17/01/2014 - 09:31

Trung Quốc thử nghiệm thiết bị mang tên lửa siêu thanh

Ảnh mô phỏng phương tiện bay siêu thanh HVT-2 mà Mỹ đang phát triển. Ảnh: MSN

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15-1 xác nhận nước này đã lần đầu tiên thử nghiệm một thiết bị mang tên lửa siêu thanh, nhưng bác bỏ thông tin cho rằng mục tiêu của công nghệ mới là để mang đầu đạn hạt nhân đủ khả năng qua mặt hàng rào phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Trong thông cáo đăng trên Trung Hoa Nhật báo, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu rõ: "Tiến hành các thử nghiệm khoa học bên trong biên giới quốc gia theo kế hoạch là chuyện bình thường. Các thử nghiệm này không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia hoặc mục tiêu cụ thể nào cả".

Tại Mỹ, phát ngôn viên Lầu Năm Góc - Trung tá Jeff Pool khẳng định: "Chúng tôi có biết về vụ thử nghiệm loại phương tiện siêu thanh này, nhưng chúng tôi không bình luận về vụ việc". Trong báo cáo hàng năm về quân đội Trung Quốc mới đây, Lầu Năm Góc đã không đề cập gì về hoạt động thử nghiệm phương tiện bay siêu thanh, nhưng có nêu việc Trung Quốc đã xây dựng một đường hầm gió siêu thanh cho công tác thử nghiệm.

Trước đó, một báo cáo đăng trên báo trực tuyến Washington Free Beacon cho biết một phương tiện bay siêu thanh (gọi là WU-14) đã được xác định đang bay ở tốc độ nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh tại Trung Quốc vào ngày 9-1 vừa qua. Tờ báo khẳng định cuộc phóng thử nghiệm đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) thử nghiệm thành công phương tiện bay siêu thanh, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân ở tốc độ nhanh hơn Mach 10 (tức 12.359 km/giờ). Theo so sánh của tờ Daily Star, với vận tốc này, khí cụ bay có thể chỉ mất 45 phút bay từ Bắc Kinh tới Washington.

Cũng theo Washington Free Beacon, ngoài Mỹ, Nga và Trung Quốc đã bắt tay nghiên cứu về vũ khí siêu thanh, Ấn Độ cũng đang rục rịch phát triển một biến thể siêu thanh cho siêu tên lửa hành trình BrahMos của nước này.

Trong khi đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương - Đô đốc Samuel Locklear bình luận rằng vụ thử nghiệm tên lửa siêu tốc là sự minh chứng cho khả năng phát triển công nghệ quân sự mới của Trung Quốc. Tuy cho biết mình không đặc biệt quan tâm về vụ thử nghiệm này, nhưng ông Locklear cảnh báo việc nhiều nước đang đẩy mạnh nghiên cứu các hệ thống siêu thanh sẽ khiến công nghệ này phổ biến rộng rãi và dẫn tới các cuộc đối đầu với hải quân Mỹ tại một số khu vực trên thế giới. Hãng tin AFP cho rằng công nghệ này có thể cho phép các nước phát triển tên lửa có khả năng tấn công nhanh bất kỳ mục tiêu xa nào trên hành tinh.

Cũng liên quan đến quân đội Trung Quốc, Đô đốc Locklear đã lên tiếng "chê" rằng sự non nớt kinh nghiệm của hải quân Trung Quốc và những trở ngại thông tin liên lạc cũng như ngôn ngữ giao tiếp đã góp phần tạo nên vụ suýt va chạm giữa tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USS Cowpens của Mỹ và tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng trước.

NGUYỆT CÁT
(Theo AFP, Reuters, China Daily)

 

Chia sẻ bài viết