06/09/2009 - 09:42

Vì lợi ích hay nhân đạo ?

Tuần qua, vụ chính quyền Scotland (thuộc Liên hiệp vương quốc Anh) hồi đầu tháng 8 phóng thích Abdelbaset al-Megrahi, kẻ duy nhất bị buộc tội (và kết án chung thân vào năm 2001) trong vụ đánh bom chuyến bay 103 của hãng hàng không Mỹ Pan Am trên bầu trời Lockerbie (Scotland) hồi năm 1988 làm 270 người chết, lại được hâm nóng. Trước đó, nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ với 189 công dân thiệt mạng trong thảm họa này, đã phản ứng gay gắt trước quyết định trên.

Phát biểu với nhật báo Telegraph ngày 5-9, Bộ trưởng Tư pháp Anh Jack Straw thừa nhận các thỏa thuận thương mại với Libye (al-Megrahi là công dân Libye) giữ “một vai trò rất lớn” trong quyết định trả tự do cho nhân vật này. Phát biểu của ông Straw hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố trước đó của Thủ tướng Gordon Brown. Hôm 2-9, ông Brown nói rằng việc trả tự do cho al-Megrahi hoàn toàn do quyết định của chính quyền Scotland, và vì lý do nhân đạo (ông này mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến vào giai đoạn cuối nên được cho là chỉ còn sống được vài tháng), chứ không liên quan tới bất kỳ thỏa thuận dầu khí nào như báo chí đề cập. Theo báo chí xứ sương mù, việc trả tự do cho al-Megrahi là kết quả của vụ đổi chác để tập đoàn dầu khí Anh BP có được hợp đồng thăm dò trị giá 900 triệu USD ở Libye hồi đầu năm 2008. Thật ra, Bộ trưởng Straw cũng tự mâu thuẫn với chính mình khi cách đây chưa đầy một tuần, ông còn khăng khăng bảo rằng việc phóng thích không dính líu gì tới các thỏa thuận thương mại giữa Anh và Libye.

Về phía Libye, ngày 4-9, Saif al-Islam Gadhafi, con trai của nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, cũng gây chú ý khi nói với hãng tin Mỹ CNN rằng Tripoli đã gây áp lực buộc Luân Đôn gắn việc trả tự do cho al-Megrahi với các thỏa thuận thương mại song phương. Trong khi đó, Ngoại trưởng Libye Musa Kusa lại nói chắc như đinh đóng cột rằng việc phóng thích al-Megrahi không mắc mớ gì tới chuyện buôn bán hay đầu tư. “Nó không ăn nhập gì tới thương mại. Nếu chúng tôi muốn mặc cả, chúng tôi đã làm điều đó từ lâu rồi”, ông Kusa nói với tờ The Times của Anh.

Không biết thực hư thế nào nhưng kim ngạch thương mại giữa Anh và Libye trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng đột biến hơn 48% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt gần 1,9 tỉ USD. Dự kiến trong tương lai con số này sẽ còn lớn hơn nhiều bởi Libye vừa khởi động chương trình xây dựng khổng lồ trị giá nhiều tỉ USD, gồm các cảng biển, phi trường, hệ thống đường xe lửa, khu nghỉ dưỡng, 27 trường đại học... Trong lĩnh vực dầu khí, giới quan sát cho rằng nếu mọi chuyện suôn sẻ, đầu tư của BP vào Libye, nước có trữ lượng dầu khí lớn nhất châu Phi và đứng hàng thứ 9 thế giới với 41,5 tỉ thùng, có thể tăng thêm hơn 16 tỉ USD trong một thập niên tới. Đó là chưa kể việc tập đoàn dầu khí Shell (liên doanh Anh-Hà Lan) cũng đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Libye.

Do vậy, không phải vô duyên vô cớ mà có người đã không tin việc phóng thích al-Megrahi của chính quyền Scotland là hoàn toàn vì lý do nhân đạo, ngay cả trước khi ông Straw tiết lộ bản chất sự việc.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết