14/10/2017 - 09:41

Xung quanh việc Mỹ rút khỏi UNESCO 

Hôm 12-10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert xác nhận Washington về sau sẽ đảm nhiệm vai trò quan sát viên thay cho tư cách thành viên chính thức của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 31-12-2018, một phần nhằm phản đối cái mà Washington cho là “hành động bài Do Thái” của tổ chức này. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng lấy lý do Washington đang có khoản nợ tại UNESCO để giải thích cho quyết định trên. “Mỹ hiện đã nợ tới 550 triệu USD, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có muốn trả số tiền đó không? Và với khuynh hướng chống Israel tồn tại lâu nay ở UNESCO, đã đến lúc phải có kết thúc” – bà Nauert cho biết. Vị này nói thêm, Mỹ về sau sẽ lập ủy ban giám sát tại trụ sở chính của UNESCO ở Paris (Pháp) thay cho cơ quan đại diện chính thức và tham gia các vấn đề phi chính trị bao gồm bảo vệ di sản thế giới, ủng hộ quyền tự do báo chí và thúc đẩy hợp tác khoa học-giáo dục.

  Ảnh: AFP

Thông tin này ngay lập tức vấp phải chỉ trích gay gắt từ các tổ chức văn hóa ở Mỹ. UNESCO được biết đến nhiều với vai trò lựa chọn, bảo tồn các địa điểm di sản thế giới, thúc đẩy giáo dục giới tính, bình đẳng cho phụ nữ, xóa mù chữ và đảm bảo tiếp cận nước sạch. Nhiều người cho rằng UNESCO tuy có thể không hoàn hảo nhưng tổ chức này đóng vai trò lãnh đạo quan trọng và là đối tác tin cậy trong việc bảo tồn di sản văn hóa trên thế giới.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cho biết “rất lấy làm tiếc” trước quyết định của Mỹ và coi đây là tổn thất đối với hợp tác đa phương. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc Mỹ rút lui dấy lên mối lo ngại của nhiều quốc gia, rằng hoạt động của UNESCO đang ngày càng bị “chính trị hóa”. Về phía Palestine, chính trị gia Mustafa Barghouti chỉ trích động thái của Mỹ là thiên vị Israel và chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến tình hòa giải ở Trung Đông. Năm 2011, Mỹ đã đình chỉ khoản đóng góp cho UNESCO để phản đối việc tổ chức này cấp quy chế thành viên chính thức cho Palestine.

Trái ngược với phản ứng của Palestine, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netayanu trong một tuyên bố ca ngợi quyết định của Mỹ là hành động “dũng cảm, hợp đạo lý” và chỉ trích UNESCO là “rạp hát của những kẻ ngớ ngẩn”. Tuyên bố còn cho biết Thủ tướng Netayanu đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Israel chuẩn bị tiến trình pháp lý rút khỏi tổ chức này.

Theo Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, hành động quyết liệt của Mỹ sẽ tác động sâu sắc đến hoạt động UNESCO. Hiện tại, cơ quan này nhận 22% ngân sách từ Mỹ, tương đương 70 triệu USD/năm. Bà Bishop cũng cho rằng động thái của Mỹ thể hiện thông điệp Washington sẽ không đứng yên trước cái gọi là “định kiến chống Israel” của một số tổ chức LHQ. Theo đánh giá của New York Times, chính quyền Tổng thống Donald Trump kể từ khi nhậm chức đến nay vẫn lấy việc bảo vệ đồng minh Israel trên toàn cầu làm nguyên tắc cốt lõi trong chính sách đối ngoại. Đồng thời, sự rút lui của Mỹ tại UNESCO cũng được coi là biểu hiện của chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

MAI QUYÊN (Theo BBC, AFP)

Chia sẻ bài viết