Canada vẫn ủng hộ việc sử dụng kết hợp các loại vaccine COVID-19 từ những nhà sản xuất khác nhau, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không theo đuổi “xu hướng nguy hiểm” này.
WHO thận trọng
Ngày càng nhiều quốc gia chọn sử dụng kết hợp vaccine. Ảnh: FT
Hôm 12-7, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan khuyến cáo không nên sử dụng kết hợp các loại vaccine khác nhau, cho rằng đây là xu hướng nguy hiểm bởi có ít dữ liệu về tác động đối với sức khỏe. “Chúng ta hiện không có dữ liệu và bằng chứng liên quan tới việc sử dụng kết hợp các loại vaccine. Các nước sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn nếu các công dân quyết định thời điểm và đối tượng nào sẽ tiêm vaccine liều thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư”, Tiến sĩ Swaminathan nói tại họp báo trực tuyến.
Tuy nhiên, giới chức Canada lập tức bảo vệ cách tiếp cận của nước này, nhấn mạnh mọi quyết định được đưa ra đều đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên hàng đầu.
Trước đó, người dân xứ sở lá phong đã được thông báo rằng kết hợp vaccine có thể chấp nhận được, dựa trên hướng dẫn của Ủy ban tư vấn quốc gia về miễn dịch Canada (NACI). Hồi đầu tháng rồi, NACI đưa ra hướng dẫn cập nhật cho phép “trộn” các loại vaccine đã được phê duyệt tại nước này trong phần lớn các trường hợp. Theo đó, những người đã tiêm mũi đầu là vaccine AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) có thể nhận mũi tiêm thứ hai là vaccine Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) hoặc Moderna (Mỹ) trừ trường hợp mang thai. Văn bản hướng dẫn cũng cho biết các vaccine của Pfizer và Moderna có thể sử dụng phối kết hợp cho cả mũi tiêm thứ nhất và mũi tiêm thứ hai. Được biết, Bộ trưởng phụ trách dịch vụ công và mua sắm Anita Anand đã tiêm mũi thứ nhất là vaccine Pfizer và mũi thứ hai là vaccine Moderna. Bà Anand nằm trong số rất nhiều công dân Canada sử dụng kết hợp vaccine.
Vì sao nhiều nước chọn “tiêm trộn” vaccine?
Viện Y tế Carlos III (Tây Ban Nha) hồi tháng 5 đã công bố nghiên cứu cho thấy những người được tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu và vaccine Pfizer mũi thứ hai vừa an toàn vừa có kháng thể chống SARS-CoV-2 tốt hơn gấp 7 lần so với những người chỉ tiêm vacccine AstraZeneca. Hiện Tây Ban Nha đã cho phép những người dưới 60 tuổi tiêm kết hợp hai loại vaccine này. Gần đây, Ủy ban thường trực về tiêm chủng (STIKO) của Đức khuyến nghị những người được tiêm liều vaccine đầu tiên của AstraZeneca “nên tiêm liều thứ hai là vaccine sử dụng công nghệ mRNA (vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna), bất kể tuổi tác”. Theo STIKO, các kết quả nghiên cứu cho thấy phản ứng miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm kết hợp như thế là “vượt trội rõ ràng” so với khi tiêm hai liều đều của AstraZeneca.
Ngay cả lãnh đạo một số nước cũng đã chủng ngừa theo mô hình kết hợp, trong đó Thủ tướng Đức Angela Merkel được tiêm mũi 2 bằng vaccine Moderna và Thủ tướng Ý Mario Draghi nhận vaccine Pfizer/BioNTech, sau khi tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca.
Sự hưởng ứng của các nhà lãnh đạo được thực hiện sau khi một số nhà khoa học cho rằng việc tiêm kết hợp hai loại vaccine có thể nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch. Ngoài Johnson & Johnson và AstraZeneca, vaccine Sputnik V của Nga và CanSino của Trung Quốc cũng sử dụng công nghệ vector virus. Trong công nghệ này, hệ miễn dịch của cơ thể có khả năng hình thành phản ứng miễn dịch với chính vaccine chứa vector virus, làm giảm mức độ hiệu quả chống lại nCoV. Do đó, giới chuyên gia hy vọng việc kết hợp các loại vaccine khác nhau có thể giúp giảm bớt nguy cơ đó.
Một số quốc gia đã lựa chọn hình thức kết hợp bởi nguồn cung của một loại vaccine cụ thể bị cạn kiệt, trong khi loại khác lại có sẵn; hoặc loại vaccine đầu tiên không đem lại hiệu quả cao; hoặc do thận trọng, cân nhắc tới yếu tố an toàn khi một số loại vaccine gây ra phản ứng không mong muốn ở những người đã tiêm liều đầu tiên. Đơn cử như hồi giữa tháng 6, Chính phủ Hàn Quốc quyết định sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường cho 760.000 người đã tiêm chủng mũi đầu tiên bằng vaccine AstraZeneca do việc chậm trễ trong việc chuyển giao loại chế phẩm này. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain cho phép sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường cho người đã tiêm vaccine Sinopharm (Trung Quốc). Mới đây, Thái Lan cũng thông báo sẽ “tiêm trộn” vaccine Sinovac (Trung Quốc) và vaccine AstraZeneca cho người dân nhằm gia tăng khả năng phòng ngừa COVID-19.
Ngoài ra, sự xuất hiện ngày càng nhiều các biến thể mới của SARS-CoV-2 cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu buộc các nước phải cân nhắc tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau. Các nhà nghiên cứu còn tin rằng trong tương lai, cách tiếp cận này có thể dẫn đến sự ra đời của các dòng vaccine “đa năng”, đủ sức bảo vệ con người trước những biến chủng khác nhau.
Nhật viện trợ Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine
Ngày 13-7, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi thông báo Nhật Bản sẽ viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam vào cuối tuần này. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, Bộ trưởng Motegi nói: “Sau quá trình xem xét các đề xuất trợ giúp thêm vaccine COVID-19, chúng tôi đã quyết định viện trợ cho Indonesia, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) mỗi nơi thêm 1 triệu liều. Số vaccine này dự kiến sẽ chuyển tới các quốc gia/vùng lãnh thổ này vào ngày 15-7”.
Trước đó, Nhật Bản đã viện trợ 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam, 1 triệu liều cho Indonesia và khoảng 2,37 triệu liều cho Đài Loan. Đây là những vaccine do một công ty Nhật Bản sản xuất theo hợp đồng nhượng quyền với AstraZeneca. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã viện trợ vaccine AstraZeneca cho 3 quốc gia Đông Nam Á khác, gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan.
|
HẠNH NGUYÊN (Theo CTV News)