Thế giới năm 2007 “may mắn” tránh được các cuộc đối đầu quân sự giữa Israel và Syrie, giữa Mỹ và Iran vốn có thể gây thảm họa cho toàn khu vực Trung Đông và thế giới. Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức có vẻ như sẽ nặng nề hơn trong năm 2008 này.
|
Người dân Nhật Bản nô nức đón chào năm mới. Ảnh: AP
|
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của thế giới năm 2008 từ 5,2% xuống còn 4,8%. Điều đáng báo động hơn, theo IMF, là cuộc khủng hoảng nhà đất và tín dụng thế chấp có thể tiếp tục làm kinh tế Mỹ bị trì trệ và suy thoái, điều đó sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều nền kinh tế vốn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ khổng lồ của nước này. Đặc biệt, sự yếu kém của kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung không làm cho giá dầu “hạ nhiệt”, bởi môi trường địa an ninh và địa chính trị thế giới chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng. Ngân hàng Saxo có trụ sở tại Đan Mạch thậm chí dự báo giá dầu thế giới có thể lên tới 175 USD/thùng trong năm 2008. Giá năng lượng nếu tăng cao đến mức như vậy cùng với những biến động khắc nghiệt về thời tiết, dịch bệnh có nguy cơ làm giá hàng hóa tiêu dùng trên thế giới thêm “nóng” mà người chịu thiệt nhất vẫn là dân nghèo. Năm qua, tuy giá dầu chưa một lần vượt ngưỡng 100 USD/thùng nhưng cũng khiến nhiều nước chật vật đối phó với nạn lạm phát. Trong trường hợp Lầu Năm Góc tấn công quân sự chống Iran, theo hãng nghiên cứu Standard & Poors, giá dầu có thể đạt mức 250 USD/thùng. Ngoài vấn đề lạm phát, giá dầu cao buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm chi tiêu và chắc chắn sẽ gây căng thẳng thị trường lao động và việc làm.
Tuy nhiên, người ta có cơ sở để hy vọng “bóng ma” chiến tranh giữa Mỹ và Iran sẽ không xuất hiện. Giới phân tích cho rằng năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông chủ Nhà Trắng George Bush phải nỗ lực bình ổn hai chiến trường khốc liệt Iraq và Afghanistan, đồng thời giúp chính quyền Palestine và Israel đạt được thỏa thuận hòa bình (trên danh nghĩa), nên có lẽ không thể phiêu lưu đối đầu với Iran. Chỉ có điều Washington không dễ dàng gì kiểm soát nổi tình trạng an ninh tại Iraq hay Afghanistan. Mạng lưới al-Qaeda tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc thánh chiến phá hoại chính phủ do Mỹ “dàn dựng” và hướng đến mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo trong tương lai. Tại Afghanistan, Taliban đang trỗi dậy mạnh mẽ và có khả năng lật đổ chế độ Hamid Karzai, đồng thời gây tang tóc thêm cho lực lượng đa quốc gia. Những vụ đánh bom gây thương vong lớn có bàn tay al-Qeada tại nhiều nước trên thế giới trong năm 2007 cho thấy chủ nghĩa khủng bố ngày càng lan rộng và “trẻ hóa”.
Tại châu Phi, ngoài khả năng tiếp diễn của hàng loạt cuộc xung đột sắc tộc, tranh giành quyền lực và khủng bố trong nội bộ quốc gia, chiến tranh biên giới giữa Ethiopia và Eritrea luôn trong tình trạng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, có nguy cơ lôi kéo nhiều nước láng giềng tham gia.
Năm 2008 còn có thể chứng kiến một cuộc đối đầu khó lường tại Kosovo nếu tỉnh này đơn phương tuyên bố tách khỏi Serbia với sự hậu thuẫn của Mỹ và Tây Âu
PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp)