27/07/2021 - 08:03

Taliban mở chiến dịch ngoại giao 

Cùng với những chiến thắng liên tiếp trên chiến trường Afghanistan và củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ, phiến quân Taliban cũng đang mở chiến dịch ngoại giao nhằm chuẩn bị cho tương lai lãnh đạo đất nước.

Các tay súng Taliban tại Afghanistan. Ảnh: AFP

Hết cuộc gặp này đến cuộc gặp khác với đại diện đến từ Trung Quốc, Nga, Iran và các quốc gia Trung Á lân cận, Taliban đang cho giới ngoại giao nước ngoài thấy rằng họ là tác nhân chính trị không thể bỏ qua nếu muốn tạo ảnh hưởng đến định hướng và chính sách tương lai tại quốc gia Nam Á này.

Nhìn chung, chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đang thất thế trong cuộc chiến với một Taliban đang trỗi dậy, mở rộng chiếm đóng lãnh thổ giữa lúc Mỹ rút quân nhanh hơn dự kiến. Dù được các cố vấn Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) huấn luyện trong nhiều năm, lực lượng an ninh Afghanistan vẫn phải tháo chạy khỏi các chốt kiểm soát, buông vũ khí và thậm chí đào tẩu khi Taliban tấn công phía Bắc và Tây Bắc nước này. Một báo cáo tình báo của Mỹ dự đoán Kabul sẽ thất thủ trong vòng 6 tháng tới.

Trung Quốc, Nga, Pakistan và nhiều nước khác chắc hẳn đã sớm nhìn thấy viễn cảnh trên nên đặt cược ngoại giao với các đại diện của Taliban. Ðặc biệt, Trung Quốc đã “hứa” nhiều thỏa thuận cơ sở hạ tầng tiềm năng trước khi Taliban trỗi dậy để lôi kéo Afghanistan tham gia vào sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Mới đây, Tổng thống Ghani công khai lên án việc Pakistan ủng hộ Taliban, sau khi xuất hiện các đoạn video cho thấy các chiến binh Taliban được điều trị y tế ở tỉnh Balochistan (Pakistan), qua đó cho thấy niềm tin của Islamabad rằng Taliban có thể sẽ lên ngôi trong vài tháng tới.

Mặc dù tất cả các nước láng giềng của Afghanistan đều tin rằng giải pháp hòa bình tại nước này là điều cần thiết đối với sự ổn định và tránh cuộc nội chiến quy mô lớn ở khu vực biên giới nước họ, nhưng chỉ số ít nhận thấy chế độ Tổng thống Ghani đóng vai trò lãnh đạo trong tương lai.

Thật vậy, việc “kết thân” với chế độ ông Ghani có thể gây nguy hại cho lợi ích của các nước láng giềng nếu như Taliban “nổi đóa”. Ðiều quan trọng là các nước láng giềng lo sợ sẽ trở thành gánh nặng trước bất kỳ làn sóng tị nạn nào từ Afghanistan nếu như xảy ra cuộc nội chiến toàn diện giữa Taliban và chế độ ông Ghani. Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang tiếp tục hiện diện quân sự tại Afghanistan, hiện đứng ngoài cuộc ngoại giao của Taliban và có khả năng ủng hộ các nhóm phiến quân xuyên biên giới chống Taliban ở phía Bắc Afghanistan nếu chế độ Ghani sụp đổ.

Tuy vậy, Mỹ cũng đã đứng trên “con tàu ngoại giao” với Taliban, dẫn đến sự hình thành của hiệp ước Doha vào tháng 2-2020, gồm các điều khoản cho việc rút quân của Washington. Theo đó, Taliban cam kết cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố như al-Qaeda. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng lực lượng cực đoan này đã không tuân thủ thỏa thuận. Dù hạn chế tấn công binh sĩ Mỹ nhưng Taliban lại đẩy mạnh tấn công lực lượng an ninh Afghanistan. Mặt khác, các cuộc đàm phán giữa Taliban với Kabul cho đến nay chỉ mang tính hình thức. Hiện giới quan sát và phân tích đang chờ đợi “kế hoạch hòa bình” như đã hứa của Taliban.

Taliban trong tuyên bố hôm 11-7 cho biết mục đích ngoại giao của họ không chỉ là nhắc lại cam kết “đối thoại” mà còn muốn “tìm hiểu” các quốc gia nói trên nhằm tìm cách xoa dịu nỗi sợ hãi của họ. Nhiều người cho rằng Taliban đã sẵn sàng thực hiện chính sách đối ngoại phù hợp với mong muốn của Trung Quốc, Nga và các bên liên quan khác trong khu vực, bởi lực lượng này rất cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để có thể lật đổ chế độ Ghani và sau đó là chiếm đóng Kabul.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ Frank McKenzie cho biết Washington sẽ tiếp tục triển khai các cuộc không kích để hỗ trợ các lực lượng Afghanistan đang phải đối mặt với các cuộc tấn công từ Taliban. “Mỹ đã gia tăng các cuộc không kích để hỗ trợ các lực lượng Afghanistan trong vài ngày qua. Chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ này trong những tuần tới nếu Taliban tiếp tục các cuộc tấn công” - Tướng McKenzie khẳng định hôm 25-7.

TRÍ VĂN (Theo Asia Times, Reuters) 

Chia sẻ bài viết