08/12/2015 - 21:25

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

TẬP TRUNG RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Ngày 8-12, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế… tham dự Hội nghị.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn trình bày tại Hội nghị cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân vào xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước.

Kết quả cụ thể là tính đến hết tháng 11-2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã. Ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (Thành phố Hà Nội), Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Ngoài ra còn 8 huyện, thị xã đã có Tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).

Mục tiêu cụ thể được xác định trong giai đoạn 2016-2020 phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn tổng thể sau 05 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có thể khẳng định Chương trình đã được triển khai tích cực, đúng hướng, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực. Cả hệ thống chính trị đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, từ Chính phủ, đến các Bộ, ngành, địa phương đều tích cực vào cuộc; có kế hoạch triển khai cụ thể, rõ ràng.

Đến nay, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua, phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp trong cả nước. Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân. Từ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước sang tự chủ thực hiện, tạo thành phong trào sôi động khắp cả nước. Đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh những hạn chế của Chương trình cần phải tập trung khắc phục, trong đó có sự chênh lệch tiêu chí giữa các xã ở các vùng miền còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo so với bình quân cả nước còn cao, số hộ nghèo ở các huyện nghèo chiếm tỷ lớn; nhận thức ở một số nơi về mục đích, ý nghĩa của Chương trình chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền còn có mặt hạn chế…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới là rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thực hiện mục tiêu Chương trình; đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để chúng ta thực hiện Chương trình này một cách hiệu quả. Đi liền với đó là đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị về xây dựng nông thôn mới, phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên bởi xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết