15/12/2020 - 08:23

Sứ mệnh của LHQ và 4 mục tiêu chưa thể hoàn thành 

Một năm cả thế giới đảo lộn và tê liệt vì đại dịch COVID-19 sắp khép lại. Với Liên Hiệp Quốc (LHQ), 2020 là năm đánh dấu 75 năm phụng sự cho hòa bình thế giới đầy tự hào của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, nhưng cũng đồng thời là năm  LHQ lần đầu tiên phải chấp nhận thực tế “lực bất tòng tâm”, không thể triển khai những kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. SARS-CoV-2 nhỏ bé đã khiến 4 mục tiêu lớn mà Tổng Thư ký (TTK) Antonio Guterres tuyên bố quyết tâm giải quyết trong năm 2020 không thể trở thành hiện thực, thậm chí nhiều thành quả mà LHQ đã nỗ lực vun đắp suốt bao năm bỗng chốc tan thành mây khói.

TTK LHQ Guterres (trái) và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thảo luận cách ứng phó COVID-19. Ảnh: UN Photo

TTK LHQ Guterres (trái) và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thảo luận cách ứng phó COVID-19. Ảnh: UN Photo

Bốn ưu tiên mà người đứng đầu LHQ đặt ra cho năm 2020 gồm tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng chính trị, đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và tăng cường sự phối hợp giữa LHQ và các thể chế đa phương khác. Giờ đây, 4 mục tiêu vẫn đang nằm trên bàn nghị sự của những năm tới và có lẽ con đường hướng đến những mục tiêu này sẽ xa hơn và gian nan hơn rất nhiều khi mà cộng đồng quốc tế nói chung và LHQ nói riêng vẫn đang vật lộn với đại dịch.

100 triệu người tái nghèo

Quả thực, đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề các nền kinh tế, xóa sạch những tiến bộ nhiều nước đạt được trong thực hiện các SDG, đẩy cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới tụt hậu trở lại cả thập niên. Với những khu vực luôn chìm trong xung đột liên miên như châu Phi hay Trung Đông, tình trạng nghèo đói đã ngấp nghé trở lại mức cách đây 30 năm.

Trong báo cáo tổng kết năm 2020, TTK LHQ Guterres đã phải đau lòng thừa nhận thế giới có thêm khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998. Suy thoái kinh tế cũng khiến tình trạng khủng hoảng lương thực xảy ra ở nhiều khu vực có xung đột và nguy cơ bùng phát thảm họa nhân đạo ngày một thêm rõ rệt. Tình trạng khoảng 24 triệu người tại vùng Sahel châu Phi đang phải hoàn toàn trông chờ vào nguồn cứu trợ của LHQ và cộng đồng quốc tế để có thể sống sót qua năm nay là một ví dụ điển hình.

Trong lời kêu gọi thế giới chung tay đóng góp nguồn kinh phí cho các hoạt động nhân đạo của LHQ, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cho biết đại dịch COVID-19 khiến số người chết đói trên thế giới tăng từ 135 triệu lên 270 triệu người, đồng thời cảnh báo rằng đó vẫn chưa phải là những điều tồi tệ nhất. Ông Beasley nhấn mạnh 2021 rất có thể sẽ là năm xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập LHQ.

Những lời kêu gọi tâm huyết của LHQ rằng thế giới cần chung tay giúp đỡ những cộng đồng, những quốc gia nghèo hơn bằng một khoản cứu trợ tương đương ít nhất 10% giá trị nền kinh tế toàn cầu là vô cùng cấp thiết, nhưng quá khó để có thể thực hiện trong thời điểm này. Lý do là ngay cả các nước phát triển cũng đang phải tập trung cứu người dân và nền kinh tế của mình trước tiên. Hơn một lần TTK LHQ kêu gọi các nước giàu hơn hãy khoanh nợ, giãn nợ cho các nước nghèo hoặc ủng hộ các nước nghèo thông qua các tổ chức tài chính quốc tế, bởi ông cho rằng “Cộng đồng thế giới cùng chung số phận và chỉ có đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì người dân thế giới mới đạt được những mục tiêu chung và duy trì được những giá trị chung”. Thế nhưng, nhiều tháng đã trôi qua và những lời kêu gọi của ông vẫn rơi vào khoảng không im lặng.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 và hệ lụy kinh khủng của nó đã dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm và nợ cao ở nhiều nước trên thế giới. Đây chính là những thách thức mới, to lớn cản trở nhiều hơn nữa tiến trình thực hiện SDG của LHQ, vốn đã được dự báo khó có thể đến đích như dự kiến vào năm 2030, kể cả nếu như đại dịch COVID-19 không xảy ra.

