Hồi giáo tại thị trấn Sebrenica thuộc miền Đông Bosnia-Herzegovina trong khoảng thời gian từ ngày 11-7-1995 đến 22-7-1995.

Mladic được coi là nhân vật cuối cùng trong 3 chỉ huy cấp cao liên quan đến hai vụ thảm sát trên bị bắt giữ. Hai người trước là Dragomir Milosevic bị bắt giữ năm 1997 và bị kết án 29 năm tù giam; và Radovan Karadzic bị bắt giữ năm 2008 và đang trong quá trình hầu tòa. Theo tờ Le Figaro của Pháp, tòa án Serbia đang bắt đầu các thủ tục kiểm tra sức khỏe, thu thập đầy đủ hồ sơ tư liệu trước khi quyết định dẫn độ ông Mladic cho ICTY.

Khi thông tin Mladic bị bắt giữ được Tổng thống Tadic loan báo, tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở Deauville (Pháp), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng đánh giá cao cái mà ông gọi là “một nỗ lực kiên quyết của chính quyền Serbia nhằm đảm bảo rằng kẻ phạm tội ác phải bị công lý trừng trị”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố đây là một bước đi quan trọng giúp Serbia có thể sớm gia nhập EU. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng ngày tốt lành cho công lý và những nạn nhân của Tướng Mladic đã tới. Tuy nhiên, ông Mark Rutte cũng nhấn mạnh “việc bắt giữ ông Mladic không có nghĩa Serbia đương nhiên sẽ được gia nhập EU, mà nó còn tùy thuộc vào nhiều vấn đề phức tạp khác”.

KIẾN HÒA
(Theo AP, Le Figaro và Reuters)

Chia sẻ bài viết