13/04/2021 - 09:23

Úc có thể không đạt mục tiêu tiêm chủng 

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 11-4 thừa nhận có thể không đạt được mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho tất cả người dân vào tháng 10 tới mà chính phủ đặt ra do các chậm trễ trong việc nhập khẩu và những lo ngại mới về tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca.

Ðến cuối tuần rồi, Úc mới tiêm vaccine cho 1,16 triệu người trong tổng số 26 triệu dân

Tuy nhiên, ông Morrison khẳng định mong muốn của chính phủ là hoàn thành việc tiêm chủng liều đầu tiên cho tất cả người dân trước cuối năm nay, nhưng sẽ không đặt ra mốc thời gian cụ thể do còn có nhiều yếu tố không
chắc chắn.

Trước đó, ngày 9-4, giới chức Úc đã khuyến cáo chưa nên tiêm vaccine AstraZeneca cho những người dưới 50 tuổi, trong bối cảnh trên thế giới đã xuất hiện một số trường hợp bị chứng đông máu sau khi tiêm chủng.

Ngày 12-4, Chủ tịch Hội đồng Y tế Úc, Giáo sư Paul Kelly cho biết khuyến cáo trên khiến chính phủ phải điều chỉnh lại cách thức triển khai tiêm chủng, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng đến lịch trình tiêm chủng các nhóm đối tượng ưu tiên, trừ những người dưới 50 tuổi là các nhân viên y tế và chăm sóc người cao tuổi.

Ông Kelly khẳng định Úc đã bảo đảm được nguồn cung vaccine của các hãng Pfizer và AstraZeneca, với tổng số 170 triệu liều, không chỉ đủ cho tất cả người dân trong nước mà còn cho cả các nước láng giềng Thái Bình Dương. Về 20 triệu liều vaccine của Pfizer vừa được đặt mua bổ sung, ông Kelly cho biết dù nguồn cung từ nước ngoài luôn không chắc chắn, ông hy vọng Úc sẽ nhận được lượng vaccine này vào cuối năm nay.

AstraZeneca thảo luận  tích cực với EU

Trong diễn biến khác, Hãng dược AstraZeneca ngày 11-4 cho biết đã có cuộc thảo luận tích cực với Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước, sau khi Liên minh châu Âu (EU) gửi thư than phiền về vaccine ngừa COVID-19.

Các nước thành viên EU và công ty dược của Anh/Thụy Ðiển nói trên đang tranh cãi xung quanh kế hoạch bàn giao vaccine do lượng vaccine mà AstraZeneca giao được hiện nay ít hơn thỏa thuận ban đầu. Nhật báo Corriere della Sera của Ý ngày 11-4 cho biết AstraZeneca dù quá thời hạn 20 ngày vẫn chưa hồi đáp một bức thư của EC gửi ngày 19-3 than phiền về việc giao hàng chưa đúng hợp đồng.

Phản ứng về bài viết của báo trên, Giám đốc quan hệ truyền thông toàn cầu của AstraZeneca, ông Matthew Kent cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận là đã hồi đáp EC trong thời hạn yêu cầu của cơ chế giải quyết tranh chấp, và đã có một cuộc gặp mang tính hợp tác với EC hồi tuần trước”.

Theo hợp đồng giữa EU và AstraZeneca, nếu tranh chấp nảy sinh, một trong các bên phải thông báo vấn đề bằng văn bản. Sau 20 ngày từ khi có thông báo, hai bên “sẽ gặp nhau và tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán trên tinh thần thiện ý”.

Hợp đồng trên nêu rõ các nước EU sẽ được nhận 120 triệu liều vaccine của AstraZeneca đến cuối tháng 3 nhưng công ty này chỉ cung cấp 30,12 triệu liều. Thực tế này đã khiến nhiều nước châu Âu tức giận.

Ấn Ðộ có tổng số ca nhiễm COVID-19 cao thứ 2 thế giới

Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ ngày 12-4 ghi nhận 168.912 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua - cao hơn 152.879 ca ghi nhận ngày 11-4 và là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát năm ngoái. Theo đó, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Ấn Độ đã lên tới 13,53 triệu ca, nhiều hơn tổng số ca nhiễm ở Brazil (13,45 triệu ca) và cao thứ 2 trên thế giới. Mỹ hiện có tổng số ca nhiễm cao nhất với 31,2 triệu ca.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết