01/11/2014 - 15:52

Về thăm cờ đỏ...

Cờ Đỏ là nơi thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên của tỉnh Cần Thơ. Cũng là nơi có tiếng vang về trận đánh đồn điền Cờ Đỏ thời chống Mỹ. Điều ấy đã thôi thúc tôi thêm một lần về thăm lại nơi này vào hạ tuần tháng 10-2014...

MẢNH ĐẤT CỦA DI TÍCH & CHIẾN CÔNG

Theo ông Lê Tấn Phương, người “chính gốc” Thới Đông với 87 tuổi đời, 66 năm tuổi Đảng, thì: Chi bộ này được thành lập vào ngày 10-11-1929 tại vị trí ngang lẫm lúa đồn điền Cờ Đỏ - một trong ba đồn điền lớn của tỉnh Cần Thơ thời Pháp - do bọn chúng chiếm đoạt ruộng đất của dân mà có. Ba người cộng sản đầu tiên ấy đã luân phiên nhau - hằng ngày, người đi vào lẫm nhận thẻ làm “cu li”; người đi bán bánh bò; người thì viết báo, dịch sách...nhằm bám sát, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho những người dân bị bóc lột nặng nề, giúp họ vùng lên đấu tranh với bọn chủ điền Tây và những địa chủ khác quanh đồn điền Cờ Đỏ.

Chỉ khoảng nửa năm sau đó, phong trào cách mạng quần chúng dâng cao, với cuộc biểu tình kỷ niệm ngày 1-5-1930 (khoảng 4.000 người của 11 xã thuộc Ô Môn lúc bấy giờ hăng hái tham gia). Rồi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 với hơn 100 người dân Thới Đông - Cờ Đỏ tập kết tại Thới Lai. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945 đã xây dựng được nhiều cán bộ cốt cán, đồng thời còn “tăng cường” cho Cần Thơ ba trung đội Thanh niên tiền phong để bảo vệ tỉnh. Rồi, trong chín năm kháng Pháp, Thới Đông đã xây dựng đầy đủ ban ngành, đoàn thể, hoạt động chạy đều - từ ba hạt giống đỏ đầu tiên, lực lượng đảng viên đã tăng lên con số 200...

Theo “Tổng kết công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tỉnh Cần Thơ 1954-1975”, cộng với lời kể của các ông Bùi Đồng Khởi (Mười Khởi), ông Phan Thanh Trí (Ba Rép), ông Võ Hùng Vĩnh (Hai Vĩnh) - nguyên lãnh đạo huyện và cán bộ binh vận huyện Ô Môn, tôi được biết: Bằng lối đánh hóa trang kỳ tập, với sự phối hợp của binh vận và lực lượng vũ trang, ta đã đánh thắng địch ở đồn điền Cờ Đỏ vào ngày 25-4-1960, thu nhiều vũ khí, đồng thời mở kho lúa phát cho dân ngay trong đêm - cùng lúc cờ Đảng được trương cao tại Cầu Móng và cuộc mít tinh tuyên truyền về ý nghĩa trận đánh cũng diễn ra...

Được vậy là do Tỉnh ủy, Huyện ủy Ô Môn chỉ đạo kịp thời; lực lượng binh vận từ huyện đến xã đã sớm phát hiện và luôn bám sát các cơ sở cách mạng trong lòng địch (xây dựng từ thời chống Pháp) để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn họ hành động cách mạng. Khi địch có ý đồ giảm quân số đồn điền để đôn lên quân chủ lực, ta đã vận động gần 200 binh lính (người dân tộc thiểu số) rã ngũ về với gia đình, buộc địch từ 15 phải bỏ hết 9 đồn. Mặt khác, vận động binh lính trì hoãn với “quan thầy”, không giao hết vũ khí mà giữ lại chờ cơ hội trao cho cách mạng.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố và huyện Cờ Đỏ họp bàn kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ. Ảnh: ANH DŨNG 

Trận đánh đồn điền Cờ Đỏ diễn ra với tương quan lực lượng: Địch có khoảng 150 quân - trong đó có 130 lính đồn điền tập trung ở các vị trí: Sentier, Sáu Bọng, Mười Chín, Ba Vàm (là các đồn quanh đồn điền) và Thành Sáu Căn. Số còn lại đóng tại nhà tên chủ điền Tây Cherin; đồn cảnh sát; nhà việc xã Thới Đông và đồn dân vệ Thạnh Phú - nơi dân cư đông và tập trung bọn đầu não, căn cứ, hậu cần của địch. Trong khi cơ sở binh vận của ta có 7 nòng cốt (do thiếu úy Rùm, chỉ huy bọn lính đồn điền) cùng với 20 quần chúng cảm tình cách mạng. Tất cả được “phân bố” tại nhà Cherin và các đồn khác; chỉ có nhà việc Thới Đông, đồn cảnh sát và đồn dân vệ Thạnh Phú là không có cơ sở cách mạng.

Kế hoạch ban đầu là ta cố gắng bắt sống tay chủ điền Cherin tại nhà rồi buộc hắn lên xe chạy tới các đồn bót quanh điền, bảo các nơi đó giao đồn. Chuẩn bị cho trận đánh, các lực lượng Nông, Thanh, Phụ xã Thới Đông đều tham gia công tác hậu cần, chuẩn bị việc ăn uống, xuồng ghe... để rước bộ đội Tây Đô về đánh chiếm đồn điền Cờ Đỏ, mở màn cho đồng khởi tại Cần Thơ.

Có thể tóm tắt diễn biến trận đánh như sau: Do trục trặc khách quan, giờ “G”, cộng với “kịch bản” diễn ra không như kế hoạch... Rồi, khi một ghe rước bộ đội (chở chuối nghi trang) ghé bến nhà Cherin, anh em nổ súng tấn công. Lúc phát hiện tên Tây không có nhà (do đã bị bộ đội tấn công lúc y trên đường về nhà, khiến y quay đầu xe bỏ chạy về hướng đồn Sentier), anh em nhanh chóng triển khai tấn công, chiếm đồn cảnh sát. Còn hai ghe khác, trong đó có ghe do bà Tư Trầu và ông Sáu Hớn phụ trách, cập bến Thành Sáu Căn. Nơi đây, thiếu úy Rùm và 2 người lính cảm tình đang có mặt (trước đó thiếu úy Rùm đã gom súng vào kho khóa lại)... Ông Võ Thành Đô (Tư Đô) là ba của ông Hai Vĩnh, đơn vị trưởng 1003, đang ém dưới ghe chuối của bà Tư Trầu đã nhào lên, cùng đồng đội chiếm gọn Thành Sáu Căn. Sau đó lực lượng các mũi khác cũng dễ dàng chiếm luôn nhà việc xã Thới Đông và đồn dân vệ Thạnh Phú. Riêng đồn Ba Vàm cũng bị hai cán bộ binh vận cùng cơ sở nội tuyến chủ động chiếm lấy...

Cuối trận, ta hy sinh vài đồng chí, trong đó có “nội tuyến” Rùm. Còn binh lính địch bị bắt, ta giáo dục tại chỗ và thả hết.

THÀNH QUẢ HIỆN NAY & KHÓ KHĂN PHÍA TRƯỚC

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cờ Đỏ Hoàng Kim Cương cho biết: Hiện nay Cờ Đỏ có 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đường xe hơi về trung tâm xã; trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tăng từ 6 lên 19 trường; tỷ lệ hộ nghèo từ 13% giảm còn 7,6%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 triệu đồng lên 21 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ mới tương đương 1/3 mức bình quân thu nhập của toàn thành phố!

Nhắc đến xã Trung An, đơn vị đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2013, với thành tích vận động xã hội hóa tốt được Thủ tướng thưởng 1 tỉ đồng và đã sử dụng khoản tiền này vào việc lát vỉa hè làm thay đổi diện mạo khu chợ khang trang sạch đẹp... Riêng Đông Thắng, là xã loại 3 được xác định xã nghèo nhất thành phố, đã được Bộ Chỉ huy quân sự thành phố dồn sức đầu tư xây dựng trường lớp, cụ thể như Trường Mẫu giáo Đông Thắng (đã đạt chuẩn quốc gia); mở rộng tỉnh lộ 922, cộng với nhiều mặt công tác khác... đến nay, Đông Thắng đã “qua mặt” Thới Xuân. Và, Thới Xuân trở thành xã nghèo nhất huyện. Tuy nhiên, với kế hoạch cùng các xã phấn đấu “nâng chất” đều hằng năm, Cờ Đỏ đã mạnh dạn đăng ký Thới Đông sẽ đạt danh hiệu nông thôn mới vào 2015, các xã còn lại sẽ công nhận các năm tiếp theo - phấn đấu đến năm 2020, Cờ Đỏ được công nhận là huyện “nông thôn mới” của thành phố Cần Thơ.

Điều đáng phấn khởi là, Cờ Đỏ vừa ra mắt quỹ học bổng Hà Huy Giáp với 1 tỉ rưỡi đồng - qua sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và nhân dân, cán bộ trên địa bàn. Tuy nhiên, các xã sẽ tiếp tục vận động thêm bởi con số này chỉ mới đạt 50% kế hoạch. Tất cả nhằm nâng cao “nội lực” đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ về lâu dài. Hiện nay lực lượng cán bộ huyện hầu hết đều tốt nghiệp đại học, ngoài ra có hơn 20 thạc sĩ (đã có bằng, hoặc đang học, hoặc vừa thi đậu đầu vào cao học). Trong số này đã có đến 80% là cán bộ từ các nơi khác đến Cờ Đỏ làm việc.

Đồng chí chủ tịch huyện “bật mí” thêm: “Cách đào tạo nhân lực tại chỗ nhanh nhất là phải an cư cho những cặp vợ chồng hoặc những ai có kế hoạch làm dâu, làm rể và đang công tác tại nơi này, để anh em ổn định, phục vụ cho Cờ Đỏ lâu bền. Huyện đã có hướng giải quyết chính sách về nhà ở cho lực lượng cán bộ, giáo viên... ở xa tới lập nghiệp với khoảng 100/400 nền trong khu tái định cư (kế hoạch hoàn thành trong quí I-2015) - bằng phương thức trừ lương hàng tháng, trả dần trong 10 năm”.

Được biết, khu tái định cư này đối diện khu dân cư dành cho 87 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của ấp Thới Hòa B (diện ở nhà sàn, diện tách hộ sống chen chúc... mà không có khả năng xây dựng nhà). Nơi đây cơ sở hạ tầng đã hoàn chỉnh khá lâu, hiện cỏ mọc um tùm, nhưng bà con vẫn chưa vào cất nhà ở. Để hỗ trợ, địa phương đã tổ chức bình nghị ra dân nhiều lần, xét chọn 36 hộ bức xúc nhất. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ có giới hạn, chỉ đủ cho 26 hộ. Nếu bà con không thỏa thuận nhường với nhau được, thì sẽ phải tiến hành bốc thăm, phấn đấu giao nhà trước Tết Nguyên đán Ất mùi (2015).

Khó khăn nhất của Cờ Đỏ là gì? Tôi hỏi. Đồng chí Kim Cương bật đáp ngay “Việc di dân”. Rồi, cho biết thêm, hằng năm huyện phải giới thiệu bình quân cho 3.500 - 4.000 người đi làm ăn ở các nơi khác. Hướng giữ chân họ? “Phải đầu tư cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện Cờ Đỏ có 10 doanh nghiệp bao tiêu cho các cánh đồng mẫu lớn. Tất nhiên huyện phải giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về các mặt: xây dựng kho bãi (trên cơ sở thương lượng, không o ép dân); tạo điều kiện về giao thông, vốn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, v.v... Ngược lại, việc “dân di cư cơ học” đến làm cho Trại giống cây trồng Miền Nam, Cty Cờ Đỏ, Nông trường Sông Hậu cũng gây khó cho công tác quản lý về nhiều mặt, cộng đời sống họ thiếu ổn định, làm phát sinh hộ nghèo mới”. Vì sao người ta “tấp” vô mình, còn lao động của mình thì “tốc đi” nơi khác, mà không tìm việc làm ở các nơi này? “Vì dân mình đi tìm mức lương ổn định hàng tháng, còn các nơi này trả theo thời vụ!”.

“Thời gian qua, huyện đã hết sức cố gắng và thành phố cũng nhiệt tình hỗ trợ. Nhưng thách thức vẫn còn nhiều... Mơ ước lớn của Cờ Đỏ là nhanh chóng đuổi kịp các huyện bạn về nhiều mặt, nhất là về dân trí!”. Trước khi chia tay, bà Hoàng Kim Cương đã chân tình bày tỏ cùng tôi như vậy.

NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết