30/11/2019 - 13:03

Thông điệp từ chuyến đi của ông Trump 

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28-11 đã có chuyến thăm đầu tiên và bất ngờ các binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan nhân dịp lễ Tạ ơn.  Nó diễn ra một tuần sau cuộc trao đổi tù nhân giữa Washington và Taliban làm tăng hy vọng về việc ký kết một thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Trump phát biểu trước binh sĩ Mỹ đồn trú ở Afghanistan hôm 28-11. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước báo giới sau khi đến Afghanistan, Tổng thống Trump cho biết ông tin rằng phiến quân Taliban sẽ đồng ý ngừng bắn. “Taliban muốn có một thỏa thuận và chúng tôi đang gặp họ. Chúng tôi từng nói cần đình chiến. Họ trước đây không muốn đình chiến nhưng bây giờ lại muốn. Tôi tin là như vậy” - ông Trump nói.

Trước đó, giới lãnh đạo Taliban nói với Reuters rằng họ đã có các cuộc gặp với các quan chức cấp cao Mỹ tại thủ đô Doha (Qatar) hồi cuối tuần rồi và có thể sớm nối lại đàm phán chính thức.

Tại Afghanistan, Tổng thống Trump đã gặp người đồng cấp nước chủ nhà Ashraf Ghani, cùng ăn tối, chụp ảnh và phát biểu trước các binh sĩ Mỹ. Đây là lần thứ hai ông thăm lực lượng Mỹ tham chiến tại nước ngoài kể từ khi lên nắm quyền. Trước đó,  hồi năm ngoái ông đã đến thăm các binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq nhân dịp Giáng sinh.

James Carafano, Phó Giám đốc Viện An ninh và Chính sách đối ngoại quốc gia thuộc Quỹ Di sản Mỹ nhận định, chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Trump tới Afghanistan cho thấy cáo buộc ông là người theo chủ nghĩa biệt lập là sai, bởi chuyến thăm này như lời nhắc nhở rằng ông sẵn sàng đi đến nơi tận cùng của Trái đất để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Ông Trump coi việc kiềm chế Taliban là chìa khóa mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan và Nam Á, qua đó ngăn cản sự hồi sinh của các nhóm khủng bố như al-Qaeda.

Theo ông Carafano, ông Trump khác với những người tiền nhiệm ở chỗ là không tìm cách giải quyết tất cả các vấn đề trên thế giới hay bỏ qua các mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ. Và những gì ông cố gắng làm là thiết lập vị thế toàn cầu đáng tin cậy và bền vững, thể hiện rõ cho các đối thủ thấy rằng Mỹ không phải nước “dễ xơi” và có ý định tự cô lập mình.

Và Afghanistan là trường hợp điển hình cho “Học thuyết Trump”. Ông đã thay đổi nhiệm vụ của lực lượng Mỹ ở đây từ chiến đấu sang tư vấn và hỗ trợ cho người dân Afghanistan cũng như tìm cách đưa Taliban ra khỏi cuộc xung đột. Việc Mỹ rút bớt binh sĩ khỏi Syria sau khi đánh bại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng là một thí dụ. Trước đó, ông Trump cũng đã đưa ra những lời đề nghị tương tự với các nước đối thủ của Mỹ như Iran, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.

Thật ra, kể từ khi còn là ứng viên tổng thống, ông Trump đã muốn chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào Afghanistan. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Taliban và Washington đã sụp đổ hồi tháng 9 sau khi nhà lãnh đạo Mỹ hủy bỏ cuộc gặp được lên kế hoạch với các nhà lãnh đạo Taliban với lý do là bạo lực do Taliban tạo ra ngày càng gia tăng. Kể từ đó, quân đội Mỹ đã tăng cường các cuộc không kích vào Taliban trong nỗ lực buộc lực lượng này trở lại bàn đàm phán. Hy vọng ký kết thỏa thuận hòa bình lại chớm nở vào đầu tháng này khi Taliban trả tự do cho các con tin người Mỹ và Úc.

18 năm sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001, hiện vẫn còn 13.000 binh sĩ Mỹ cũng như hàng nghìn binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở lại quốc gia Nam Á này. Ước tính, khoảng 2.400 lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Afghanistan. Hiện quân đội Mỹ có kế hoạch giảm quân số tại Afghanistan xuống 8.600 người nhưng vẫn đảm trách nhiệm vụ chống khủng bố tại đây.

TRÍ VĂN (Theo Reuters, Fox News)

Chia sẻ bài viết