12/10/2023 - 09:07

Trung Quốc “phòng ngự” trước cuộc chiến Israel - Hamas 

Từ đầu năm, Trung Quốc đã cho thấy tham vọng đối với vai trò trung gian hòa giải toàn cầu khi tham gia giải quyết các “điểm nóng” của thế giới. Tuy nhiên, phản ứng mới đây trước xung đột Israel - Hamas đã bộc lộ hạn chế của Bắc Kinh về mục tiêu trở thành một “cường quốc ngoại giao”.

Người Palestine rời bỏ nhà cửa sau khi xảy ra xung đột với Israel ở Dải Gaza.

Sau khi Hamas bất ngờ tấn công Israel và đáp lại là màn trả đũa của Tel Aviv, hầu hết quốc gia châu Á và thế giới nhanh chóng lên án bạo lực nhắm vào dân thường. Trong khi Mỹ, Ấn Ðộ, Nhật Bản cùng nhiều nước ủng hộ Israel, phía Iran cổ vũ Hamas còn Nga thì quy trách nhiệm cho phương Tây, Trung Quốc đến nay vẫn tránh chỉ trích trực tiếp bên nào hoặc đưa ra đề nghị hỗ trợ. Không đề cập các vụ tấn công dân thường, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ban đầu kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” và lặp lại sự ủng hộ đối với giải pháp “hai nhà nước”.

Nhà môi giới hòa bình

Sau gần 3 năm phong tỏa vì đại dịch COVID-19, Trung Quốc khởi động nỗ lực ngoại giao nhằm cân bằng trước chính sách mà nước này coi là để “kiềm chế” Bắc Kinh của Mỹ và các đồng minh. Theo đó, cường quốc châu Á đã tăng cường liên minh với các nhóm đa phương không phải do phương Tây lãnh đạo như khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), củng cố quan hệ với Nga cũng như khu vực Nam bán cầu.

Trung Quốc lần đầu tiên bước vào tiến trình hòa bình ở Trung Ðông là vào tháng 3, khi truyền thông nước này ca ngợi thành công của Bắc Kinh giúp Iran - Saudi Arabia vốn nhiều hiềm khích tiến tới bình thường hóa quan hệ. Sự tham gia của Trung Quốc không chỉ giúp các nhà lãnh đạo Arab giành quyền thương lượng trước Mỹ và khiến Washington lo lắng, diễn biến này còn mang lại cho ông Tập sự tín nhiệm với tư cách chính khách toàn cầu. Tiếp nối động lực ngoại giao đó, Chủ tịch Tập trong buổi tiếp đón Tổng thống chính quyền Palestine Mahmoud Abbas tại Bắc Kinh vào tháng 6, nói rằng ông sẵn sàng “đóng vai trò tích cực” trong việc giải quyết xung đột. Vào tháng 8, Trung Quốc chủ trì việc mở rộng nhóm BRICS với các thành viên tiềm năng như Saudi Arabia, Iran, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố Iran - quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ - sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Thách thức và giới hạn rủi ro

Xung đột ở Dải Gaza và phản ứng mơ hồ của Trung Quốc đang làm suy yếu tuyên bố của họ là “nhà môi giới” hòa bình không thiên vị ở khu vực. Nó đồng thời phơi bày hạn chế và dấy lên nghi ngờ về mục tiêu trở thành “cường quốc ngoại giao” của Trung Quốc. Theo đó, mặc dù có cơ hội phát huy sau thành công nối lại quan hệ giữa Iran - Saudi Arabia, các chuyên gia đánh giá Trung Quốc khó có thể can dự sâu vào khủng hoảng hiện nay và bản thân họ cũng không muốn đóng vai trò đó. Ðiều này không có gì bất ngờ, nếu xét đến nền ngoại giao “không ưa rủi ro” lâu nay của Trung Quốc cũng như sự ủng hộ mang tính lịch sử của họ với người Palestine và quan hệ cạnh tranh cùng Mỹ.

Nhìn chung, nhà địa chính trị Mercy Kuo cho biết Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội thể hiện hình ảnh nhà kiến tạo hòa bình và một người chơi toàn cầu, nhưng có những giới hạn rõ ràng trong việc Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận rủi ro để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Về mặt chiến lược, Trung Quốc không hy vọng bị cuốn vào xung đột nhưng vẫn muốn duy trì quan hệ với các cường quốc Trung Ðông, sau đó là giữ được một vị trí tại bàn đàm phán khi các cường quốc gặp và thảo luận về tình hình này. 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Reuters)

 

Chia sẻ bài viết