16/10/2012 - 21:59

Thế giới A-rập trước sự trỗi dậy của các nhóm thánh chiến

Một tín đồ Hồi giáo vẫy cờ của nhóm Salafist ở thành phố Kaiouan của Tunisie.
Ảnh: AFP/Getty Images

Tờ Bưu điện Washington số ra ngày 16-10 đăng bài viết về sự gia tăng đáng kể của các nhóm chiến binh thánh chiến trên khắp thế giới A-rập và coi đây là một mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định của khu vực. Đồng thời, tác giả bài viết cũng đưa ra phân tích kèm nhận định rằng đây là thách thức mà các nền dân chủ mới xuất hiện phải đối mặt và có thể gây trở ngại đối với quá trình chuyển đổi chính trị ở Syrie nếu chế độ của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad sụp đổ.

Hoạt động trải dài từ khu vực sa mạc Sinai của Ai Cập đến miền Đông Libye và chiến trường Syrie, các nhóm chiến binh trỗi dậy mạnh mẽ khi sử dụng danh nghĩa thúc đẩy quyền tự do dân chủ, đặc biệt sau những cuộc nổi dậy ở Trung Đông và Bắc Phi để rao giảng, chiêu mộ các phần tử gia nhập. Tác giả bài viết cho rằng đây là một trong những lý do khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây "miễn cưỡng giúp đỡ" lực lượng đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài gần 19 tháng qua tại Syrie.

Các quan chức phương Tây nhận định nhóm Jabhat al-Nusra hoạt động tại Syrie là "nổi bật" nhất với hàng loạt các vụ đánh bom tự sát bí ẩn tại Thủ đô Damas và thành phố Aleppo trong các chiến dịch nhằm chống lại chính phủ của Tổng thống al-Assad. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng rất có thể nhóm này còn có mối liên quan mật thiết với lực lượng nổi dậy tại Syrie. Ngoài al-Nusra Jabhat, một số nhóm thánh chiến nhỏ hơn đã nổi lên, bao gồm nhóm phiến quân Mujaheddin al-Shura, thu hút một số chiến binh nước ngoài tới miền Bắc Syrie và được cho là đã tham gia thực hiện vụ bắt cóc hai nhà báo gốc châu Âu hồi tháng 7 năm nay.

Theo Charles Lister, một nhà phân tích thuộc tổ chức IHS Jane’s ở Luân Đôn (Anh), đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ nhóm chiến binh nào tại Syrie bày tỏ việc mở rộng phong trào thánh chiến trên qui mô toàn cầu nhắm mục tiêu tới nước Mỹ nhưng mọi việc có thể thay đổi nếu tình hình xung đột cứ tiếp tục kéo dài. Không chỉ vậy, phong trào này còn "nở rộ" với sự lan rộng tư tưởng thánh chiến ở một số quốc gia khác như Libye, Tunisie, Yemen và Ai Cập. Đặc biệt tại Libye, các quan chức tình báo Mỹ nói rằng họ phát hiện có mối liên kết giữa các chiến binh nổi dậy ở Libye với những thành viên thuộc mạng lưới al-Qaeda tại vùng Hồi giáo Maghreb (AQIM).

Theo các chuyên gia phân tích, hầu hết các nhóm chiến binh mới nổi đều là những cá nhân bất mãn với chính sách ở địa phương và rất ít khả năng liên quan đến tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda hay có tham vọng mở rộng hoạt động xuyên quốc gia. Tuy nhiên, phong trào thánh chiến đang trở thành một hiện tượng lan rộng trên toàn khu vực với nhiều cá nhân có tư duy tương tự như những phần tử cực đoan al-Qaeda, có thể mang đến mối hiểm họa, đe dọa lợi ích nước Mỹ, điển hình là vụ các tay súng tấn công cơ sở ngoại giao Mỹ tại thành phố Benghazi khiến đại sứ Christopher Stevens cùng 3 nhân viên khác thiệt mạng.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng lên tiếng thừa nhận sự hiện diện của các phong trào như vậy thật sự là nguy cơ khi "những kẻ cực đoan tìm cách lợi dụng giai đoạn bất ổn và chiếm quyền cai trị trong quá trình chuyển đổi dân chủ".

PHỨC NHÃ
(Theo Washinton Post)

Một tín đồ Hồi giáo vẫy cờ của nhóm Salafist ở thành phố Kaiouan của Tunisie. Ảnh: AFP/Getty Images

Chia sẻ bài viết