14/06/2010 - 22:10

Vì sao miền Nam Kyrgyzstan vẫn bất ổn ?

Người dân Kyrgyzstan chuẩn bị sang Uzbekistan lánh nạn. Ảnh: AP

Cuộc xung đột mang dáng dấp sắc tộc tại tỉnh Jalalabad và thành phố Osh ở miền Nam Kyrgyzstan bắt đầu tái bùng phát từ tối 10-6 đến nay đã làm gần 120 người thiệt mạng, hơn 1.200 người bị thương và buộc khoảng 75.000 người chạy sang các nước láng giềng lánh nạn, chủ yếu qua Uzbekistan. Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một nhà chính trị học người Kyrgyzstan Sergei Massolov cho biết cuộc bạo động lan rộng xuất phát từ tin đồn nói rằng có một phụ nữ dân tộc Kyrgyz bị một nhóm người Uzbeks hãm hiếp và dẫn đến vụ ẩu đả sau đó giữa hai nhóm thanh niên khác sắc tộc trên. Theo Massolov, những tổ chức tội phạm và chính trị đối lập đã lợi dụng mối bất hòa giữa các dân tộc để gây ra tình trạng bất ổn hiện nay ở miền Nam Kyrgyzstan. Đây là khu vực luôn đối mặt với các loại tội phạm có tổ chức, đặc biệt là ma túy, đồng thời là nơi đa số người dân ủng hộ Tổng thống bị phế truất Kurmanbek Bakiyev.

Theo nhà phân tích người Kyrgyzstan Sanobar Chermatova, các thế lực tội phạm (trong đó có trùm mafia Aibek Mirsidykov) và gia đình của cựu Tổng thống Bakiyev đang câu kết với nhau để kiểm soát miền Nam Kyrgyzstan. Năm 2005, tỉnh Jalalabad là nơi mà phe của ông Bakiyev khơi nguồn phản đối kết quả bầu cử tổng thống và tạo ra làn sóng biểu tình trên toàn quốc yêu cầu Tổng thống Askar Akayev, một người gốc miền Bắc, phải từ chức. Mục tiêu quan trọng nhất mà họ muốn đạt được lần này là phá hoại và làm thất bại cuộc trưng cầu ý dân sửa đổi hiến pháp của chính phủ lâm thời nước này do bà Roza Otunbayeva lãnh đạo.

Cuộc trưng cầu ý dân dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 27-6. Theo tuyên bố của Phó Tổng thống lâm thời Omurbek Tekebayev, đây không chỉ là sự thay đổi hiến pháp mà còn là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ lâm thời. Tổng thống lâm thời Otunbayeva cho biết, chính phủ lâm thời đang áp dụng tất cả các biện pháp nhằm ổn định tình hình tại khu vực miền Nam Kyrgyzstan. “Tuy nhiên, hiện nay tình hình không hề đơn giản. Có rất nhiều lực lượng đang âm mưu phá hoại cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến việc hủy bỏ quy chế Cộng hòa tổng thống để xây dựng Cộng hòa nghị viện”, bà nói.

Người Kyrgyz chiếm 69,6% và Uzbeks chiếm 14,5% trên tổng số 5,3 triệu dân Kyrgyzstan. Riêng khu vực phía Nam, người Uzbeks chiếm khoảng 40% trong số 1 triệu người tại tỉnh Jalalabad và 50% tại thành phố 250.000 dân Osh. Năm 1990, trước khi Liên Xô tan rã, các cuộc bạo động vì tranh chấp đất đai giữa hai tộc người này tại Osh làm hàng trăm người chết và chỉ chấm dứt khi Mát-xcơ-va đưa quân đội đến lập lại trật tự. Ngày nay, theo nhận xét của AFP, người Uzbeks nhìn chung có điều kiện kinh tế không được thuận lợi hơn nên họ cảm thấy bị phân biệt đối xử và tố cáo các quan chức người Kyrgyz tham nhũng, đồng thời yêu cầu chính phủ công nhận ngôn ngữ chính thức riêng. Người Uzbeks hy vọng chính quyền của bà Otunbayeva sẽ quan tâm hơn đến lợi ích và nguyện vọng của họ. Trong khi đó, người Kyrgyz thân cựu Tổng thống Bakiyev lợi dụng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay để chống lại người Uzbeks và qua đó cản trở bà Otunbayeva kiểm soát quyền lực.

Theo các nhà phân tích, sự bất ổn chính trị và an ninh ở Kyrgyzstan nếu tiếp tục kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến các lợi ích của Nga và Mỹ, hai nước đều có căn cứ quân sự tại đây. Người gốc Nga chiếm 8,4% dân số Kyrgyzstan, trong khi Mỹ cần sự đảm bảo an ninh cho căn cứ không quân Manas phục vụ chiến trường Afghanistan. Mặt khác, miền Nam Kyrgyzstan có thể trở thành địa điểm mới của chủ nghĩa ly khai và các nhóm Hồi giáo cực đoan thân al-Qaeda.

KIẾN HÒA (Theo AFP, Reuters, AP, BBC)

Chia sẻ bài viết