Xung đột leo thang

Thế giới cũng phải chứng kiến nhiều cuộc xung đột kéo dài cả thập niên vẫn ngày càng trở nên trầm trọng hơn; nguồn lực cho phát triển ngày càng thiếu hụt và vấn đề quyền con người, đặc biệt ở những khu vực có xung đột vũ trang vẫn thực sự nhức nhối; đói nghèo, bất bình đẳng, thù hận, bất công vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.

Ngay tại Hội đồng Bảo an (HĐBA), bất đồng sâu sắc giữa 5 nước siêu cường nắm giữ vị trí ủy viên thường trực (P5) tiếp tục cản trở nhiều hoạt động của cơ quan quyền lực nhất LHQ này. Đơn cử như hồi tháng 3, khi TTK LHQ ra lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để các nước tập trung chống dịch và giải quyết khủng hoảng do dịch, gần 180 nước, hơn 20 nhóm vũ trang và 800 tổ chức xã hội dân sự đã hưởng ứng. Tuy nhiên, P5 đã tranh cãi trong gần 4 tháng mới có thể ra được nghị quyết chính thức ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của TTK Guterres.

Thức tỉnh?

Nhưng cũng chính vì đại dịch, cả thế giới mới bừng tỉnh nhận ra hành tinh của loài người thật mong manh và rằng những cảnh báo của LHQ về tình trạng các hệ thống y tế bất bình đẳng, khoảng cách an sinh xã hội quá lớn, môi trường xuống cấp và biến đổi khí hậu đã ở mức báo động là hiện thực đang tác động mạnh mẽ tới đời sống của tất cả người dân trên thế giới đúng vào lúc khủng hoảng xảy ra.

TTK Guterres nhấn mạnh rằng chính đại dịch đã khiến thế giới nhận ra sự cấp thiết phải cân bằng lại mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và những lời kêu gọi của LHQ về ứng phó với biến đổi khí hậu từ nay sẽ không còn là câu chuyện nhân loại có thể lựa chọn. Với lượng khí thải nhà kính đã lên tới ngưỡng kỷ lục, việc 70 nước cam kết có kế hoạch để đạt được trung hòa khí thải vào năm 2050 là những tia hy vọng tích cực ban đầu, dù chưa đủ đối với công cuộc kiểm soát nhiệt độ ấm lên toàn cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu mà LHQ đang theo đuổi.

Đại dịch cũng khiến những hoài nghi về vai trò của cơ chế đa phương và vai trò của chính LHQ giảm đáng kể. Nguyên nhân là trong những thời khắc khủng hoảng nhất, LHQ vẫn chứng tỏ là tổ chức duy nhất trên thế giới hội tụ đủ năng lực đảm trách vai trò đầu tàu trong ứng phó với vấn đề y tế toàn cầu, hỗ trợ nhân đạo cứu người, giải quyết những ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống kinh tế - xã hội và xây dựng chính sách cũng như kế hoạch phổ quát hỗ trợ các cộng đồng và khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất.

Cam kết của lãnh đạo 193 nước thành viên tại Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 75 cuối tháng 9 vừa qua, về việc nỗ lực duy trì và phát huy chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các thách thức lớn của thế giới, chính là “điểm sáng” trong hoạt động của LHQ năm nay. Tinh thần đa phương phụng sự thế giới, phục vụ con người như trong Hiến chương LHQ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khắp nơi, mà bằng chứng là kết quả của nhiều cuộc khảo sát quy mô lớn được công bố đúng vào kỳ họp Đại hội đồng khóa 75.

Năm 2021 đang tới gần, nhiều thách thức, khó khăn đang ở phía trước, nhưng 193 nước thành viên LHQ đã cam kết mạnh mẽ sẽ giữ vững tầm nhìn, quyết tâm tiến về phía trước để khôi phục và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đúng như sứ mệnh đã được khắc ghi trong Hiến chương cách đây 75 năm.

Trong nỗ lực chung của LHQ, với cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm và cân bằng qua những đóng góp thiết thực, được lãnh đạo LHQ, các nước và dư luận quốc tế đánh giá cao. Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA ngay tháng 1-2020, Việt Nam đã chủ trì thành công nhiều công việc định kỳ và đột xuất của HĐBA. Có thể kể tới hai điểm nhấn nổi bật là phiên thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, trong đó HĐBA lần đầu tiên thông qua một Tuyên bố Chủ tịch riêng về tuân thủ Hiến chương LHQ. Sự kiện thứ hai là phiên họp về hợp tác giữa LHQ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là lần đầu tiên chủ đề này được thảo luận tại HĐBA, do Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 thúc đẩy.

Việt Nam cũng đã chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại Hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hằng năm. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành khắp thế giới, đây là một trong những đóng góp tích cực của Việt Nam vào giải quyết các thách thức chung toàn cầu.


HẢI VÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết